Cứu sống bệnh nhân vết thương thấu bụng nguy kịch, tổn thương nhiều tạng

Người viết: Tổ truyền thông

01/11/2020 22:43:53

Trong những năm gần đây, Bệnh viện đa khoa Hà Đông thực hiện ngày càng nhiều ca bệnh khó, phức tạp, tỷ lệ phẫu thuật thành công ngày càng cao, cứu sống những bệnh nhân đặc biệt nghiêm trọng. Tuần qua, BSCKII. Bùi Đức Duy, trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Hà Đông cho biết, bệnh nhân Trần Huy T. (37 tuổi, Đông Sơn, Chương Mỹ, HN) nhập viện trong tình trạng sốc mất máu do vết thương thấu bụng, tổn thương nhiều tạng, vết thương vào mạch máu lớn, hiện đã qua cơn nguy kịch và dần ổn định sau hơn một tuần điều trị tích cực. Bệnh nhân còn phải thực hiện thêm 1 lần phẫu thuật để hoàn tất quá trình điều trị.

Theo người nhà kể lại, 1 giờ trước khi vào viện, anh T. bị người khác đâm vào mạng sườn trái, vết thương lòi ruột non, chảy nhiều máu, bệnh nhân được cấp cứu ở Bệnh viện Chương Mỹ, rồi chuyển thẳng lên Bệnh viện Hà Đông trong tình trạng sốc mất máu, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp dao động, da niêm mạc nhợt, bụng chướng, vết thương vùng mạng sườn trái lòi ruột non, chảy nhiều máu. Đánh giá đây là ca bệnh phức tạp, tổn thương nặng, nghi ngờ tổn thương mạch máu lớn, các bác sĩ khoa Cấp cứu cùng kíp trực khoa Ngoại tiêu hóa đã kích hoạt chế độ báo động đỏ nội viện, tiến hành mổ cấp cứu ngay lập tức. Bệnh nhân được chuyển thẳng vào phòng mổ sau khi nhập viện 20 phút, khi mổ ổ bụng có khoảng 3 lít máu, tổn thương từ thành bụng đứt cơ thẳng to bên trái, xuyên táo đại tràng ngang, xuyên táo ruột non, đứt bó mạch mạc treo đại tràng phải, xuyên táo tá tràng sát bờ tụy, rách tĩnh mạch chủ. Sau 5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành cắt đại tràng phải, khâu vết thương ruột non, khâu vết thương tá tràng, khâu vết thương tĩnh mạch chủ, thắt môn vị, nối vị tràng dẫn lưu đường mật chính, đưa 2 đầu ruột ra làm hậu môn nhân tạo. Trong và sau khi mổ, bệnh nhân được truyền tổng cộng 8 đơn vị hồng cầu và 4 đơn vị huyết tương.

Hiện tại sau phẫu thuật, bệnh nhân đã ngồi dậy được, ăn uống đi lại nhẹ nhàng, các chỉ số xét nghiệm trong giới hạn bình thường.

Hình ảnh trong quá trình các bác sĩ  phẫu thuật cho bệnh nhân T.

BSCKII. Bùi Đức Duy, trưởng khoa Ngoại tiêu hóa thăm khám lại cho bệnh nhân, hiện bệnh nhân đã phục hồi ổn định

BSCKII. Bùi Đức Duy, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân nhận định, đây là ca bệnh rất nặng, tổn thương nhiều tạng, mất nhiều máu. Nhờ hệ thống báo động đỏ nội viện, kết hợp với sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, sự phối hợp cùng một lúc các chuyên khoa: khoa ngoại tiêu hóa, khoa cấp cứu, khoa hồi sức tích cực, khoa gây mê hồi sức, khoa huyết học, bệnh nhân được tiến hành cấp cứu khẩn trương, nhanh chóng, do vậy đã qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân dự kiến sẽ được đóng hậu môn nhân tạo, phục hồi lưu thông tiêu hóa sau 8 tuần. Bên cạnh đó, BS Duy cũng khuyến cáo thêm, đối với các vết thương thấu bụng do vũ khí như dao, kiếm, lưỡi lê hoặc do vật sắc nhọn trong tai nạn lao động,tai nạn giao thông, sinh hoạt, gây tổn thương, thủng, vỡ các tạng trong ổ bụng cần được cấp cứu, phẫu thuật, hồi sức sớm sẽ hạn chế nguy cơ gây tử vong như sốc mất máu, sốc chấn thương, viêm phúc mạc…

DANH MỤC TIN