Sinh hoạt khoa học tháng 10 về chuyên môn: “Cập nhật chẩn đoán và điều trị Hen phế quản theo Gina 2020”

Người viết: Tổ truyền thông

02/11/2020 21:04:59

Với mục đích cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên môn, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, bên cạnh đó tạo môi trường sinh hoạt khoa học, tiền đề cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Chiều ngày 28/10/2020, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức buổi Sinh hoạt kh oa học tháng 10, với sự tham gia của BSCKII. Lê Hoàng Tú – Phó giám đốc Bệnh viện và các bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng công tác tại bệnh viện. Buổi sinh hoạt khoa học với chuyên đề: “Cập nhật chẩn đoán và điều trị Hen phế quản theo Gina 2020” của PGS.Ts.Bs Chu Thị Hạnh – Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai.

BSCKII.Lê Hoàng Tú – Phó Giám đốc bệnh viện phát biểu tại buổi sinh hoạt khoa học

Phát biểu khai mạc buổi sinh hoạt khoa học, BSCKII.Lê Hoàng Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện “nhấn mạnh vai trò của buổi sinh hoạt, tạo điều kiện trao đổi chuyên môn, từ đó áp dụng có hiệu quả trong điều trị lâm sàng, đồng thời yêu cầu các học viên phải luôn nâng cao tinh thần tự giác học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để bổ sung kiến thức phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh”.

Tiếp sau đó PGS.Ts.Bs Chu Thị Hạnh trình bày chuyên đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị Hen phế quản theo Gina 2020”.

Hen phế quản (HPQ) là một bệnh lý có triệu chứng đa dạng, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở. Các triệu chứng hô hấp được lặp đi lặp lại như: khò khè, khó thở, nặng ngực và ho, các triệu chứng này thay đổi theo thời gian và cường độ, cùng với sự tắc nghẽn dao động của luồng khí thở ra.

Tại buổi sinh hoạt, PGS.Ts.Bs Chu Thị Hạnh đã chia sẻ về gánh nặng bệnh tật do Hen phế quản: Hen phế quản là bệnh mạn tính thường gặp nhất trên thế giới, có 300 triệu người mắc, dự tính đến năm 2025 có 400 triệu người mắc. Việt Nam tỷ lệ Hen người lớn: 4,1% (Trần Thúy Hạnh và Nguyễn văn Đoàn 2011). Độ lưu hành bệnh đang tăng lên ở nhiều nước, đặc biệt ở trẻ em. 1/250 người tử vong do Hen (85% tử vong do Hen có thể tránh được). Chi phí y tế cho HPQ rất cao: Ở các nước phát triển: chi phí cho HPQ chiếm 1-2% tổng chi cho y tế. Những nước đang phát triển phải đối mặt với sự gia tăng độ lưu hành HPQ do ô nhiễm môi trường, nhịp sống, stress…Chi phí cao cho nhóm bệnh nhân Hen không được kiểm soát. Chi phí cho thuốc dự phòng sẽ giúp giảm chi phí cho điều trị cấp cứu.

Trong chuyên đề, PGS.Ts.Bs Chu Thị Hạnh đã trình bày những nội dung chủ yếu:

Những điểm mới từ các khuyến cáo:

+ Chẩn đoán hen: triệu chứng, hô hấp ký, xét nghiệm dị ứng, FeNO…

+ Khởi trị: không dùng SABA đơn trị cho bệnh nhân ở tất cả các bậc

+ Điều trị duy trì: đánh giá - điều chỉnh - đánh giá đáp ứng.

+ Bệnh nhân có đặc điểm Hen và COPD: cá thể hóa trong điều trị…

Trong đó, việc áp dụng khuyến cáo mới đưa ICS/For vào thực hành giúp:

+ Thay đổi về chiến lược giảm nguy cơ từ tình trạng lạm dụng SABA

+ Hiệu quả kiểm soát triệu chứng tương đương, giảm nguy cơ cơn kịch phát và lượng ICS cần dùng thấp hơn.

Tính kinh tế y tế trong điều trị Hen: vai trò của ngăn ngừa nguy cơ đợt cấp trong điều trị, phát hiện và quản lý bệnh nhân hen trong cộng đồng.

Kết thúc chuyên đề đã nhận được sự quan tâm, đặt ra câu hỏi và thảo luận từ các bác sĩ, điều dưỡng... tham dự trong việc ứng dụng lâm sàng, giúp các học viên cập nhật kiến thức chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các chuyên khoa để đạt hiệu quả tối đa trong khám và điều trị bệnh.

DANH MỤC TIN
Tìm Kiếm