Hội thảo Khoa học chuyên ngành Nội khoa
Thứ Ba 04/05/2021 15:42:13
Trong lĩnh vực thực hành Y khoa, để nâng cao hiệu quả trong điều trị cho người bệnh thì chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ Y tế đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên liên tục và đa dạng bao gồm: đào tạo dài hạn, ngắn hạn, sinh hoạt khoa học, hội thảo khoa học…Nhằm cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực Nội khoa. Chiều ngày 28/04/2021 tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã diễn ra buổi Hội thảo khoa học  chuyên ngành Nội khoa. Tham dự buổi Hội thảo khoa học có PGS.TS.BSCKII.Tô Văn Hải - Chủ tịch Hội Nội khoa Hà Nội - Phó chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội - Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Hà Nội; PGS.Mai Xuân Hiên - Ủy viên BCH hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam - Nguyên Chủ nhiệm bộ môn, khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Quân y 103 - Học viện quân y; Ban Giám đốc Bệnh viện cùng cùng đông đảo các Bác sỹ trong và ngoài Bệnh viện như: Bệnh viện Thanh Oai; Chương Mỹ; Mỹ Đức; Y học cổ truyền Hà Đông… TTUT.BSCKII.Đào Thiện Tiến - Giám đốc Bệnh viện phát biểu khai mạc Hội thảo Phát biểu khai mạc buổi hội thảo, TTUT.BSCKII.Đào Thiện Tiến - Giám đốc Bệnh viện đã bày tỏ sự cảm ơn khi nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các chuyên gia Nội khoa trong việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn. Đồng chí nhấn mạnh tầm quan trọng việc bổ sung thêm nhiều kiến thưc bổ ích cho các bác sỹ hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện. Tại buổi hội thảo, đồng chí yêu cầu các học viên cần học tập nghiêm túc theo kế hoạch đã đề ra, lĩnh hội hiệu quả các nội dung, kiến thức mà giảng viên truyền tải, đây là những kiến thức quan trọng, thiết thực, từ đó nâng cao kĩ năng, tay nghề, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Mở đầu là chuyên đề của Ths.Nguyễn Bá Vượng – Khoa Nội tiêu hóa về “Nghiên cứu đặc điểm lầm sàng, cận lâm sàng và đáp ứng của AFP,AFP-L3, PIVKA-II Huyết thanh sau điều trị bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan”. Tiếp đến là các chuyên đề về “Đánh giá kết quả cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông” của Bs.Ngô Minh Đạt – Khoa Nội tim mạch – Lão học; “Điều trị vi khuẩn đa kháng, thách thức và giải pháp” dưới sự chia sẻ của PGS.Mai Xuân Hiên - Ủy viên BCH hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam - Nguyên Chủ nhiệm bộ môn, khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Quân y 103 - Học viện quân Y; “Báo cáo ca bệnh Loạn sản xơ xương Osteofibous Dysplasia” do Ths.Bs.Vũ Ngọc Hà – Khoa Giải phẫu bệnh; “Siêu âm và tư vấn tim mạch thai nhi trước sinh ở những thai phụ có nguy cơ cao” của BSCKI.Đặng Thị Hương – Đơn nguyên KCB tự nguyện; Và cuối cùng là chuyên đề về “Đánh giá kết quả đeo máy Holter điện tâm đồ tại các khoa lâm sàng năm 2019 – 2021” Bs.Vũ Thị Thảo Hiền – Khoa Nội tim mạch – lão học. Sau phần trình bày chuyên đề của các Báo cáo viên, hội thảo diễn ra sôi nổi với các ý kiến đóng góp, bàn luận, chia sẻ các kinh nghiệm của các thành viên tham dự và các chuyên gia đầu ngành Nội khoa. Hội thảo đã nhận được nhiều nhận xét tích cực cũng như được đánh giá thành công tốt đẹp nhằm góp phần nâng cao kiến thức khoa học cũng như kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ Bác sỹ. PGS.TS.BSCKII.Tô Văn Hải - Chủ tịch Hội Nội khoa Hà Nội phát biểu tại Hội thảo Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS.BSCKII.Tô Văn Hải - Chủ tịch Hội Nội khoa Hà Nội - Phó chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội - Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Hà Nội đánh giá cao sự chuẩn bị của chuyên đề. Đây là đề tài có ý nghĩa khoa học, ứng dụng thực tiễn cao tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông và có thể áp dụng tại các Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, góp phần giúp người bệnh được tiếp cận với dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại cơ sở.

Xem Thêm

Hội thảo khoa học “Xét nghiệm vi sinh - Ứng dụng và triển vọng”
Thứ Ba 27/04/2021 09:54:59
 Nhằm giúp cán bộ y tế cập nhật kiến thức về vai trò và ý nghĩa của xét nghiệm vi sinh với lâm sàng chiều ngày 23/4/2021, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức Hội thảo khoa học “Xét nghiệm vi sinh - ứng dụng và triển vọng”. Hội thảo có sự tham dự của Ts.Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Đông và gần 70 học viên là các bác sĩ trong bệnh viện và các bác sĩ ở các tỉnh lân cận phía bắc. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe PGS.TS Nguyễn Thái Sơn – Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh y học, Bệnh viện 103, Học viện quân y trình bày “Sử dụng xét nghiệm vi sinh trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng”. Ứng dụng sinh học phân tử trong giám sát, chẩn đoán bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam do PGS TS. Nguyễn Thị Lan Anh – Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương trình bày. PGS TS. Nguyễn Thị Lan Anh – Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương trình bày tại Hội thảo. Cập nhật chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng huyết do Ths.Bs Bùi Tiến Hoàn – Bệnh viện đa khoa Hữu nghị Nghệ An trình bày. Kháng kháng sinh: Thách thức và giải pháp được báo cáo bởi Ths.Bs Trần Anh Đào – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Kỹ thuật sinh học phân tử trong lâm sàng Vi sinh do TS Phạm Việt Hùng – Trung tâm Bệnh nhiệt đới Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ. Vi sinh và lâm sàng là hai khía cạnh gắn bó với nhau rất chặt chẽ trong quá trình khám chữa bệnh. Việc nâng cao chất lượng xét nghiệm vi sinh sẽ góp phần giảm tỷ lệ tử vong, giảm số ngày điều trị. Qua buổi hội thảo các bác sĩ được cập nhật, tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích, nâng cao năng lực chuyên môn. Phát biểu tại Hội thảo Ts.Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc Bệnh viện cảm ơn các các giảng viên đã chia sẻ nhiều thông tin, kiến thức bổ ích cho các bác sĩ, qua buổi hội thảo đã trang bị, cập nhật, phổ biến thêm các kiến thức chuyên môn về ứng dụng xét nghiệm vi sinh trong lâm sàng giúp công tác điều trị hiệu quả và nhanh chóng.

Xem Thêm

Hội thảo khoa học “ Cập nhật xu hướng mới trong điều trị thoát vị bẹn”
Thứ Năm 01/04/2021 09:57:09
Nhằm giúp các bác sĩ trong viện và các bác sĩ tuyến dưới cập nhật kiến thức mới trong điều trị thoái vị bẹn. Ngày 31/3/2021, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức Hội thảo khoa học “ Cập nhật xu hướng mới trong điều trị thoát vị bẹn”. Hội thảo có sự tham dự của Ban Giám đốc bệnh viện và gần 70 học viên là các bác sĩ trong bệnh viện đa khoa Hà Đông và các bệnh viện tuyến dưới như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thường Tín, Thanh Oai...  Mở đầu Hội thảo khoa học, PGS.TS Nguyễn Đức Tiến – Nguyên Phó Giám đốc trung tâm đào tạo – chỉ đạo tuyến, nguyên Trưởng khoa phẫu thuật cấp cứu tiêu hoá – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trình bày Giải phẫu ứng dụng điều trị Thoát vị bẹn và Cập nhật xu hướng Phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc đặt tấm lưới nhân tạo trong điều trị thoát vị bẹn là phương pháp tối ưu hiện nay, giúp bệnh nhân ít đau, giảm nguy cơ nhiễm trùng, mất máu, thời gian nằm viện ngắn, tỉ lệ tái phát thấp, sẹo mổ nhỏ và tính thẩm mỹ cao. PGS.TS Nguyễn Đức Tiến – Nguyên Phó Giám đốc trung tâm đào tạo – chỉ đạo tuyến, nguyên Trưởng khoa phẫu thuật cấp cứu tiêu hoá – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trình bày tại hội thảo Trong buổi Hội thảo BSCKII. Bùi Đức Duy - Trưởng khoa Ngoại Tiêu hoá - Bệnh viện đa khoa Hà Đông trình bày kỹ thuật phẫu thuật Lichtenstein trong điều trị thoát vị bẹn. Buổi hội thảo xoay quanh các chủ đề: tổng quan các nội dung về thoát vị bẹn, cập nhật xu hướng mới trong phẫu thuật thoát vị bẹn, kỹ thuật mổ mở Lichtenstein… Sau hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Tiến và ê-kíp phẫu thuật của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật trực tuyến ca bệnh: phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn theo phương pháp TAPP và phẫu thuật mổ mở thoát vị bẹn theo phương pháp Lichtenstein có sử dụng lưới tự dính chất liệu Polyester. Quá trình phẫu thuật được kết nối và chiếu trực tiếp trên màn hình để các bác sĩ tham dự hội thảo cùng theo dõi, đặt câu hỏi liên quan thực tế ca phẫu thuật. Hội thảo đã chia sẻ phương pháp điều trị bệnh lý ống bẹn, cách lựa chọn kỹ thuật điều trị thoát vị bẹn. Đây cũng là cơ hội để các bác sĩ trong bệnh viện và các bác sĩ tuyến dưới gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc phát hiện và điều trị bẹn, nâng cao chất lượng điều trị bệnh tại bệnh viện.

Xem Thêm

Sinh hoạt khoa học tháng 3
Thứ Hai 08/03/2021 08:31:44
Với mục đích cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên môn, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, bên cạnh đó tạo môi trường sinh hoạt khoa học, tiền đề cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Chiều ngày 03/02/2021, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức buổi Sinh hoạt khoa học tháng 03, với sự tham gia của Ban giám đốc Bệnh viện và hơn 50 học viên là các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng trong bệnh viện, nội dung sinh hoạt khoa học tháng 3 với 4 chuyên đề: Cập nhật phác đồ điều trị Insulin nền trong điều trị đái tháo đường tuýp 2 – BSCKI Đinh Văn Tuy – Trưởng khoa Nội tiết; Sự phát triển và vai trò của Insulin nền trong điều trị đái tháo đường tuýp 2 – Ts.Bs.Trần Thị Đoàn – Bệnh viện Nội tiết TW; Cấy chỉ huyệt vị cải thiện tình trạng tăng tiết mồ hôi – Một số nghiên cứu về dịch tễ - Lâm sàng của Ths.Bs.Trần Nhật Trường – Phó Trưởng khoa YHCT; Phân loại Insulin và cách sử dụng bút tiêm Insutin solostar – Ths.Ds.Lê Thị Thái Lan. Ts.Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện phát biểu tại buổi sinh hoạt khoa học Phát biểu khai mạc buổi sinh hoạt khoa học, Ts.Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện “nhấn mạnh vai trò của buổi sinh hoạt, tạo điều kiện trao đổi chuyên môn, từ đó áp dụng có hiệu quả trong điều trị lâm sàng, đồng thời yêu cầu các học viên phải luôn nâng cao tinh thần tự giác học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để bổ sung kiến thức phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh”. BSCKI Đinh Văn Tuy – Trưởng khoa Nội tiết trình bày chuyên đề “Cập nhật phác đồ điều trị Insulin nền trong điều trị đái tháo đường tuýp 2” Mở đầu buổi sinh hoạt là chuyên đề đến từ Khoa Nội tiết “Cập nhật phác đồ điều trị Insulin nền trong điều trị đái tháo đường tuýp 2” do BSCKI Đinh Văn Tuy – Trưởng khoa Nội tiết trình bày với các nội dung chính: Cập nhật các hướng dẫn quốc tế; Lý do chọn lựa tăng cường với phác đồ basal plus; Insulin glulisine - giải pháp hiệu quả và an toàn. Trong đó, Bs Đinh Văn Tuy đưa ra kết luận: Insulin nền vẫn là ưu tiêu lựa chọn khi BN cần sử dụng insulin theo ADA và AACE 2020. Phác đồ điều trị tăng cường basal plus giúp bệnh nhân đạt kiểm soát đường huyết đói và đường huyết sau ăn. Insulin glulisine là insulin tác dụng nhanh hiệu quả tốt kiểm soát đường huyết sau ăn. Tiếp đến là chuyên đề “Sự phát triển và vai trò của Insulin nền trong điều trị đái tháo đường tuýp 2” của Ts.Bs.Trần Thị Đoàn – Phó khoa Tim mạch và RLCH – Bệnh viện Nội tiết TW. Theo đó, Insulin nền vẫn là ưu tiêu lựa chọn khi BN cần sử dụng insulin theo ADA và AACE 2020. Hạ đường huyết là yếu tố chính giới hạn kiểm soát đường huyết tích cực và gây nhiều hậu quả cho bệnh nhân và hệ thống y tế. Gla-300 là insulin nền thế hệ mới có PK/PD phẳng hơn và thời gian tác động dài hơn (> 24h) nên có hiệu quả kiểm soát ĐH tương đương mà ít bị hạ ĐH hơn. Chuyên đề thứ 3 trong buổi sinh hoạt khoa học là “Cấy chỉ huyệt vị cải thiện tình trạng tăng tiết mồ hôi – Một số nghiên cứu về dịch tễ - Lâm sàng” của Ths.Bs.Trần Nhật Trường – Phó Trưởng khoa YHCT trình bày có đưa ra các kết luận như: Tăng tiết mồ hôi là bệnh lý tương đối phổ biến; Bệnh không nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống; Có nhiều phương pháp điều trị nhưng hiện tại chưa có phương pháp nào cho thấy hiệu quả và an toàn tuyệt đối; Phương pháp cấy chỉ bước đầu cho thấy hiệu quả điều trị và tính an toàn trong điều trị tăng tiết mồ hôi khu trú. Cuối cùng Ths.Ds.Lê Thị Thái Lan trình bày về “Phân loại Insulin và cách sử dụng bút tiêm Insulin solostar”. Trong đó có chỉ ra định nghĩa về Insulin Là hormon do tế bào β tuyến tụy tiết ra. Giúp đưa đường từ máu vào trong tế bào. Giúp duy trì lượng đường bình thường trong máu; Insulin được tiết ra từ TB β của tụy dưới dạng Proinssulin. Insulin nội sinh được tiết ra gồm: Insulin nền (khi ngủ + xa bữa ăn) và Insulin theo bữa ăn. Buổi sinh hoạt khoa học tháng 3 với các chuyên đề rất thiết thực và bổ ích đã nhận được sự quan tâm, đặt ra câu hỏi và thảo luận từ các bác sĩ, điều dưỡng... tham dự trong việc ứng dụng lâm sàng, giúp các học viên cập nhật kiến thức chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các chuyên khoa để đạt hiệu quả tối đa trong khám và điều trị bệnh.

Xem Thêm

Sinh hoạt khoa học tháng 10 về chuyên môn: “Cập nhật chẩn đoán và điều trị Hen phế quản theo Gina 2020”
Thứ Hai 02/11/2020 21:04:59
Với mục đích cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên môn, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, bên cạnh đó tạo môi trường sinh hoạt khoa học, tiền đề cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Chiều ngày 28/10/2020, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức buổi Sinh hoạt kh oa học tháng 10, với sự tham gia của BSCKII. Lê Hoàng Tú – Phó giám đốc Bệnh viện và các bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng công tác tại bệnh viện. Buổi sinh hoạt khoa học với chuyên đề: “Cập nhật chẩn đoán và điều trị Hen phế quản theo Gina 2020” của PGS.Ts.Bs Chu Thị Hạnh – Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai. BSCKII.Lê Hoàng Tú – Phó Giám đốc bệnh viện phát biểu tại buổi sinh hoạt khoa học Phát biểu khai mạc buổi sinh hoạt khoa học, BSCKII.Lê Hoàng Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện “nhấn mạnh vai trò của buổi sinh hoạt, tạo điều kiện trao đổi chuyên môn, từ đó áp dụng có hiệu quả trong điều trị lâm sàng, đồng thời yêu cầu các học viên phải luôn nâng cao tinh thần tự giác học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để bổ sung kiến thức phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh”. Tiếp sau đó PGS.Ts.Bs Chu Thị Hạnh trình bày chuyên đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị Hen phế quản theo Gina 2020”. Hen phế quản (HPQ) là một bệnh lý có triệu chứng đa dạng, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở. Các triệu chứng hô hấp được lặp đi lặp lại như: khò khè, khó thở, nặng ngực và ho, các triệu chứng này thay đổi theo thời gian và cường độ, cùng với sự tắc nghẽn dao động của luồng khí thở ra. Tại buổi sinh hoạt, PGS.Ts.Bs Chu Thị Hạnh đã chia sẻ về gánh nặng bệnh tật do Hen phế quản: Hen phế quản là bệnh mạn tính thường gặp nhất trên thế giới, có 300 triệu người mắc, dự tính đến năm 2025 có 400 triệu người mắc. Việt Nam tỷ lệ Hen người lớn: 4,1% (Trần Thúy Hạnh và Nguyễn văn Đoàn 2011). Độ lưu hành bệnh đang tăng lên ở nhiều nước, đặc biệt ở trẻ em. 1/250 người tử vong do Hen (85% tử vong do Hen có thể tránh được). Chi phí y tế cho HPQ rất cao: Ở các nước phát triển: chi phí cho HPQ chiếm 1-2% tổng chi cho y tế. Những nước đang phát triển phải đối mặt với sự gia tăng độ lưu hành HPQ do ô nhiễm môi trường, nhịp sống, stress…Chi phí cao cho nhóm bệnh nhân Hen không được kiểm soát. Chi phí cho thuốc dự phòng sẽ giúp giảm chi phí cho điều trị cấp cứu. Trong chuyên đề, PGS.Ts.Bs Chu Thị Hạnh đã trình bày những nội dung chủ yếu: Những điểm mới từ các khuyến cáo: + Chẩn đoán hen: triệu chứng, hô hấp ký, xét nghiệm dị ứng, FeNO… + Khởi trị: không dùng SABA đơn trị cho bệnh nhân ở tất cả các bậc + Điều trị duy trì: đánh giá - điều chỉnh - đánh giá đáp ứng. + Bệnh nhân có đặc điểm Hen và COPD: cá thể hóa trong điều trị… Trong đó, việc áp dụng khuyến cáo mới đưa ICS/For vào thực hành giúp: + Thay đổi về chiến lược giảm nguy cơ từ tình trạng lạm dụng SABA + Hiệu quả kiểm soát triệu chứng tương đương, giảm nguy cơ cơn kịch phát và lượng ICS cần dùng thấp hơn. Tính kinh tế y tế trong điều trị Hen: vai trò của ngăn ngừa nguy cơ đợt cấp trong điều trị, phát hiện và quản lý bệnh nhân hen trong cộng đồng. Kết thúc chuyên đề đã nhận được sự quan tâm, đặt ra câu hỏi và thảo luận từ các bác sĩ, điều dưỡng... tham dự trong việc ứng dụng lâm sàng, giúp các học viên cập nhật kiến thức chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các chuyên khoa để đạt hiệu quả tối đa trong khám và điều trị bệnh.

Xem Thêm

Sinh hoạt khoa học tháng 8
Thứ Hai 10/08/2020 07:03:27
Với mục đích nâng cao kiến thức chuyên môn, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, đồng thời lồng ghép nội dung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thông qua sinh hoạt khoa học lần này nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ngày 04/8/2020, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức buổi “Sinh hoạt khoa học tháng 8”. Đến dự buổi sinh hoạt khoa học với sự có mặt của BSCKII.Đào Thiện Tiến - Giám đốc Bệnh viện; BSCKII.Lê Hoàng Tú – Phó Giám đốc Bệnh viện; PGS.Trần Thị Thanh Hóa - Hội nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam; Ts.Bs.Nguyễn Quốc Thái – Viện Tim Mạch Quốc Gia, cùng toàn thể các lãnh đạo trưởng phó khoa, phòng và các bác sĩ, điều dưỡng trong Bệnh viện. Tại buổi sinh hoạt khoa học, các học viên được lắng nghe các kiến thức khác nhau với 5 chuyên đề: Cập nhật Kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 trong Bệnh viện do Ths.Nguyễn Xuân Thiêm Trưởng Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn trình bày; Tiếp cận bệnh nhân Đái tháo đường Type 2 theo quan điểm điều trị mới dưới sự chia sẻ của Ts.Bs.Nguyễn Quốc Thái – Viện Tim mạch Quốc Gia; Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 của BSCKII.Trần Kim Anh – Trưởng Khoa Các bệnh nhiệt đới; Vai trò trung tâm của Thận trong vòng xoắn bệnh lý Tim – Thận ở bệnh nhân đái tháo đường với sự giảng dạy của PGS.Trần Thị Thanh Hóa – Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam và cuối cùng là Ths.BSCKII.Nguyễn Thị Thùy Dương – Phó trưởng Khoa Nhi trình bày về: Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh. Các chuyên đề thu hút sự quan tâm, lắng nghe và được đánh giá cao bởi các bác sĩ bệnh viện đa khoa Hà Đông, các chuyên đề đều rất ý nghĩa, mang tính ứng dụng cao trong lâm sàng, đồng thời qua buổi sinh hoạt khoa học lần này giúp cho nhân viên y tế có cái nhìn toàn diện lại cách phòng chống và điều trị dịch bệnh Covid-19 trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, từ đó học hỏi, nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho người dân.  Phát biểu kết thúc buổi sinh hoạt khoa học, BSCKII.Đào Thiện Tiến – Giám đốc bệnh viện đa khoa Hà Đông gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia về những chia sẻ quý báu, đồng thời, hy vọng các bác sĩ tham gia buổi sinh hoạt khoa học sẽ áp dụng hiệu quả những kiến thức này vào thực tiễn, giúp nâng cao hiệu quả điều trị các bệnh nhân mắc các bệnh về tim, thận, đái tháo đường, luôn nâng cao tinh thần học hỏi chuyên môn đồng thời luôn tích cực, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt khoa học tháng 8: BSCKII.Đào Thiện Tiến phát biểu tại buổi sinh hoạt khoa học PGS.Trần Thị Thanh Hóa - Hội nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam trình bày về chuyên đề "Vai trò trung tâm của Thận trong vòng xoắn bệnh lý Tim – Thận ở bệnh nhân đái tháo đường" Ts.Bs.Nguyễn Quốc Thái – Viện Tim mạch Quốc Gia chia sẻ về "Tiếp cận bệnh nhân Đái tháo đường Type 2 theo quan điểm điều trị mới"

Xem Thêm

Sinh hoạt khoa học tháng 6 về chuyên môn: Răng Hàm Mặt và Y học cổ truyền
Thứ Ba 09/06/2020 06:15:20
Nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, áp dụng thực tiễn, cải tiến hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng người bệnh. Chiều ngày 02/06/2020 Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức sinh hoạt khoa học tháng 6 với 02 chuyên đề “Sử dụng hàm Facemask điều trị khớp cắn loại III”, Khoa Răng Hàm Mặt và chuyên đề “Hiệu quả và sự an toàn của các bài thuốc Y học cổ truyền trong điều trị rối loạn giấc ngủ ở phụ nữ mãn kinh”, Khoa Y học cổ truyền(YHCT). Buổi sinh hoạt khoa học có sự tham gia của Ban giám đốc bệnh viện và lãnh đạo khoa, phòng, bác sĩ, điều dưỡng trong bệnh viện. BSCKII.Lê Hoàng Tú – Phó Giám đốc bệnh viện phát biểu tại buổi sinh hoạt khoa học Phát biểu khai mạc buổi sinh hoạt khoa học, BSCKII.Lê Hoàng Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện “nhấn mạnh vai trò của buổi sinh hoạt, tạo điều kiện trao đổi chuyên môn, từ đó áp dụng có hiệu quả trong điều trị lâm sàng, đồng thời yêu cầu các học viên phải luôn nâng cao tinh thần tự giác học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để bổ sung kiến thức phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh”. Mở đầu buổi sinh hoạt khoa học, Ths.Bs Lê Anh Tùng – Khoa Răng Hàm Mặt đã trình bày về “Sử dụng hàm Facemask điều trị khớp cắn loại III”. Nội dung báo cáo nhấn mạnh vai trò của hàm Facemask là một loại khí cụ chỉnh hình, sử dụng lực ngoài miệng tác động lên xương hàm trên có tác dụng: làm tách đường khớp để kích thích sự phát triển của xương hàm trên, di chuyển ra trước xương hàm trên và răng hàm trên, xoay xuống dưới và ra sau xương hàm dưới, ngả lưỡi răng cửa hàm dưới. Hàm Facemask có cấu tạo bao gồm ba phần: Mặt nạ ngoài mặt (mask): Làm chỗ tựa để kéo xương hàm trên ra trước; Máng đeo trong miệng: Liên kết thành một khối gắn với răng hàm trên để tăng neo chặn và nâng cao khớp cắn; Hệ thống chun truyền lực: Nối giữa mặt nạ ngoài mặt và máng trong miệng. Tiếp đến Ths.Bs Lê Anh Tùng chỉ ra các trường hợp sử dụng hàm Facemask điều trị khớp cắn loại III do kém phát triển xương hàm trên; Bệnh nhân trong độ tuổi đang tăng trưởng; Răng cửa hàm trên có trục bình thường hay ngả sau; Kích thước dọc phía trước trung bình hoặc ngắn. Cuối cùng Ths.Bs Lê Anh Tùng trích dẫn case lâm sàng cụ thể bệnh nhân sử dụng hàm Facemask điều trị khớp cắn loại III.   Ths.Bs.Lê Anh Tùng – Khoa Răng Hàm Mặt trình bày về chuyên đề “Sử dụng hàm Facemask điều trị khớp cắn loại III” Tiếp sau đó là chuyên đề “Hiệu quả và sự an toàn của các bài thuốc Y học cổ truyền trong điều trị rối loạn giấc ngủ ở phụ nữ mãn kinh” được chia sẻ bởi Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Hương Giang, Khoa Y học cổ truyền. Theo đó, Báo cáo viên chỉ ra tiêu chuẩn lâm sàng chẩn đoán Mãn kinh: Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên đang hành kinh xuất hiện mất kinh tự nhiên liên tục trong 12 tháng. Đối vớiphụ nữ dưới 40 tuổi tắt kinh, cần làm thêm xét nghiệm để chẩn đoán: nồng độ FSH > 40 mIU/ml và/hoặc estradiol < 50pg/l. Hội chứng mãn kinh: phụ nữ mãn kinh có một trong số 11 triệu chứng theo thang điểm BLATT – KUPPERMAN: bốc hỏa, tâm tính bất thường, mất ngủ, dễ bị kích động, lo âu, chóng mặt, hồi hộp, tính tình yếu đuối, đau cơ xương khớp, cảm giác kiến bò ở da. Trong báo cáo Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang có đưa ra định nghĩa về Mất ngủ là khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc thức dậy quá sớm và không quay trở lại được giấc ngủ hoặc ngủ dậy có cảm giác không ngon giấc. Mất ngủ trong YHCT gọi là chứng “thất miên”, “bất mị”, “bất đắc miên”, gồm các thể bệnh:Tâm tỳ lưỡng hư, Âm hư hỏa vượng, Tâm đởm khí hư, Can uất hóa hỏa, Đàm nhiệt nội nhiễu. Mãn kinh có bệnh danh “kinh tuyệt” trong YHCT, là biểu hiện của quá trình lão suy. Cơ chế bệnh sinh chính của thời kì mãn kinh là do thận tinh hư tổn, âm huyết hư dẫn tới một loạt các biến hóa bệnh lý đều ảnh hưởng tới giấc ngủ. Hai thể bệnh hay gặp là Tâm tỳ lưỡng hư và Âm hư hỏa vượng. Khi điều trị bệnh lý mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh cần phải áp dụng pháp trị cả tiêu lẫn bản: lấy bổ huyết sinh tinh làm căn bản để điều trị rối loạn thời kì mãn kinh; đồng thời sử dụng các vị thuốc có tác dụng an thần để điều trị triệu chứng. Qua đó, Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang đã đưa ra các bài thuốc trong YHCT để điều trị mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh như: Thuốc sắc YHCT, Điện châm, Nhĩ châm, Cấy chỉ, Cứu, Xoa bóp bấm huyệt, Massage chân, Ngâm chân thảo dược,... Hiện nay các bác sĩ Khoa Y học cổ truyền đã và đang tiến hành nghiên cứu tác dụng của bài thuốc Hậu thiên lục vị phương điều trị mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh trên 15 bệnh nhân có độ tuổi từ 40-65 có mất ngủ, điều trị liên tục trong vòng 30 ngày và cho kết quả bước đầu ghi nhận có đến 60% bệnh nhân mất ngủ có giấc ngủ khá hơn, 27% có chất lượng giấc ngủ tốt hơn sau điều trị. Sau đó, Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang chỉ ra các ưu điểm của các phương pháp này giúp cải thiện triệu chứng mất ngủ đồng thời điều trị vào gốc bệnh, tác dụng an thần gây ngủ là tổng hòa của nhiều thành phần tác động lên giấc ngủ, tác dụng từ từ, ổn định, hạn chế được các tác dụng không mong muốn, tình trạng nhờn thuốc, quen thuốc. Bs nội trú Nguyễn Thị Hương Giang – Khoa Y học cổ truyền trình bày về chuyên đề “Hiệu quả và sự an toàn của các bài thuốc Y học cổ truyền trong điều trị rối loạn giấc ngủ ở phụ nữ mãn kinh” Kết thúc phần trình bày của 02 báo cáo viên, các chuyên đề đã nhận được sự quan tâm, đặt ra câu hỏi và thảo luận từ các bác sĩ, điều dưỡng... tham dự trong việc ứng dụng lâm sàng nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các chuyên khoa để đạt hiệu quả tối đa trong khám và điều trị bệnh. Buổi sinh học khoa học tháng 6 với các chuyên đề đều rất ý nghĩa, mang tính ứng dụng cao trong lâm sàng, đồng thời giúp các khoa phòng khác trong toàn bệnh viện cập nhật kiến thức chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm, từ đó học hỏi, nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh hướng tới sự hài lòng người bệnh.    

Xem Thêm

Sinh hoạt khoa học tháng 11
Thứ Bảy 09/11/2019 15:58:08
Nhằm cập nhật, bổ sung thêm kiến thức chuyên môn cho đội ngũ Y Bác sĩ cũng như tạo điều kiện để cán bộ Y tế Bệnh viện trao đổi, thảo luận kiến thức chuyên ngành, Chiều ngày 05/11/2019 Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức sinh hoạt khoa học thường niên tháng 11 với 02 chuyên đề: Cập nhật chẩn đoán và điều trị Helicobacter Pylori của Ths.Bs.Vũ Xuân Diệu – khoa Nội tiêu hóa; Nghiên cứu biển đổi chức năng tâm trương trên phụ nữ có thai thường và thai phụ bị tiền sản giật của Ts.Bs.Lê Hoàng Oanh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng. Tại buổi sinh hoạt, Ths.Bs.Vũ Xuân Diệu – khoa Nội tiêu hóa trình bày về chuyên đề Cập nhật chẩn đoán và điều trị Helicobacter Pylori(HP). Vi khuẩn HP dịch tễ: Là một trong những nhiễm trùng phổ biến ở người. Phần lớn nhiễm ở độ tuổi trước 10 tuổi, tỷ lệ nam và nữ như nhau. Nguồn bệnh duy nhất là người, vi khuẩn cư trú ở dạ dày, lây truyền qua đường phân - miệng hoặc miệng - miệng. Các phương pháp chẩn đoán nhiễm HP bao gồm: Thứ nhất là Các test xâm lấn như: Test Urease; Nuôi cấy vi khuẩn; Khuếch đại chuỗi polymerase (PCR); Chẩn đoán mô bệnh học. Thứ hai là các test không xâm lấn: Test thở; Test huyết thanh; Phát hiện kháng thể kháng Hp trong nước tiểu; Phát hiện Hp trong phân bằng PCR; Phát hiện kháng nguyên HpSA trong phân. Phần thứ ba là điều trị HP bao gồm: Chỉ định bắt buộc; Chỉ định có thể: Xuất huyết giảm tiểu cầu nguyên phát, thiếu máu thiếu sắt. Sau đó, Ths.Bs.Vũ Xuân Diệu đưa ra các phác đồ điều trị như: Phác đồ 3 thuốc có clarithromycin; Phác đồ 4 thuốc có bismuth; Liệu pháp đồng thời; Phác đồ nối tiếp; Liệu pháp phối hợp; Phác đồ 3 thuốc có levofloxacin; Phác đồ nối tiếp có fluoroquinolone; Phác đồ kép liều cao với amoxicillin; Phác đồ 3 thuốc có Rifabutin (PPI, amoxicillin, rifabutin: PAR). Kháng kháng sinh của HP: Các đột biến điểm nằm trên chromosome; Hình thành biofilm; Lẩn tránh kháng sinh: Chuyển dạng hình cầu, chuyển vị trí cư trú. Cuối cùng Ths.Bs.Vũ Xuân Diệu đưa ra các thách thức trong điều trị: Sự tuân thủ điều trị; Đề kháng kháng sinh của Hp; Nhiễm Hp gia đình; Một số yếu tố khác: Hút thuốc lá, đái tháo đường, sử dụng nhiều loại kháng sinh khác. Ths.Bs.Vũ Xuân Diệu – khoa Nội tiêu hóa trình bày về chuyên đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị Helicobacter Pylori” Cũng tại buổi sinh hoạt khoa học các cán bộ Y tế đã được nghe Ts.Bs.Lê Hoàng Oanh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng trình bày, trao đổi về chuyên đề: Nghiên cứu biển đổi chức năng tâm trương trên phụ nữ có thai thường và thai phụ bị tiền sản giật. Tiền sản giật: (Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế 2015 và ACOG) chẩn đoán xác định: Huyết áp tâm thu (HATT) ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) ≥ 90mmHg sảy ra sau tuần thai thứ 20 của thai phụ có huyết áp bình thường trước đó hoặc tăng huyết áp mạn tính trong suốt thời kỳ mang thai. Có protein niệu ≥ 0,3g/24 giờ. Cơ chế bệnh sinh: Trong suốt quá trình mang thai, tế bào thuộc lớp trong lá nuôi di chuyển đến động mạch xoắn tử cung, thay thế lớp tế bào nội mô mao mạch, phá hủy sự đàn hồi của lớp áo giữa, cơ trơn, mô thần kinh. Với mục tiêu nghiên cứu là: Đánh giá sự biến đổi chức năng  tâm trương ở người phụ nữ mang thai bình thường và tiền sản giật trong quá trình mang thai. Khảo sát các thông số về hình thái, chức năng và huyết động thất trái bằng siêu âm Doppler tim ở phụ nữ mang thai bình thường, tiền sản giật. Bằng các phương pháp nghiên cứu như: Đo chỉ số nhân trắc; Đo huyết áp; Thăm dò chức năng tâm trương thất trái. Đối tượng của nghiên cứu: Nhóm 1: 86 sản phụ tiền sản giật đang điều trị tại khoa A1 – Bệnh viện phụ sản Hà Nội. Nhóm 2: 104 sản phụ mang thai bình thường tại bệnh viện đa khoa Hà Đông. Qua nghiên cứu Ts.Bs.Lê Hoàng Oanh đưa ra kết luận: Nhóm phụ nữ mang thai bình thường: Suy chức năng tâm trương thất trái chỉ xuất hiện kỳ 3 tháng cuối và không có trường hợp nào suy mức độ 3. Nhóm mang thai tiền sản giật: Suy chức năng tâm trương thất trái ở nhóm mang thai tiền sản giật (48,8%) cao hơn so với nhóm mang thai bình thường kỳ 3 tháng cuối (11,6%), với (p< 0,001); Suy chức năng tâm trương giai đoạn 1, 2 và 3 ở nhóm mang thai bị tiền sản giật (18,6%; 27,9% và 2,3%) cao hơn so với nhóm mang thai bình thường (8,7%; 2,9% và 0%), với (p < 0,001). Ts.Bs.Lê Hoàng Oanh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng trình bày về chuyên đề “Nghiên cứu biển đổi chức năng tâm trương trên phụ nữ có thai thường và thai phụ bị tiền sản giật” Thông qua nghiên cứu Ts.Bs.Lê Hoàng Oanh đưa các khuyến nghị: Phụ nữ mang thai nếu bị tăng huyết áp hoặc được chẩn đoán xác định tiền sản giật thì cần được làm siêu âm Doppler tim nhằm phát hiện sớm các bất thường tim mạch để có thái độ xử trí. Cần có những nghiên cứu tiếp theo đối tượng người mang thai bị tiền sản giật về các bệnh lý tim mạch sau khi sinh cũng như nghiên cứu các ảnh hưởng trên thai nhi để có đánh giá toàn diện về bệnh lý. Trong buổi sinh hoạt khoa học, các báo cáo viên và các cán bộ Y tế đã tham gia thảo luận, trao đổi về nội dung liên quan đến chẩn đoán và điều trị Helicobacter Pylori cũng như biển đổi chức năng tâm trương trên phụ nữ có thai thường và thai phụ bị tiền sản giật. Buổi sinh hoạt khoa học nhằm giúp các cán bộ Y tế của Bệnh viện cập nhật các thông tin, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ Y tế về chẩn đoán và điều trị Helicobacter Pylori cũng như biển đổi chức năng tâm trương trên phụ nữ có thai thường và thai phụ bị tiền sản giật. Từ đó, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người bệnh và cho nhân dân.

Xem Thêm

Sinh hoạt khoa học tháng 9 năm 2019
Thứ Ba 22/10/2019 00:00:00
Nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, áp dụng thực tiễn, cải tiến hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng người bệnh, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức sinh hoạt khoa học tháng 9 với 2 chuyên đề: Chuyên đề “Kĩ thuật làm cầu tay AVF và một số yêu cầu đối với siêu âm Doppler mạch máu”, khoa Ngoại Chấn thương; và Chuyên đề : "Báo cáo tình hình mổ Phaco 06 tháng đầu năm 2019" của khoa Mắt. Phát biểu khai mạc buổi sinh hoạt khoa học, BSCKII. Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh vai trò của buổi sinh hoạt, tạo điều kiện trao đổi chuyên môn, các kiến thức khoa học kĩ thuật mới, từ đó áp dụng có hiệu quả trong điều trị lâm sàng, phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh”.    BSCKII. Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện phát biểu tại buổi sinh hoạt khoa học tháng 9 Mở đầu buổi sinh hoạt khoa học, ThS.BS Nguyễn Mạnh Trường, Khoa Ngoại chấn thương đã chia sẻ về chuyên đề “Kĩ thuật làm cầu tay (Avf) và một số yêu cầu đối với  siêu âm Doppler mạch máu”. Có 2 loại giải phẫu cầu tay là Giải phẫu cầu tay truyền thống và giải phẫu cầu tay loại chuyển vị. Thứ tự lựa chọn vị trí làm avf là ở bên tay không thuận. Sau đó có thể tiến hành lựa chọn: TM đầu – ĐM quay vị trí cổ tay, TM đầu – ĐM cánh tay ở khuỷu, TM nền – ĐM trụ đoạn cổ tay, TM nền – ĐM cánh tay đoạn khuỷu, TM cánh tay – ĐM cánh tay, TM đầu đoạn cẳng tay chuyển vị - ĐM cánh tay đoạn khuỷu. Bên cạnh đó, ThS.BS Nguyễn Mạnh Trường cũng đánh giá vai trò của Doppler mạch máu và sự trưởng thành của AVF. Toàn bộ các AVF mới được kiểm tra trong 4-6 tuần để kiểm tra các triệu chứng của trưởng thành. AVF trưởng thành nên tuân thủ luật số 6: Đường kính 6mm, sâu dưới da không quá 6mm, có tốc độ máu thấp nhất 600ml/phút, chiều dài đoạn hiệu dụng ít nhất 6cm. Đối với cầu nối không trưởng thành thường đánh giá sau phẫu thuật 6-8 tuần, các nguyên nhân thường gặp như: hẹp miệng nối, hoặc TM bản lề, TM dẫn lưu phụ, TM dẫn lưu hẹp tắc, huyết khối, mạch không giãn nở do vôi hóa xơ vữa. Ngoài ra, ThS.BS Nguyễn Mạnh Trường cũng trình bày một số vấn đề về can thiệp nong mạch, phình và giả phình, phình mạch avf, hẹp giãn phối hợp,… BSCKI. Nguyễn Thu Uyên, khoa Mắt đã hướng dẫn, chia sẻ chuyên đề “Báo cáo tình hình mổ Phaco 06 tháng đầu năm 2019”. Tiếp sau chuyên đề “Kĩ thuật làm cầu tay (Avf) và một số yêu cầu đối với  siêu âm Doppler mạch máu”, BSCKI. Nguyễn Thu Uyên, khoa Mắt đã hướng dẫn, chia sẻ chuyên đề “Báo cáo tình hình mổ Phaco 06 tháng đầu năm 2019”. Thể thủy tinh là một thấu kính hội tụ có 2 mặt lồi trong suốt, bao gồm 3 phần tử từ ngoài vào trong là bao, vỏ, nhân và được treo bởi 2 dây chằng Zinn. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến đục thể thủy tinh: đục thể thủy tinh tuổi già, đục thể thủy tinh bệnh lý, do chấn thương. Các yếu tố nguy cơ gây đục thể thủy tinh gồm tiểu đường, hút thuốc, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, chế độ ăn sử dụng vi chất, uống rượu, gen di truyền. Các triệu chứng lâm sàng cũng được BSCKI. Nguyễn Thu Uyên chỉ ra: về các triệu chứng cơ năng nhìn mờ, lóa, rối loạn màu sắc, song thị, cận thị giả; về các triệu chứng thực thể: tùy vào loại đục thể thủy tinh mà có các triệu chứng khác nhau. Về hình thái, đục thể thủy tinh tuổi già bao gồm đục nhân trung tâm TTT, đục vỏ TTT, đục dưới bao sau. Đối với bệnh này, điều trị nội khoa ít có giá trị, phẫu thuật có 3 loại phẫu thuật: phẫu thuật trong bao cổ điển, phẫu thuật ngoài bao, mổ phaco.  Nguyên lý: máy Phaco phát ra một sóng hình sin có tần số vào khoảng 40.000H. Sóng này được truyền đến bộ phận chuyển đổi nằm trong tay cầm của máy Phaco và được chuyển thành dao động theo chiều dọc của đầu type Phaco. Các bước phẫu thuật bao gồm: gây tê, tạo đường vào tiền phòng, bơm nhầy TP, xé bao trước hình tròn liên tục, bơm nước tách nhân, phaco nhân, rửa hút chất nhân, bơm nhầy đầy bao, bắn nhân vào trong bao, bơm phù mép mổ. Một số biến chứng trong và sau mổ Phaco cũng được đề cập tới. Phương pháp mổ Phaco có nhiều ưu điểm: thời gian phẫu thuật ngắn, không đau, không chảy máu, vết mổ nhỏ, không cần khâu, giảm tối đa tỷ lệ loạn thị sau mổ, thị lực phục hồi sau 24h và xuất viện sớm, an toàn, giảm thiểu các biến chứng sau mổ. Ngoài ra, BSCKI. Nguyễn Thu Uyên cũng đề cấp đến phương pháp chăm sóc sau mổ,thực trạng mổ Phaco tại bệnh viện đa khoa Hà Đông, đánh giá kết quả sau phẫu thuật, giải pháp tăng thu dung bệnh nhân. Buổi sinh hoạt khoa học nhận được nhiều ý kiến đóng góp, thắc mắc của các học viên.     Buổi sinh học khoa học tháng 9 với các chuyên đề đều rất ý nghĩa, mang tính ứng dụng cao trong lâm sàng, đồng thời giúp các khoa phòng khác trong toàn bệnh viện cập nhật kiến thức chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm, từ đó học hỏi, nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh hướng tới sự hài lòng người bệnh.    

Xem Thêm

Sinh hoạt khoa học tháng 10 chuyên đề: Thoát vị đĩa đệm, Đái tháo đường tuýp 2, Điều trị từ trường và laser
Thứ Hai 07/10/2019 17:11:36
Nhằm nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tăng cường cập nhật kiến thức chuyên môn, tăng cơ hội học tập của các y, bác sĩ, nhân viên y tế chia sẻ kinh nghiệm với các bệnh viện khác, hướng tới môi trường làm việc khoa học, chất lượng, đồng thời nâng cao hiệu quả công việc, không ngừng đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, bệnh viện đa khoa Hà Đông tiếp tục tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học thường niên. Buổi sinh hoạt khoa học tháng 10 với 4 Chuyên đề: Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng chụp cổng hưởng từ 1.5 TESLA của BSCKI. Lê Huy Hiếu – Khoa chẩn đoán hình ảnh; Phối hợp thuốc viên hạ đường huyết với insulin - ThS.BS Hà Lương Yên – Khoa Nội tiết bệnh viện Bạch Mai. Đơn giản hóa phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2 của BS.Lê Huy Hiếu – Khoa chẩn đoán hình ảnh; Ứng dụng điều trị từ trường và laser tại khoa phục hồi chức năng - bệnhviện đa khoa Hà Đông của BS.Hoàng Ngọc Minh – Khoa phục hồi chức năng. BSCKII.Lê Hoàng Tú - Phó Giám đốc bệnh viện phát biểu mở đầu buổi sinh hoạt khoa học Mở đầu buổi sinh hoạt, BSCKII.Lê Hoàng Tú - Phó Giám đốc bệnh viện phát biểu nhận định đề tài của buổi sinh hoạt lần này rất đa dạng, là bài giảng chuyên sâu, rất có ý nghĩa, các học viên phải luôn nâng cao tinh thần học hỏi, trao đổi cập nhật kiến thức để áp dụng tại khoa phòng nơi mình công tác. Đồng thời gửi lời cảm ơn và tiếp tục mong nhận được sự trợ giúp, hỗ trợ của của ThS.BS.Hà Lương Yên trong việc cập nhật kiến thức, tìm hiểu chuyên sâu về các vấn đề chuyên môn giúp cho lĩnh vực y tế nói chung và bệnh viện đa khoa Hà Đông nói riêng ngày càng phát triển. Gửi lời chúc sức khỏe tới các cán bộ, học viên và chúc buổi sinh hoạt diễn ra thành công tốt đẹp. Tại buổi sinh hoạt BSCKI.Lê Huy Hiếu – Khoa chẩn đoán hình ảnh, chia sẻ về chuyên đề: Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng chụp cổng hưởng từ 1.5 TESLA của Thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ): là hậu quả của bệnh thoái hóa xương sụn cột sống (osteochondrosis). Bệnh có thể xảy ra ở cột sống cổ, lưng nhưng chủ yếu ở cột sống thắt lưng. Chụp cổng hưởng từ cột sống thắt lưng (CHT CSTL) là phương pháp lựa chọn tốt nhất hiện nay, cho phép chẩn đoán tình trạng thoát vị đĩa đệm và ống tủy, bao rễ thần kinh và là phương pháp chụp an toàn, không can thiệp, không dùng thuốc cản quang, đặc biệt là không gây nhiễm xạ cho cả bệnh nhân và thầy thuốc. Do vậy, Bác sĩ đưa ra một số lưu ý: Hình ảnh không phải là triệu chứng, không có mối tương quan giữa hình ảnh, thể tích thoát vị và loại thoát vị với tính chất lâm sàng, một thoát vị lớn có thể không có dấu hiệu lâm sàng. Thoái triển hoặc khỏi tự nhiên trong 50 đến 70% các trường hợp. Điều trị nội khoa khỏi về lâm sàng trong 90%. Điều trị bảo tồn càng thuận lợi khi mảnh thoát vị lớn, rời và tiếp giáp vùng khoang ngoài màng tủy. Bắt thuốc sau tiêm là dấu hiệu gợi phản ứng viêm và thường đáp ứng tốt với điều trị nội. Cải thiện các dấu hiệu lâm sàng trước các dấu hiệu chẩn đoán hình ảnh. BSCKI.Lê Huy Hiếu – Khoa chẩn đoán hình ảnh, chia sẻ về chuyên đề “Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng chụp cổng hưởng từ 1.5 TESLA” Chuyên đề thứ 2 trong buổi sinh hoạt này là Phối hợp thuốc viên hạ đường huyết (ĐH) với insulin: Giải pháp lựa chọn tối ưu. Dưới sự chia sẽ của ThS.BS.Hà Lương Yên – Khoa Nội tiết bệnh viện Bạch Mai. Mục tiêu điều trị: Làm chậm tiến triển & giảm tử vong bằng cách ngăn ngừa biến chứng của đái tháo đường (ĐTĐ).Tiếp cận điều trị ĐTĐ típ 2 thay đổi theo thời gian, và hiện nay có nhiều loại thuốc viên hạ đường huyết. Qua những nghiên cứu về Đái tháo đường, Bác sĩ Hà Lương Yên đưa ra cách tiếp cận hiện tại trong điều trị ĐTĐ: Insulin là liệu pháp giúp giảm HbA1c nhiều nhất kết hợp với chế độ luyện tập, dinh dưỡng theo khuyến cáo. Qua đó, ThS.BS. Hà Lương Yên đưa ra kết luận: bệnh nhân ĐTĐ typ 2 ngày càng gia tăng, mục tiêu điều trị ĐTĐ typ2 là kiểm soát tốt ĐH và giảm biến chứng cấp tính và mạn tính. Bệnh nhân ĐTĐ thường kèm nguy cơ bệnh tim mạch và thận là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và giảm chất lượng cuộc sống. Insulin là giải pháp cuối cùng khi không hoặc kém kiểm soát đường huyết (KSĐH) bằng các thuốc viên uống. ThS.BS.Hà Lương Yên – Khoa Nội tiết bệnh viện Bạch Mai chia sẻ chuyên đề “Phối hợp thuốc viên hạ ĐH với insulin: Giải pháp lựa chọn tối ưu” Để đơn giản hóa về cách điều trị trên các nghiên cứu chi tiết về bệnh ĐTĐ tuýp 2 thì BS.Đinh Văn Tuy – Trưởng khoa nội tiết bệnh viện đa khoa Hà Đông trình bày về chuyên đề: Đơn giản hóa phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2. Đái tháo đường là đại dịch toàn cầu và thực hành lâm sàng cho thấy có sự trì trệ tích cực hóa điều trị, thời gian trung vị đến khi được can thiệp tích cực bằng cách thêm thuốc điều trị ĐTĐ đường uống hoặc insulin. Mục tiêu điều trị quan trọng cho tất cả bệnh nhân ĐTĐ là KSĐH sớm và duy trì ổn định, thuốc ức chế DPP-4 là lựa chọn phổ biến khi thêm vào điều trị ĐTĐ với nhiều ưu điểm: Được đề cập trong các hướng dẫn quốc tế và quen thuộc với các bác sĩ chăm sóc ban đầu. Qua nghiên cứu cho thấy gần 50% bệnh nhân  ĐTĐ týp 2 kèm suy thận dùng liều cao thuốc ức chế DPP-4 không được cấp phép: Linagliptin giúp đơn giản hóa phác đồ điều trị bệnh nhân ĐTĐ và bệnh nhân luôn được duy trì liều cho phép (Chỉ 1 liều duy nhất 5mg, 1 lần/ngày). Hiệu quả của Linagliptin được chứng minh trong đơn trị liệu hoặc đa trị liệu, thậm chí ở bệnh nhân có mức HbA1c cao. Linagliptin là thuốc ức chế DPP-4 duy nhất có bằng chứng chứng minh an toàn tim mạch và thận, bao gồm các bệnh nhân có nguy cơ cao của bệnh thận và bệnh tim mạch. Linagliptin cung cấp giải pháp đơn giản: 1 liều, 1 lần/ngày trên phổ rộng các bệnh nhân ĐTĐ týp 2. BSCKI.Đinh Văn Tuy – Trưởng khoa nội tiết bệnh viện Đa khoa Hà đông chia sẻ chuyên đề “Đơn giản hóa phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2” Cuối cùng là chuyên đề Ứng dụng điều trị từ trường và laser tại khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện đa khoa Hà Đông do BS.Hoàng Ngọc Minh – Khoa phục hồi chức năng trình bày. Đề tài của BS.Hoàng Ngọc Minh cho chúng ta thấy bệnh cơ xương khớp mãn tính và những con số báo động: Thống kê tại Mỹ cho thấy, hơn 1/3 dân số mắc các bệnh về xương khớp, tại nước ta đã lên hơn 6 triệu người, chiếm 7% tổng dân số, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng với 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80 bị thoái hóa khớp, bệnh này đang thách thức ở Việt Nam, chi phí cho thuốc trị liệu đau mạn tính hàng năm lên tới 100 tỷ USD. Thay vì dùng thuốc, ngày nay có thể giảm đau bằng từ trường cũng cho kết quả tương đương và ít tai biến hơn. Tiếp theo là BS. Hoàng Ngọc Minh chỉ ra kết quả nghiên cứu tại khoa phục hồi chức năng bệnh viện đa khoa Hà Đông: Đánh giá kết quả điều trị từ trường 3 nhóm sử dụng vật lý trị liệu. Phương pháp: đánh giá trên 15 bệnh nhân thoát vị đĩa đệm chia 3 nhóm. Thời gian: 01 tháng;  Đánh giá: thang điểm đau VAS và đánh giá cải thiện bằng lời nói. Qua đó đưa ra kết luận: Tác dụng giảm đau của trường điện từ xung mạnh đối với nhóm bệnh thoát vị đĩa đệm, và kết quả đang được nghiên cứu tại khoa. BS.Hoàng Ngọc Minh trình bày chuyên đề “Ứng dụng điều trị từ trường và laser tại khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện đa khoa Hà Đông” Kết thúc buổi sinh hoạt BS.Phạm Văn Tự - Phó phòng chỉ đạo tuyến cám ơn sự có mặt và chia sẻ những kinh nghiệm chuyên môn của 4 báo cáo viên, cũng qua buổi sinh hoạt này mong muốn các y bác sỹ trẻ cần phát huy hơn nữa về công tác chuyên môn, đồng thời không ngừng học hỏi và trao đổi kiến thức, kinh nghiệm để góp phần xây dựng bệnh viện ngày càng phát triển bền vững, uy tín, hướng tới làm hài lòng người bệnh.

Xem Thêm

DANH MỤC TIN
Tìm Kiếm