Người viết: Tổ truyền thông
07/03/2021 10:11:49
Vừa qua, Khoa Ngoại tiêu hóa - Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã mổ cấp cứu thành công cho bệnh nhân Lương Văn N (72 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, có hội chứng nhiễm trùng, bụng chướng, đau khắp bụng, đau nhiều ở hố chậu phải, có phản ứng thành bụng.
Qua khai thác thông tin từ người nhà, ông N có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đang uống thuốc thường xuyên tại nhà, ba ngày trước khi vào viện, ông cảm thấy đau bụng, đau càng ngày càng tăng và sốt cao. Ngay lập tức bệnh nhân N được các bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm thăm dò và chụp CT ổ bụng thấy khí tự do ổ bụng, dị vật đoạn cuối hồi tràng gây thủng ruột. Bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng, nghi do dị vật ngày thứ 3/ bệnh nhân COPD và được mổ cấp cứu ngay.
BSCKI. Phạm Quang Hưng – Khoa Ngoại tiêu hoá, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết: Bệnh nhân N.đã được các bác sĩ phẫu thuật kịp thời bằng phương pháp mổ mở. Trong quá trình phẫu thuật ổ bụng có nhiều dịch tiêu hoá, giả mạc, thâm nhiễm viêm chủ yếu 1/2 bụng phải, kiểm tra thấy đoạn cuối hồi tràng cách góc hồi manh tràng khoảng 3cm có lỗ thủng đường kính khoảng 3-4 mm, bác sĩ kiểm tra thấy có dị vật đoạn cuối hồi tràng, tiến hành lấy dị vật qua lỗ thủng ( Dị vật là vỉ thuốc Salbutamol hình vuông 4 góc nhọn, kích thước khoảng 0.7-1cm), sau đó rửa sạch ổ bụng, khâu kín lỗ thủng 2 lớp, cắt ruột thừa, dẫn lưu hồi tràng qua góc ruột thừa.
Sau mổ ngày thứ 8 bệnh nhân tỉnh táo, mạch huyết áp ổn định, hết sốt, vết mổ khô, siêu âm ổ bụng bình thường, ống dẫn lưu hồi tràng ra dịch phân lỏng.
BSCKI.Phạm Quang Hưng thăm khám lại cho bệnh nhân N
Khoảng 10 ngày sau phẫu thuật bệnh nhân có thể xuất viện và bác sĩ hẹn 2 tuần sau khi ra viện đến tái khám và rút dẫn lưu hồi tràng.
Theo BS.Hưng: “Đây là 1 ca bệnh khó cần nhanh chóng phẫu thuật cấp cứu kịp thời nếu không tình trạng nhiễm trùng ổ bụng và gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh”.
Qua ca bệnh này, BS.Hưng cũng đưa ra khuyến cáo đối với Bệnh nhân cao tuổi mắc các bệnh mạn tính thường xuyên dùng thuốc tại nhà, người nhà cần theo dõi chặt chẽ vì người bệnh có thể uống nhầm thuốc hoặc uống quá liều, có khi uống cả vỉ thuốc chưa bóc…Trong trường hợp, nếu không may nuốt phải các dị vật như: tăm, vỏ thuốc, kim loại… người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được tư vấn can thiệp và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng và hậu quả khó lường.