Hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình

Người viết: Truyền thông BVHD

17/05/2024 09:40:31

Thực hiện công văn số 1921/ SYT-NVY ngày 9/5/2024 của SYT Hà Nội về việc hưởng ứng Ngày Tăng huyết áp thế giới diễn ra vào ngày 17/5 hàng năm. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông xây dựng xây dựng kế hoạch với chủ đề “ Đo huyết áp đúng – Kiểm soát huyết áp tốt – Sống khỏe

Theo đó từ ngày 13 - 31/5/2024, tại khoa Khám bệnh và các khoa lâm sàng Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, hướng dẫn và vận động người bệnh, thân nhân người bệnh và người dân đến thăm khám thường xuyên đo huyết áp để phát hiện bệnh sớm, đồng thời tổ chức đo huyết áp cho người dân từ 18 tuổi trở lên và tư vấn hướng dẫn cho người bị tăng huyết áp cách chăm sóc, điều trị theo đúng quy trình chuyên môn, cập nhật chỉ số tăng huyết áp và các nội dung liên quan vào Phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Tình trạng Tăng huyết áp (THA) hiện nay rất phổ biến, ngày càng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị THA. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hiện đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới mắc bệnh THA, và mỗi năm có khoảng 9,4 triệu người bị THA đã tử vong. THA được coi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Do vậy, gánh nặng bệnh tật, tử vong do tăng huyết áp và các bệnh mạn tính không lây là một trong các vấn đề sức khỏe cấp bách hiện nay.

Với thông điệp truyền thông “Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình”, ngày Tăng huyết áp Thế giới (17 /5/2024) được triển khai đo huyết áp miễn phí cho người dân đến thăm khám tại khoa Khám bệnh – Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Hoạt động này góp phần cảnh tỉnh và nâng cao nhận thức của người dân về bệnh THA, bệnh tim mạch cũng như khuyến cáo cách dự phòng bệnh THA và các bệnh tim mạch khác.

BSCKII Phí Thị Hải Anh – Trưởng khoa Khám bệnh cho biết: Một người được xác định là bị bệnh Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Để chủ động phòng chống bệnh THA, mỗi người dân hãy là bác sĩ của chính mình, tự kiểm tra huyết áp hoặc đến cơ sở y tế để kiểm tra thường xuyên. Khi tự kiểm tra tại nhà, người dân nên tuân thủ các bước đo huyết áp đúng do Viện Tim mạch quốc gia khuyến cáo để biết được chỉ số huyết áp chuẩn xác nhất của mình.

1. Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 15 phút trước khi đo huyết áp.

2. Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ.

3. Tư thế đo chuẩn: Người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Ngoài ra, có thể đo ở các tư thế nằm, đứng. Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.

4. Sử dụng huyết áp kế thủy ngân, huyết áp kế đồng hồ hoặc huyết áp kế điện tử (loại đo ở cánh tay). Các thiết bị đo cần được kiểm chuẩn định kỳ. Bề dài bao đo (nằm trong băng quấn) tối thiểu bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Quấn băng quấn đủ chặt, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm. Đặt máy ở vị trí để đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.

5. Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạnh cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30 mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi từ từ với tốc độ 2 - 3 mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên (pha I của Korotkoff) và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập (pha V của Korotkoff).

6. Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.

7. Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có con số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.

8. Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1 - 2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.

9. Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ (Holter huyết áp).

10. Ghi lại số đo theo đơn vị mmHg dưới dạng HA tâm thu/HA tâm trương (ví dụ 126/82 mmHg), không làm tròn số quá hàng đơn vị.

11. Mỗi lần đo huyết áp, cần ghi lại số đo vào một quyển sổ nhỏ và luôn mang theo bên mình. Điều này sẽ giúp ích cho bác sĩ nếu chẳng may bạn phải nhập viện cấp cứu khẩn cấp. Nếu có thể, hãy ghi nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình.

 

DANH MỤC TIN
Tìm Kiếm
69vn188bet