Người viết: Tổ truyền thông
01/12/2021 09:16:11
Người có HIV sẽ trở nặng nếu nhiễm COVID-19
Hơn 23.000 cuộc đời đã mất vì đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WH0), người nhiễm HIV khi mắc COVID-19 thì bệnh có nguy cơ chuyển nặng hoặc tử vong cao hơn. Một báo cáo của WHO dựa trên dữ liệu giám sát lâm sàng từ 37 quốc gia về những người nhiễm HIV nhập viện do COVID-19 cho thấy: nguy cơ phát triển COVID-19 nghiêm trọng hoặc tử vong ở người có HIV cao hơn 30% so với những người khác. Người nhiễm HIV có nhiều bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường và tăng huyết áp hơn. Báo cáo cũng chỉ ra gần 23,1% người có HIV nhập viện do COVID-19 đã tử vong.
Người bị mắc HIV sẽ đối diện với nguy cơ phát triển COVID-19 nghiêm trọng
Phát hiện này cũng muốn nhấn mạnh rằng người có HIV cần áp dụng các biện pháp can thiệp để giúp sống khỏe nhất có thể như:
Tiếp cận và điều trị thuốc ARV sớm, tuân thủ điều trị;
Ngăn ngừa và quản lý các bệnh lý tiềm ẩn như: tiểu đường, tăng huyết áp.
WHO khuyến cáo những người có HIV nên được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 càng sớm càng tốt mà không phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch của họ. Các quốc gia cũng cần có giải pháp để đảm bảo rằng những người có HIV vẫn có thể được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) sớm nhất, liên tục kể cả phải tính đến dịch vụ có thể bị gián đoạn do hậu quả của đại dịch COVID-19. Và cả những người có nguy cơ cao cũng được tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV trong giai đoạn khó khăn này.
Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
WHO khẳng định HIV tiếp tục là vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu lớn, đến nay đã cướp đi sinh mạng của 34,7 triệu người.
Tại Việt Nam, theo các báo cáo từ địa phương, số người nhiễm HIV được phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2021 có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân có thể là do tác động của dịch COVID-19 nên khách hàng khó tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.
Nhằm ứng phó kịp thời các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến chương trình phòng chống, HIV/AIDS, Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh dịch COVID-19, đơn cử như: xây dựng và ban hành kịp thời các hướng dẫn đáp ứng khẩn cấp để duy trì tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS:
Hướng dẫn tiếp cận với khách hàng qua các ứng dụng online;
Hướng dẫn khách hàng tự xét nghiệm HIV;
Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS;
Đáp ứng khẩn cấp trong lĩnh vực điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bao gồm cả cấp thuốc cho người bệnh mang về và điều trị ARV (cấp thuốc nhiều tháng cho người bệnh)…
Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/ AIDS 2021
Diễn ra từ ngày 10-11 đến ngày 10-12 với các mục tiêu:
Tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/ AIDS; nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19; để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/ AIDS, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/ AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AlDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng, trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS; đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV; cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân; đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao.