Người viết: Tổ truyền thông
29/11/2019 11:23:12
Nhằm tạo điều kiện để các bệnh nhân gặp gỡ, trao đổi cũng như khích lệ tinh thần lạc quan trong quá trình chữa bệnh tại Bệnh viện. Ngày 27/11/2019, bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức buổi giao lưu sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân COPD, HPQ. Tham gia buổi sinh hoạt có PGS.TS.Chu Thị Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, Cán bộ Y tế Khoa khám bệnh và hơn 100 Hội viên câu lạc bộ bệnh nhân COPD, HPQ.
Mở đầu buổi sinh hoạt PGS.TS.Chu Thị Hạnh chia sẻ về Đợt cấp HEN, Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT): Là tình trạng nặng lên đột ngột của bệnh, khó thở tăng lên. Cơn khó thở cấp, thở rít. Ho khạc đờm nhiều hơn, đờm chuyển màu, đờm mủ. Đòi hỏi phải thay đổi điều trị và nguyên nhân gây đợt cấp là do nhiễm trùng: vi khuẩn, vi rus; Không tuân thủ điều trị; Dùng thuốc an thần; Vỡ các bóng kén khí phổi gây tràn khí màng phổi; Tràn dịch màng phổi; Suy tim đợt mất bù; 1/3 số đợt cấp không rõ nguyên nhân. Do đó, đợt cấp càng nhiều thì nguy cơ tử vong càng tăng và đợt cấp làm chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm sút.
Tiếp đến PGS.TS.Chu Thị Hạnh trình bày về Chiến lược dự phòng đợt cấp HEN, BPTNMT: Các biện pháp phòng ngừa đợt cấp không dùng thuốc (can thiệp liên tục), Tiêm vắc xin phòng cúm và phòng phế cầu, các biện pháp dùng thuốc (can thiệp liên tục), Điều trị tốt các bệnh lý kèm theo. Thứ nhất: Bỏ thuốc lá – ưu tiên hàng đầu: Bỏ hút thuốc lá là điều quan trọng không chỉ trong việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn trong việc ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh. Bỏ thuốc lá mang lại lợi ích cho chức năng phổi. Thứ hai: Tiêm vắc xin: Phòng nhiễm khuẩn hô hấp là biện pháp quan trọng. Có thể đạt được bằng tiêm phòng cúm một lần / năm và tiêm phòng loại nhiễm khuẩn hô hấp phổ biến nhất (pneumococcal vaccination) / mỗi 5 năm (cho bệnh nhân ≥ 65 tuổi; bệnh nhân < 65 tuổi nhưng FEV1< 40%). Sử dụng các sản phẩm tăng đề kháng của cơ thể (Bronchovaxom…). Ngoài ra tiêm phòng cúm có thể giảm chi phí do các đợt cấp và nằm viện và tiêm phòng phế cầu có thể mang lại ích lợi cho cả người bệnh và nhân viên y tế, tiêm phòng phế cầu có hiệu quả ở người bệnh lớn tuổi, bệnh nặng và có nhiều đợt cấp. Thứ ba: Phục hồi chức năng hô hấp thích hợp cho tất cả các bệnh nhân HEN và BPTNMT. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của Phục hồi chức năng hô hấp: Mang lại sự cải thiện lớn và có ý nghĩa lâm sàng của sự khó thở và mệt mỏi. Nâng cao ý thức của người bệnh trong việc kiểm soát tình trạng bệnh của mình. Đem lại sự cải thiện vừa phải khả năng gắng sức. Phục hồi chức năng một phần quan trọng trong quản lý hen và BPTNMT. Tiếp theo là các bài tập nâng cao chức năng hô hấp.
Cuối cùng PGS.TS.Chu Thị Hạnh cũng đưa ra kết luận: Đợt cấp là biến cố bất lợi xảy ra trong quá trình tiến triển của bệnh hen và BPTNMT. Hậu quả của đợt cấp dẫn đến làm suy giảm chức năng hô hấp, giảm chất lượng cuộc sống, nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, nguy cơ tử vong cao. Dự phòng đợt cấp bao gồm loại bỏ yếu tố nguy cơ, tập phục hồi chức năng hô hấp và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn. Kỹ năng sử dụng đúng các dụng cụ cung cấp thuốc hết sức quan trọng trong dự phòng đợt cấp.
PGS.TS.Chu Thị Hạnh chia sẻ chuyên đề về Chiến lược dự phòng đợt cấp HEN, Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Kết thúc buổi sinh hoạt toàn thể hội viên rất phấn khởi vì được giải đáp các thắc mắc trong quá trình điều trị cũng như học hỏi thêm các biện pháp tập luyện nhằm có một hệ hô hấp khỏe mạnh. Buổi sinh hoạt mang lại tinh thần lạc quan chiến đấu với bệnh tật, học viên luôn mong có thêm thật nhiều buổi sinh hoạt bổ ích cho người bệnh như câu lạc bộ COPD,HPQ.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ COPD,HPQ.