Cấp cứu thành công bệnh nhân sốc nhiễm trùng tiêu hóa do tự ý mua thuốc điều trị tại nhà

Người viết: Tổ truyền thông

25/06/2023 13:25:53

Vừa qua, BVĐK Hà Đông tiếp nhận một ca bệnh trong tình trạng nguy kịch, sốc nhiễm khuẩn – nhiễm trùng tiêu hóa do viêm ruột hoại tử, gây nhiễm trùng khắp ổ bụng, suy đa phủ tạng, ảnh hưởng tới tính mạng.                 

Đó là bệnh nhân Đ.H.V, 42 tuổi (Đồng  Phú – Chương Mỹ – Hà Nội), tiền sử xơ gan do uống rượu, xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày. Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân đau quanh rốn âm ỉ kéo dài, kèm nôn, đi ngoài phân lỏng. Do chủ quan, bệnh nhân tự ý mua thuốc giảm đau và men tiêu hóa về uống. Vài ngày, sau uống thuốc bệnh nhân thấy người mệt lả, buồn nôn và nôn ra nhiều dịch nâu đen kèm đi ngoài phân lỏng, sốt cao và không ăn uống được. Bênh nhân được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ với các dấu hiệu bệnh bụng đau dữ dội, huyết áp tụt, vô niệu, vân tím toàn thân, kèm theo khó thở. Lập tức bệnh nhân được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, khi đến nơi, bệnh nhân được chuyển gấp vào  khoa Hồi sức tích cực để hồi sức nhằm bảo toàn tính mạng.

Tại đây, BSCKII Đoàn Bình Tĩnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết: chúng tôi nhanh chóng đặt ống nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy để giải quyết suy đường thở, tiếp tục hồi sức nội khoa trong ngay giờ đầu, đồng thời hội chẩn liên khoa và chuyển bệnh nhân phẫu thuật cấp cứu.

Trong phẫu thuật, BSCKII Bùi Đức Duy, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa cho hay: ổ bụng bênh nhân có nhiều dịch mủ, giả mạc, một đoạn ruột non dài 50cm bị viêm hoại tử nằm cách góc hồi manh tràng 15cm. Các bác sĩ tiến hành cấy dịch ổ bụng, lau rửa cắt đoạn ruột non bị hoại tử và đưa hai đầu ruột non ra thành bụng làm hậu môn nhân tạo.

Sau 2 giờ phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức tích cực để hồi sức và chăm sóc. Tuy nhiên, bệnh nhân bị sốt cao liên tục không giảm, tiên lượng nguy cơ tử vong rất cao có thể xảy ra. Các Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực khẩn trương hội ý và chỉ định cho bệnh nhân lọc máu liên tục, truyền kháng sinh điều trị nhiễm trùng, cân bằng dịch điện giải, an thần thở máy, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn 1 giờ/ lần và làm các xét nghiệm máu 6h/ lần.

Sau 2 ngày được điều trị tích cực, với kỹ thuật lọc máu liên tục nhiều giờ bệnh nhân qua cơn nguy kịch và được rút ống nội khí quản, chuyển thở oxy kính, tình trạng sức khỏe dần ổn định, các kết quả xét nghiệm thay đổi tốt dần lên và được chuyển sang khoa Ngoại tiêu hóa tiếp tục chăm sóc và điều trị. Hiện tại, tình trạng của bênh nhân đã ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Không giấu được sự phấn khởi và xúc động của mình, chị H- vợ  bệnh nhân V bùi ngùi chia sẻ: Trong suốt 48h lọc máu liên tục, chồng tôi  được dùng thuốc an thần, thở máy, nằm bất động, tôi vô cùng lo lắng chỉ sợ chồng không qua khỏi. Nhưng chứng kiến sự nỗ lực, khẩn trương không quản ngày đêm giành giật lại sự sống của bác sĩ cho chồng tôi, động viện khích lệ tinh thần tôi, tôi thấy yên tâm phần nào và tin tưởng rằng nhất định các bác sĩ sẽ cứu sống được chồng tôi. Thật sự, tôi không biết nói gì hơn ngoài sự cảm ơn trân thành đến toàn thể các bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực, khoa Ngoại tiêu hóa, khoa Gây mê hồi sức đã cứu sống chồng tôi từ cõi chết trở về.

Trao đổi với Bác sĩ, Lê Văn Tuấn, khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa Hà Đông một trong những Bác sĩ có kinh nghiệm điều trị nhiều bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn- suy đa tạng, Bác sĩ chia sẻ: “ Đây là trường hợp ca bệnh nhiễm khuẩn nặng, đến viện muộn, các yếu tố viêm- cytokin giải phóng ra ồ ạt gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy, các Bác sĩ vừa hồi sức, vừa phẫu thuật cấp cứu. Đặc biệt, việc áp dụng kỹ thuật lọc máu liên tục, là kỹ thuật tiên tiến, hiện đại góp phần quan trọng cứu sống tính mạng cho bệnh nhân”.

Qua ca bệnh này, Bác sĩ Tuấn khuyến cáo: bệnh lý nhiễm trùng tiêu hóa là bệnh lý thường gặp. Nguyên nhân do một đại bộ phận người dân có thói quan ăn đồ ăn tươi sống, chưa qua nấu chín, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, tình trạng nhiễm trùng chuyển biến thành sốc, rất nguy hiểm tính mạng của người bệnh. Để phòng ngừa bệnh lý nhiễm trùng tiêu hóa, mà nặng hơn là sốc do nhiễm trùng tiêu hóa, mỗi người dân cần có thói quen ăn chín, uống sôi, tránh ăn đồ ăn không qua chế biến. Khi có các biểu hiện bất thường như:  đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng, cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấnvà điều trị kịp thời. Đặc biệt không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà khi không có chỉ định của bác sĩ.

DANH MỤC TIN