Chủ Tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và động viên cán bộ Y Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông tại cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19
Thứ Sáu 13/08/2021 16:24:02
Sáng 13-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai do Bộ Tư lệnh Thủ đô và Bệnh viện đa khoa Hà Đông quản lý. Tham gia đoàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh... Báo cáo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bác sĩ Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Hà Đông cho biết, Bệnh viện được Thành phố giao nhiệm vụ phối hợp cùng Sư đoàn 301 – Bộ Tư lệnh Thủ đô vận hành khu điều trị này và đến nay đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở trang thiết bị để có thể đón tiếp bệnh nhân ngay. Bệnh viện huy động toàn bộ 250 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 70 bác sĩ thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng của Sư đoàn 301 chịu trách nhiệm toàn bộ khâu hậu cần như vệ sinh, dinh dưỡng, nhu yếu phẩm và bảo vệ an ninh trật tự cho toàn khu. Dù chưa có bệnh nhân nhưng các phương án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chia làm 3 vùng xanh, đỏ, vàng và đều có các yêu cầu nghiêm ngặt. Rác thải cũng được thu gom theo lối riêng để tránh lây nhiễm. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã động viên, thăm hỏi và giao nhiệm vụ cho các y, bác sỹ, nhân viên y tế và lực lượng quân đội tại khu vực. Lực lượng y tế, quân đội, công an không được để lây nhiễm COVID-19 và cần thực hiện các biện pháp phòng dịch quyết liệt, gương mẫu. "Còn trang thiết bị cần thì báo cáo Thành phố. Quân dân và lực lượng y tế phải kết hợp và nêu cao ý chí. Chưa có bệnh nhân thì chúng ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng, có bệnh nhân thì phải làm ngày làm đêm, lo cho bệnh nhân để không ai đuối sức hay tử vong”   

Xem Thêm

Liên đoàn lao động TPHN - Công đoàn ngành Y tế Hà Nội - Liên đoàn lao động thăm hỏi động viên và tặng quà CBYT Bệnh viện đa khoa Hà Đông
Thứ Năm 12/08/2021 10:51:16
Sáng 11/8, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, Liên đoàn lao động quận Hà Đông đã đến thăm và tặng quà động viên đơn vị tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tặng quà cho Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Chia sẻ những khó khăn của Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tặng một số nhu yếu phẩm thiết yếu và 50 triệu đồng cho 50 cá nhân (mỗi cá nhân 1 triệu đồng); Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tặng 10.000.000 đồng tiền mặt và thùng khẩu trang y tế; Liên đoàn lao động quận Hà Đông tặng 20 triệu đồng. BS Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh viện là 01 trong 07 bệnh viện được Sở Y tế giao nhiệm vụ cơ sở điều trị cho bệnh nhân F0 với 250 giường bệnh, có sở điều trị F0 làm 3 tầng: tầng thứ nhất điều trị cho bệnh nhân không có triệu chứng và nhẹ; tầng thứ 2 điều trị bệnh nhân mức độ vừa và trung bình; tầng thứ 3 điều trị nặng và nguy kịch. Bệnh viện cũng được Bộ Y tế giao thành lập Trung tâm điều trị tích cực Covid cấp vùng với 250 giường bệnh. Nhìn chung công tác phòng chống dịch được bệnh viện thực hiện nghiêm túc, trong khu điều trị F0, bệnh viện đang điều trị cho 84 bệnh nhân. Riêng trong công trình xây dựng có 51 trường hợp F0 và 40 F1, ngay khi có ca bệnh, bệnh viện đã lập tức khoang vùng và phối hợp với CDC Hà Nội, TTYT quận Hà Đông xử lý tích cực ổ dịch, toàn bộ công trường được phong toả và khử khuẩn. Cùng với đó, bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ nhân viên các khoa, phòng với 600 mẫu gộp và cho kết quả âm tính. Ngoài ra, TTYT Hà Đông cũng lấy 150 mẫu xét nghiệm cho các hộ dân và chợ dân sinh xung quanh bệnh viện cũng  cho kết quả âm tính. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đang được an toàn. Đối với công tác quan tâm đời sống cán bộ, nhân viên, người lao động của bệnh viện, bác sĩ Tiến cho biết, mặc dù bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn nhưng bệnh viện luôn chủ động, thường xuyên động viên cán bộ, nhân viên, người lao động, đồng thời đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên, người lao động để cán bộ, nhân viên, người lao động yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao cũng như cố gắng hết sức mình tham gia công tác phòng chống dịch. Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tặng quà động viên cán bộ, nhân viên, người lao động Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách Liên đoàn Lao động thành phố Hà Hội bày tỏ sự xúc động, lòng biết ơn trước những nỗ lực, vất vả của các lực lượng cán bộ y tế tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Đồng chí, mong muốn các cán bộ, nhân viên, người lao động nói riêng, Bệnh viện đa khoa Hà Đông nói chung tiếp tục khắc phục khó khăn để làm tốt nhiệm vụ, chủ động khoanh vùng, kiểm soát tốt nguồn bệnh, điều trị bệnh nhân, đồng thời giữ vững bệnh viện an toàn.

Xem Thêm

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông kích hoạt toàn bộ kịch bản phòng chống dịch mức cao nhất
Thứ Hai 09/08/2021 10:30:05
Sau khi phát hiện 32 ca dương tính tại khu công trình thi công nhà 9 tầng, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) đã kích hoạt toàn bộ kịch bản phòng chống dịch mức cao nhất. Bác sĩ Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: Kể từ thời điểm khu công trình thi công nhà 9 tầng thuộc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Văn hóa - Xã hội TP. Hà Nội quản lý biệt lập với các khu khác của bệnh viện phát hiện các ca mắc COVID-19, bệnh viện đã kích hoạt toàn bộ các kịch bản phòng chống dịch ở mức cao nhất. Đến thời điểm hiện tại, tổng số F0 được ghi nhận tại khu vực công trường là 32, số F1 được xác định qua điều tra dịch tễ là 48. Các ca F0 đã được chuyển ngay vào khu điều trị F0 của bệnh viện để điều trị. Các ca F1, sau khi thống nhất với Trung tâm y tế Hà Đông đã chuyển vào khu điều trị bệnh nhân F1 của bệnh viện, định kỳ làm xét nghiệm RT-PCR để theo dõi. Toàn bộ khu vực công trường được phong tỏa và phun khử khuẩn. Công tác điều tra, truy vết để tìm nguồn lây nhiễm vẫn đang được tiến hành theo quy định Bác sĩ Đào Thiện Tiến cho biết thêm: Ngay sau khi phát hiện có ca F0 tại khu vực công trường biệt lập với bệnh viện. Bệnh viện đã tiến hành làm xét nghiệm RT- PCR để sang lọc trên quy mô toàn bệnh viện đối với tất cả bệnh nhân, người nhà bênh nhân, nhân viên y tế và các nhân viên của các công ty thuê ngoài làm việc tại bênh viện. Kết quả tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính cho thấy không có sự lây lan bệnh từ công trường xây dựng sang các khu vực còn lại của bệnh viện. Khu vực công trình thi công có 32 ca F0. Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Y tế Hà Đông đối với các hộ dân xung quanh bệnh viện, các hộ buôn bán kinh doanh tại các chợ dân sinh lân cận cũng đều âm tính chứng tỏ không có sự lây lan bệnh từ khu vực công trường ra cộng đồng dân cư. Theo bác sĩ Đào Thiện Tiến, bệnh viện đã tăng cường các lực lượng tham gia phòng chống dịch, siết chặt các quy định về An toàn phòng chống dịch như: giảm tải bệnh viện, phân luồng, sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ, thực hiện 5K, xét nghiệm RT-PCR định kỳ 3-5 ngày/lần, tiêm phòng vaccine cho toàn bộ nhân viên y tế, nhân viên các công ty thuê ngoài, tăng cường công tác vệ sinh môi trường Với các biện pháp đồng bộ và tích cực như trên và căn cứ vào các kết quả công việc đã làm, bệnh viện khẳng định hiện tại bệnh viện vẫn an toàn và hoạt động trong trạng thái bình thường mới, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu đang cấp thiết của hàng ngàn người bệnh. Về quy trình khám chữa bệnh, theo bác sĩ Đào Thiện Tiến, đối với khu khám bệnh, tất cả các bệnh nhân và người nhà đến khám đều được khai báo y tế tại bàn khai báo và được đo thân nhiệt. Bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, khó thở, có hoặc không có yếu tố dịch tễ hoặc bệnh nhân đến từ vùng dịch tễ thì đi thẳng vào khu khám sàng lọc, cách ly. Bệnh nhân không có triệu chứng, không có yếu tố dịch tễ sẽ khai báo y tế và được hướng dẫn đến khám theo luồng đi phù hợp. Sau khi khám sàng lọc, bệnh nhân được xử trí theo các bước như sau: Nếu bệnh nhân không có nguy cơ, không có yếu tố nghi nhiễm sẽ được thực hiện quy trình khám và cấp phát thuốc thông thường. Đối với bệnh nhân có nguy cơ thấp, trung bình sẽ được cách ly, thực hiện xét nghiệm ngay tại khu vực cách ly, bệnh nhân chờ tại phòng khám sàng lọc đến khi có kết quả và tiếp tục xử lý tùy theo kết quả xét nghiệm. Đặc biệt, đối với bệnh nhân có nguy cơ cao sẽ được cách ly riêng ngay lập tức, xét nghiệm RT-PCT và chờ kết quả xét, bệnh viện bố trí khu vực chờ riêng đối với bệnh nhân nguy cơ cao.

Xem Thêm

Chương trình đào tạo " nhận biết và xử trí sơ cấp cứu ban đầu" cho toàn bộ Điều dưỡng - Kỹ thuật viên - Hộ sinh
Thứ Năm 15/07/2021 14:32:51
Cấp cứu người bệnh kịp thời là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi nhân viên y tế, tránh trường hợp bệnh nhân cấp cứu nhưng xử trí chậm trễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Sơ cấp cứu có tầm quan trọng đối với nạn nhân vì sơ cứu ban đầu sẽ quyết định sự sống chết người bị nạn. Bệnh nhân sẽ sống sót nếu sơ cứu kịp thời và đúng cách, hoặc ít ra cũng để lại di chứng nhẹ nhất có thể. Sơ cứu kịp thời sẽ làm cho các chức năng sống bảo tồn, các chức năng sinh hoạt sẽ được phục hồi. Vì vậy, bất cứ ai cũng cần có kỹ năng sơ cấp cứu đặc biệt là cán bộ y tế.  Nhằm cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành cấp cứu người bệnh và chất lượng điều trị, từ chiều ngày 06/7 - 13/7/2021, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức chương trình đào tạo “nhận biết và xử trí sơ cấp cứu ban đầu” cho toàn bộ điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh trong toàn Bệnh viện. Toàn cảnh buổi đào tạo Tham dự buổi đào tạo có Ts.Bs Nguyễn Văn Thắng – Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Đông và nhóm giảng viên gồm: BSCKI Nguyễn Sơn Nam – Khoa Hồi sức tích cực; CN Nguyễn thị Phương - TP Điều dưỡng; CN Nguyễn Thanh Hương - ĐDT Khoa Hồi sức tích cực; CN Phạm Văn Tuân - ĐDT Cấp cứu ngoại cùng toàn bộ điều dương, kỹ thuật viên, hộ sinh tại các khoa lâm sàng và cận lâm sàng được chia thành 04 lớp để đảm bảo giãn cách trong phòng chống dịch. Ts.Bs Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc bệnh viện phát biểu tại buổi đào tạo Phát biểu tại buổi đào tạo, Ts.Bs Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc bệnh viện đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình đào tạo về cách nhận biết cũng như cách xử trí sơ cấp cứu ban đầu là rất cần thiết, giúp đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh được nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ thực hành về sơ cấp cứu ban đầu, từ đó áp dụng được kiến thức đã học vào thực hành chăm sóc và điều trị cho người bệnh. Tại buổi đào tạo, học viên đã được cập nhật các kiến thức về: Các nguyên lý cơ bản về sơ cứu, cấp cứu tại chỗ; Nhận biết, xử trí và phòng ngừa phản vệ; Nhận biết và xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn; Nhận biết và xử trí cấp cứu dị vật đường thở; Nhận biết và xử trí cấp cứu ban đầu chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, chấn thương bụng, sơ cấp cứu gãy xương; Phương pháp vận chuyển bệnh nhân an toàn; Giới thiệu quy trình báo động đỏ nội viện. Dưới sự hướng dẫn, truyền đạt tích cực, nhiệt huyết của nhóm giảng viên, tất cả học viên tham gia với tinh thần sôi nổi và nghiêm túc, tích cực tham gia vào các bài tập giải quyết tình huống được đưa ra sau mỗi bài giảng, cùng nhau thảo luận, áp dụng lý thuyết được truyền tải vào giải quyết các tình huống cụ thể. Đây là chương trình đào tạo thường niên của Bệnh viện đa khoa Hà Đông dành cho các điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh viên nhằm cập nhật, bổ sung, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cấp cứu mà Bệnh viện đa khoa Hà Đông nỗ lực xây dựng, tạo ra nguồn nhân lực đầy đủ kỹ năng và kiến thức, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh.

Xem Thêm

Bệnh viện đa khoa Hà Đông tích cực, chủ động phòng chống dịch Sốt xuất huyết
Thứ Sáu 09/07/2021 14:03:05
Mùa mưa đến cũng là lúc phải nâng cao cảnh giác với nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác, trong đó có sốt xuất huyết. Đây là bệnh có thể chủ động phòng tránh, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang còn nhiều biến động, càng không thể để tình hình “dịch chồng dịch” gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2021 đến nay cả nước ghi nhận hơn 22 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2020 số lượng ca mắc có giảm, nhưng số ca tử vong lại tăng. Tại Hà Nội, Từ đầu năm tới nay, Hà Nội đã có 194 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp nào tử vong. Một số quận/huyện có số ca mắc cao như: Đống Đa 43 ca, Hai Bà Trưng 37 ca, Hoài Đức 31 ca... số ca mắc gia tăng trong những tuần gần đây, dự báo trong thời gian tới số mắc có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm dịch. Trước diễn biến thất thường của dịch bệnh cộng với việc thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã có kế hoạch chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và phát hiện sớm các ca bệnh, không để dịch bệnh bùng phát tại bệnh viện. Tại các khoa là nơi tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân đầu tiên như khoa Khám bệnh, khám bệnh yêu cầu và cấp cứu luôn đề cao công tác phòng chống dịch, thăm khám bệnh nhân tỉ mỉ, khai thác kỹ thông tin. Đặc biệt lưu ý đến các trường hợp mới đi từ các vùng có dịch và các vùng lân cận, để kịp thời khám sàng lọc phát hiện sớm ca bệnh. Các khoa Lâm sàng phổ biến kiến thức cho người bệnh và người nhà người bệnh về các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tại bệnh viện và cộng đồng. Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan, đặc biệt là nguồn nước cung cấp cho bệnh viện; phun thuốc diệt muỗi tại các khoa, phòng, buồng bệnh và cung cấp đủ màn cho người bệnh điều trị nội trú. Chuẩn bị đủ nhân lực, giường bệnh, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, và các phương tiện cấp cứu, tăng cường công tác truyền thông về phòng chống dịch sốt xuất huyết trong toàn bệnh viện qua tờ rơi, áp phích, mạng xã hội … chủ động thực hiện các phương án ứng phó nếu có dịch xảy ra. Để chủ động phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết có hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, cần sự chung tay của các cấp chính quyền, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại gia đình. Đồng thời, người dân cần chủ động thực hiện triệt để các khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng -  Bộ Y tế như sau: Ảnh minh họa (Nguồn:Internet) 1. Sốt xuất huyết thường do bọ gậy gây nên, vì thế cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. 2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy. 3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng. 4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày. 5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. 6. Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. Nếu không tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, nguy cơ phát triển nhanh các ổ dịch bệnh dẫn đến bùng phát dịch là rất cao. Hãy cùng chung tay cùng Bệnh viện đa khoa Hà Đông chung tay phòng chống dịch Sốt xuất huyết.

Xem Thêm

Triển khai thành công kỹ thuật bơm Surfactant bằng phương pháp Insure điều trị chứng suy hô hấp ở trẻ sinh non
Thứ Năm 08/07/2021 16:28:02
Hiện nay, tỷ lệ sinh non còn cao do rất nhiều nguyên nhân. Khi trẻ sinh non tháng, phổi và các cơ quan khác còn non nớt nên chưa thể thực hiện được các chức năng để duy trì sự sống. Phần lớn các trẻ sinh non đều gặp vấn đề về hô hấp, do phổi chưa trưởng thành... Được tận tay chăm sóc cho con gái bé bỏng của mình tại chị C. - mẹ bé H. nặng 1200gr không giấu nổi xúc động: "Đây là con thứ 3 của chúng tôi, hai đứa đầu sinh đủ tháng khỏe mạnh đến lần này đang ở tuần thai thứ 30 tôi đột nhiên bị đau bụng dữ dội ra huyết âm đạo nên đã đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Tại đây, sau khi được thăm khám và siêu âm, các bác sĩ chỉ định mổ lấy thai cấp cứu". Sau mổ bé tím toàn thân, không thở, tim rời rạc nên đã được các bác sĩ sơ sinh hồi sức tim phổi tại phòng mổ sau 15 phút con mới thở được, con được chẩn đoán: Sơ sinh non tháng thai 30 tuần suy hô hấp, con được chỉ định chụp XQuang ngực, phổi giãn nở kém, màng trong độ 3. Các bác sĩ tiến hành bơm surfactant bằng phương pháp insure 2h sau sinh sau đó con được thở máy không xâm nhập. “Hai tuần phải cách ly với con là chuỗi ngày dài đằng đẵng với vợ chồng chúng tôi. Con sinh thiếu tháng lại suy hô hấp khi sinh ra khiến con quá yếu ớt, hy vọng sống của con cũng mong manh quá. Gia đình chúng tôi chỉ biết đặt tất cả niềm tin vào các bác sĩ nơi đây. Nhìn con khi mới sinh ra đỏ hỏn, nhỏ xíu, nặng chỉ có 1200 gr, lại bị suy hô hấp rất nặng mà lòng chúng tôi đau xót vô cùng" - chị C. tâm sự. Điều trị cho trẻ sinh non tại BVĐK Hà Đông. Theo người mẹ này, thời gian bé phải cách ly để các bác sĩ chăm sóc chị rất yên tâm. Mỗi khi được nghe bác sĩ báo các chỉ số máy giảm rồi cai máy thở khi nào, ăn được bao nhiêu ml sữa, lớn thêm được bao nhiêu là chị bớt một phần lo lắng và thêm vững tin hơn vào sự kiên cường của con chờ đến ngày có thể gặp mẹ. "Nay được nhìn thấy con, được ôm con trong vòng tay để tự mình có thể chăm sóc cho con thật lòng tôi không biết diễn tả cảm giác hạnh phúc của mình như thế nào nữa. Đồng thời cũng thấu hiểu hơn những nỗi vất vả của các đấng sinh thành. Gia đình tôi thực sự cảm ơn các y bác sĩ rất nhiều. Nếu không có đội ngũ y bác sĩ không quản ngày đêm chăm sóc tận tình cho con gái tôi từ khi bé mới có 1200 gr tới giờ được 1,7 kg, thì tôi không biết mẹ con tôi có giờ phút được ở bên nhau như thế này không nữa..." - chị C. nói. Bơm surfactant bằng phương pháp insure điều trị chứng suy hô hấp ở trẻ sinh non Theo các bác sĩ, phần lớn các trẻ sinh non đều gặp vấn đề về hô hấp, do phổi chưa trưởng thành, đặc biệt là sinh non ở tuổi thai: 26 tuần chiếm 90%, 28 tuần 80%, 30 tuần 70%, 32 tuần 55%, 34 tuần 25% và 36 tuần 12%. Thời gian qua, các bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã thực hiện thành công kĩ thuật bơm surfactant bằng phương pháp insure điều trị bệnh màng trong cho 6 trẻ sinh non tháng suy hô hấp có cân nặng từ 500gr đến 1400 gr với tuần thai từ 28 đến 33 tuần. Cả 6 trẻ này đều không được tiêm trưởng thành phổi trước sinh. BSCKII. Nguyễn Thị Thùy Dương – Trưởng khoa Nhi cho biết: Tại khoa Nhi đang áp dụng điều trị cho trẻ sinh non, bơm surfactant bằng phương pháp insure. Đây là phương pháp tiên tiến, hiện đại nhằm hạn chế tổn thương phổi do không phải đặt ống nội khí quản vào đường thở, tránh được tình trạng viêm phổi thở máy, giảm các biến chứng sinh non và giảm thời gian nằm viện cũng như giảm chi phí điều trị trẻ sinh non. Trẻ sinh non sau một thời gian điều trị khoẻ mạnh trong vòng tay mẹ. Ngoài ra, khoa Nhi cũng triển khai các kĩ thuật như: chiếu đèn vàng da, thở máy không xâm nhập, thở máy có xâm nhập, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân qua catherter tĩnh mạch rốn… Thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị thành công cho nhiều trường hợp trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng, trẻ vàng da, trẻ mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn, bệnh lý hô hấp sau sinh.   "Nuôi dưỡng trẻ sinh non quá nhẹ cân thực sự rất khó khăn, bởi vừa sinh ra bé đã bị suy hô hấp rất nặng, các cơ quan trong cơ thể đều non, trẻ dễ nhiễm khuẩn nên việc điều trị chăm sóc phải tuyệt đối vô khuẩn và đòi hỏi phải sát sao, tỉ mỉ, kiên trì. Ví dụ như việc cho các bé ăn, ban đầu cho bé ăn chỉ 1 ml sữa thôi, sau đó tăng dần tăng dần từng chút một, lên 2 ml, 3 ml và tăng dần tới 20 ml sữa. Việc cho ăn phải cho ăn qua sonde hoặc đổ thìa 30 phút/lần cho ăn Sau 2 tuần đến 1 tháng hoặc lâu hơn tùy thuộc vào từng bé có dấu hiệu sinh tồn ổn định, trẻ tự bú được  thì được chuyển sang phòng ghép mẹ và bé để mẹ bé có thể tự tay chăm sóc con của mình được" - BS. Dương cho hay. BSCKII. Nguyễn Thị Thùy Dương khuyến cáo: Ngay từ khi còn trong bụng mẹ các thai nhi cần phải được chăm sóc và theo dõi đầy đủ để có thể phát triển tốt nhất, tránh tình trạng sinh non bởi việc điều trị và nuôi dưỡng trẻ sinh non rất khó khăn, nhất là với các bé cân  nặng dưới 1 kg, khi mà hệ hô hấp, hệ tiêu hóa cũng như hệ tuần hoàn của trẻ vẫn chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hơn nữa, với những phụ nữ mang thai có nguy cơ sinh non hoặc từng có tiền sử sinh non thì nên đi kiểm tra thai kỳ thường xuyên và nếu có nguy cơ sinh non thì mẹ sẽ được tiêm thuốc trưởng thành phổi cho con và nên sinh con tại các bệnh viện có đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu, máy móc hỗ trợ điều trị bệnh nhi sinh non tốt, bởi vì nếu chỉ chậm trễ 1 chút thôi thì nguy cơ tử vong ở trẻ là rất cao.. Trong thời gian tới khoa sẽ tiếp tục nâng cao kiến thức và cập nhật thêm nhiều phương pháp điều trị mới nhằm phục vụ công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, xứng đáng là địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy cho nhân dân và mong muốn áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới và hiện đại nhất nhằm đem lại sự sống cho trẻ sinh non cũng như đáp lại những niềm tin của người nhiều gia đình. 

Xem Thêm

Kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam(28/6/2001-28/6/2021) và tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2021
Thứ Hai 28/06/2021 09:29:38
Ngày Gia đình Việt Nam(28/06) là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, gia đình tiêu biểu hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Sáng ngày 28/6/2021 Công đoàn Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2021). Buổi lễ nhằm tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2021 của cán bộ công nhân viên chức người lao động đang công tác tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Trong buổi lễ, BSCKII Đào Thiện Tiến – Giám đốc Bệnh viện thay mặt Ban Lãnh đạo bệnh viện gửi lời chúc mừng đến toàn thể gia đình công nhân viên chức, người lao động bệnh viện nhân Ngày Gia đình Việt Nam. Đây không những là dịp tôn vinh những mái ấm gia đình Việt Nam, mà đây còn là cơ hội để mỗi thành viên thấu hiểu và biết quý trọng hạnh phúc mình đang có.   BSCKII Đào Thiện Tiến – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Đông gửi lời chúc mừng nhân ngày Gia đình Việt Nam Tại buổi lễ kỷ niệm, BSCKII Nguyễn Thị Thùy Dương –  Phó Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện đã trình bày về “ nguồn gốc của ngày Gia đình Việt Nam” và đọc quyết định tuyên dương: 79 Gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2021.   Ban Giám đốc trao khen thưởng các gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2021             Thông qua các hoạt động tuyên dương gia đình tiêu biểu, đã khẳng định vai trò của từng thành viên của gia đình trong việc duy trì sự ổn định, xây dựng và phát triển gia đình bền vững, hạnh phúc. Đồng thời thể hiện những năm qua, Ban lãnh đạo đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác gia đình của cán bộ viên chức và người lao động tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Ngày Gia đình Việt Nam năm nay diễn ra trong thời điểm đặc biệt khi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sinh kế và cuộc sống của nhiều gia đình, nhưng cũng chính là thời điểm các gia đình lan tỏa tình đoàn kết, yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ, tinh thần “tương thân, tương ái”, cùng nhau nỗ lực, vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra.  

Xem Thêm

Triển khai tiêm Vắc xin phòng COVID-19 đợt 3 cho nhân viên Y tế
Thứ Ba 22/06/2021 08:45:35
Từ chiều ngày 16/6 đến 18/6/2021, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca đợt 3 năm 2021. Trong quá trình triển khai, công tác tiêm chủng được tiến hành với đầy đủ quy trình, từ việc kiểm tra các chỉ số sức khỏe, khám sàng lọc trước tiêm, thực hiện mũi tiêm và theo dõi sau tiêm. Đồng thời công tác đảm bảo an toàn trong phòng, chống COVID-19 được đặc biệt chú trọng. Theo đó, để bảo đảm tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 3 đúng quy trình, Bệnh viện vẫn bố trí tiêm theo quy tắc một chiều, từ bàn đón tiếp, hướng dẫn đến khu vực chờ; bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng; bàn tiêm chủng; khu vực theo dõi sau tiêm. Bố trí đầy đủ về nguồn nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, duy trì đội cấp cứu xử trí phản vệ để sẵn sàng xử trí kịp thời các trường hợp cấp cứu, phản ứng sau tiêm (nếu có). Cụ thể, tất cả đối tượng tiêm đều phải kê khai đầy đủ vào “Phiếu sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19” để thu thập thông tin cá nhân liên quan đến tiền sử bệnh lý và sử dụng thuốc. Các đối tượng tiêm được kiểm tra các chỉ số nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ, huyết áp thao đúng các yêu cầu của an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Tiếp đó, các bác sĩ khám sàng lọc, kiểm tra kỹ tình trạng sức khỏe người đến tiêm chủng. Nhân viên Y tế kê khai vào Phiếu sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 Nhân viên tiêm chủng sẽ tư vấn các thông tin về vắc xin phòng Covid-19 trước khi tiêm Tại Đơn nguyên tiêm chủng - Bệnh viện đa khoa Hà Đông, quy trình tiêm chủng cũng được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Sau khi kết thúc tiêm, tất cả đối tượng đến tiêm phải ở lại ít nhất 30 phút để theo dõi và kịp thời xử lý những phản ứng bất lợi có thể xảy ra. Đến nay, sau 3 đợt triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã thực hiện tiêm chủng an toàn vắc xin phòng COVID-19 cho hơn 672(trong đó có 31 người được tiêm đủ 2 mũi) đối tượng là nhân viên y tế và người lao động của Bệnh viện và không có trường hợp nào có phản ứng nặng sau tiêm.

Xem Thêm

Cán bộ xét nghiệm - Những “chiến binh” thầm lặng chống dịch
Thứ Tư 16/06/2021 14:22:09
Phía sau những lớp khẩu trang in hằn lên mặt, những bộ quần áo bảo hộ nóng bức, mồ hôi vã ra như tắm nhưng vẫn phải mặc trong nhiều giờ liền luôn là những nụ cười, là nhiệt huyết, sự tận tâm của các thầy thuốc với công việc mình đã lựa chọn. Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, công tác xét nghiệm vô cùng quan trọng để triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, khoanh vùng và truy vết nhanh, không để lây lan rộng ra cộng đồng. Vì thế, khi phát hiện ổ dịch mới, công tác xét nghiệm luôn được đặt lên hàng đầu. Xét nghiệm là công việc đòi hỏi độ chính xác cao. Từ khâu lấy bệnh phẩm, tách chiết vật liệu di truyền, chạy máy, phân loại, thông tin cá nhân, ghi phiếu dịch tễ… tất cả các quy trình đều phải thật tỉ mỉ, chuẩn xác. Chỉ cần lơ là một chút mà bỏ qua hoặc thao tác không chính xác dù chỉ là một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm cũng sẽ làm sai lệch kết quả, rất nguy hiểm, ảnh hướng trực tiếp tâm lý, sức khỏe bệnh nhân, công tác điều trị và ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống công tác phòng, chống dịch COVID-19. BSCKII. Trần Lệ Tiến - Trưởng khoa Vi sinh, BVĐK Hà Đông chia sẻ: "Áp lực lớn đối với những cán bộ làm công tác xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 là phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng và các mẫu bệnh phẩm. Do đó, những cán bộ được chọn làm xét nghiệm COVID là những người có kinh nghiệm mà còn vững vàng chuyên môn, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn sinh học. Trong xét nghiệm cố gắng không để xảy ra bất cứ sai sót nào dù là nhỏ nhất...". Các kỹ thuật viên khoa Vi sinh ngày đêm làm xét nghiệm COVID-19. Chung tay phòng chống dịch COVID-19 cùng các cả nước, thực hiện theo chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, khoa Vi sinh - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông được giao nhiệm vụ làm xét nghiệm cho các đối tượng từ vùng dịch về từ Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, quận Hà Đông và quận Thanh Trì. Tính từ 29/4 đến nay, trung bình khoa Vi vinh nhận từ 300 đến 2.000 mẫu để làm xét nghiệm. Phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, hàng ngày “làm bạn” với virus thời gian làm việc nhiều giờ trong Labo xét nghiệm, mặc quần áo bảo hộ rất nóng, tay rất mỏi và đau do cầm Pipett trong thời gian dài, nhiều khi phải huy động toàn bộ khoa làm việc 2 đến 3 ngày liên tục cả ngày và đêm nhằm đảm bảo cho kết quả nhanh nhất phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch... Mặc dù vất vả vậy nhưng theo Cử nhân xét nghiệm Lê Thị Thịnh - kỹ thuật viên trưởng, những cán bộ xét nghiệm vẫn lạc quan, yêu đời, không ngừng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong suốt thời gian làm xét nghiệm, khoa Vi sinh đã phát hiện 8 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội xét nghiệm khẳng định lại. Trong đó có một trường hợp dương tính ngoài cộng đồng có liên quan đến điểm dịch TP. HCM sống tại chung cư Hemisco Phúc La, Hà Đông. Các chiến binh thầm lặng quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng phía sau những người chiến sĩ áo trắng vẫn luôn là sự cảm thông, động viên, chia sẻ của gia đình của đồng nghiệp và của cả cộng đồng. Có lẽ nhờ vậy mà mỗi giờ trôi qua trong phòng xét nghiệm hay những lúc đi xuống hiện trường đã không còn trở nên quá mệt mỏi, áp lực. Dù vậy, phía sau những lớp khẩu trang in hằn lên mặt, những bộ quần áo bảo hộ nóng bức, mồ hôi vã ra như tắm nhưng vẫn phải mặc trong nhiều giờ liền luôn là những nụ cười, là nhiệt huyết, sự tận tâm của họ với công việc mình đã lựa chọn. Xót xa lắm khi chứng kiến hình ảnh những cán bộ ăn vội bát mì tôm để kịp tiếp tục trở lại làm công việc, hình ảnh những người mẹ tranh thủ xem trộm hình đứa con nhỏ mỗi khi đêm về cho vơi đi nỗi nhớ.... Chính nhờ lòng nhiệt huyết với nghề, lấy công việc làm niềm vui, coi khó khăn là động lực của những cán bộ làm xét nghiệm, đã góp phần không nhỏ cùng ngành y tế trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 cũng như nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Xem Thêm

Bệnh viện đa khoa Hà Đông tiếp nhận hơn 1.000 kit test nhanh Covid-19 từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân
Thứ Ba 15/06/2021 09:44:11
Hưởng ứng thư kêu gọi của Bệnh viện đa khoa Hà Đông về việc chung tay cùng Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong phòng chống dịch bệnh Covid – 19, các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài Bệnh viện đã tích cực tham gia hưởng ứng. Sáng ngày 08/06/2021, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã tiếp nhận ủng hộ kit test nhanh Covid - 19 do các cá nhân, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp trao tặng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, TS.BS Lê Hoàng Oanh – Nguyên Trưởng khoa thăm dò chức năng – Đại diện các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ trao tặng cho Bệnh viện 1225 kit test nhanh Covid-19. Tổng giá trị ủng hộ (tính từ ngày 21/05/2021 đến hết ngày 07/06/2021) là: 162.608.000đ (Một trăm sáu hai triệu sáu trăm linh tám nghìn đồng). Trong đó, qua hình thức chuyển khoản: 85.625.000đ (Tám mươi lăm triệu sáu trăm hai mươi lăm nghìn đồng); Và tiền mặt: 76.983.000đ (Bảy mươi sáu triệu chín trăm tám mươi ba nghìn đồng). Bà Lê Hoàng Oanh(áo xanh) – Đại diện các nhà hảo tâm trao tặng kit test nhanh Covid-19 cho Bệnh viện Đây là việc làm có nghĩa thiết thực giúp cho Bệnh viện thực hiện các xét nghiệm, phát hiện sớm, chẩn đoán kịp thời các trường hợp mắc Covid-19 tại cộng đồng. BSCKII Lê Hoàng Tú – Phó Giám đốc bệnh viện, đại diện Bệnh viện đón nhận món quà ủng hộ rất ý nghĩa và thiết thực trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời gửi lời cảm ơn đến tinh thần, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đã chung tay tích cực hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong công tác phòng chống dịch Covid – 19, Bệnh viện cũng mong muốn từ việc làm có ý nghĩa của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp sẽ góp phần lan tỏa tới cộng đồng cùng chung tay góp sức trong công tác phòng chống dịch. Bệnh viện cam kết sẽ sử dụng test xét nghiệm một cách hiệu quả trong công tác phòng chống dịch tại bệnh viện, góp phần cùng Đảng, Nhà nước và Thành phố ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid - 19. Bệnh viện đa khoa Hà Đông mong muốn tiếp tục nhận được ủng hộ, hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân để đồng hành cùng bệnh viện trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sự an toàn của cộng đồng. Danh sách nhà hảo tâm ủng hộ test nhanh Covid - 19(tính từ ngày 21/05/2021 đến hết ngày 07/06/2021):

Xem Thêm

DANH MỤC TIN
Tìm Kiếm
69vn188bet