Người viết: Tổ truyền thông
25/04/2019 22:00:34
Tuần qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã thực hiện thành công ca nội soi gắp dị vật cho cụ ông Nguyễn Văn Lũy, 83 tuổi, ngụ tại Vạn Kim, Mỹ Đức, Hà Nội. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, nuốt nghẹn, tức ngực, đau sau xương ức. Trước đó, bệnh nhân đang ăn tối cùng gia đình thì không may bị nuốt nghẹn thức ăn, uống nước vào bị sặc, được người nhà đưa vào bệnh viện Mỹ Đức sơ cứu, sau đó được chuyển lên bệnh viện đa khoa Hà Đông.
Sau khi các bác sĩ thăm khám, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc để giảm huyết áp. Khi tiến hành nội soi, các bác sĩ thấy hình ảnh túi thừa ở khoảng giữa 1/3 thực quản, cạnh túi thừa có cục thức ăn chít hẹp lòng thực quản. Sau đó, bác sĩ tiến hành gắp dị vật ra là một bã thức ăn bằng kìm cá sấu, trong khoảng 30 phút. Điều đặc biệt ở ca bệnh này là trên nền bệnh nhân cao tuổi, tăng huyết áp, sức khỏe kém, lại có túi thừa dễ gây nên nuốt hóc dị vật. Nếu không xử lý kịp thời sẽ gây nên các biến chứng như cơ thể suy kiệt do không ăn uống được, hoặc nếu để muộn hơn nữa gây viêm tấy thực quản, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.Tuy nhiên trong trường hợp này, sau khi gắp bỏ dị vật ra khỏi thực quản, bệnh nhân đã cao tuổi, túi thừa kích thước không quá lớn lại chưa bị viêm, chưa có các triệu chứng thực quản xấu đi nên được điều trị bảo toàn, không phẫu thuật cắt bỏ túi thừa.
Hình ảnh dị vật bã thức ăn được gắp ra từ thực quản của bệnh nhân
Hình ảnh túi thừa ở ngay bên cạnh dị vật trong thực quản
BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh, trưởng khoa Nội tiêu hóa, bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân cho biết: Đối với bệnh nhân Nguyễn Văn Lũy, ngoài tiền sử tăng huyết áp, đột quỵ não còn được chẩn đoán có túi thừa ở thực quản cách đây 20 năm khi thăm khám tại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Đây là bệnh nhân cao tuổi (83 tuổi) nên vấn đề sức khỏe răng miệng không còn tốt nên nhai thức ăn kém, đồng thời bệnh nhân có túi thừa ở thực quản, dễ mắc nghẹn gây nên hóc dị vật. Người nhà cần cho bệnh nhân ăn thức ăn chế biến kĩ, dễ nhai nuốt, tránh thức ăn dai, khó tiêu hóa. Còn đối với các bệnh nhân ở độ tuổi trẻ hơn mà có túi thừa cần thay đổi lối sống như nhai kỹ khi ăn, uống nhiều nước sau ăn, không nằm ngay sau khi ăn. Nếu kích thước túi thừa to và triệu chứng trầm trọng hơn thì cần phẫu thuật hoặc nội soi để cắt bỏ hoặc khâu treo túi thừa lên và điều trị các triệu chứng, khi đó chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Một số chuyên gia ngành y tế cho biết: Túi thừa thực quản thường không có biểu hiện lâm sàng khi kích thước còn nhỏ. Khi túi vừa đủ lớn ứ đọng thức ăn trong túi có thể gây ra nuốt nghẹn, ọe, cảm giác nặng sau cổ, nếu nặng hơn có thể gây biến chứng như: viêm phổi hít, loét túi thừa, chảy máu và nôn ra máu. Đây là bệnh lý hiếm gặp và thường xuất hiện ở bệnh nhân trung niên và cao tuổi.