Xét nghiệm điện di huyết sắc tố
Thứ Ba 14/04/2020 11:53:32
  Huyết sắc tố (Hemoglobin- Hb), là một protein phức tạp có chứa Fe++, ở trong hồng cầu và chiếm 33% trọng lượng hồng cầu.Huyết sắc tốlàm nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi đến tổ chức và vận chuyển cacbonic từ tổ chức về phổi. Hb là đại phân tử gồm có hai thành phần là hem và globin. Có nhiều loại huyết sắc tố khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của cơ thể: giai đoạn phôi, giai đoạn thai, giai đoạn sau sinh. Những loại huyết sắc tố bình thường giai đoạn sau sinh là: HbA, HbA2, HbF. Ngày nay người ta phát hiện được nhiều loại huyết sắc tố bất thường (> 700 loại) như HbH, Hb Bart’s, HbE, HbS, HbC, HbD, HbI,...tạo ra các thể khác nhau của bệnh lý huyết sắc tố. 1. Xét nghiệm Điện di huyết sắc tố (XN Điện di hemoglobin): Là một xét nghiệm để đánh giá thành phần và tỷ lệ các loại hemoglobin trong máu. XN điện di hemoglobin có giá trị trong chẩn đoán và sàng lọc bệnh lý huyết sắc tố. 2. Xét nghiệm Điện di huyết sắc tố khi nào? XN điện di hemoglobin nên thực hiện khi: - Xét nghiệm “tổng phân tích tế bào máu” có biểu hiện hồng cầu nhỏ nhược sắc (MCV < 85 fL và MCH < 28 pg). - Thiếu máu hồng cầu nhỏ không liên quan đến giảm sắt, bệnh lý mạn tính, hoặc ngộ độc chì.  - Thiếu máu tan máu không giải thích được. - Trong gia đình có người có bệnh lý hemoglobin/bệnh Thalassemia. - Những người chuẩn bị kết hôn và sinh con cũng nên sàng lọc bệnh Thalassemia 3. Xét nghiệm điện di huyết sắc tố nên chuẩn bị gì trước? Xét nghiệm này không cần phải chuẩn bị gì đặc biệt. Nhưng trước khi làm hãy báo cho bác sĩ biết bạn có: + Đang bị thiếu máu thiếu sắt và đang trong quá trình điều trị bệnh này hay không. Vì thiếu máu thiếu sắt có thể làm cho trị số hemoglobin A2 đo được không chính xác. + Có truyền máu trong vòng 3 tháng vừa qua không, vì nó cũng có thể làm sai kết quả xét nghiệm. 4. Cách lấy mẫu, thời gian trả kết quả: - 2 ml máu, có chống đông EDTA. - Mẫu nhận 24/24h. Các mẫu nhận trước 9h thứ 6 sẽ trả kết quả vào 16h thứ 6 cùng ngày. 5. Kết quả bình thường: nồng độ hemoglobin bình thường theo lứa tuổi Lứa tuổi HbA (%) HbA2 (%) HbF (%) Sơ sinh 20 ÷ 40 0,03 ÷ 0,6 60 ÷ 80 02 tháng 40 ÷ 70 0,9 ÷ 1,6 30 ÷ 60 04 tháng 80 ÷ 90 1,8 ÷ 2,9 10 ÷ 20 06 tháng 93 ÷ 97 2,0 ÷ 3,0 1,0 ÷ 5,0 01 tuổi 97 2,0 ÷ 3,0 0,4 ÷ 2,0 > 05 tuổi 97 2,0 ÷ 3,0 0,4 ÷ 2,0 Người trưởng thành 96 ÷ 98 0,5 ÷ 3,5 <1   6. Ứng dụng xét nghiệm điện di huyết sắc tố: chẩn đoán bệnh lý huyết sắc tố (HbS. HbC…), bệnh Thalassemia. Bộ xét nghiệm sàng lọc Thalassemia gồm: - Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi - Định lượng sắt huyết thanh, ferritin huyết thanh - Điện di huyết sắc tố   ThS.BSCKII. Nguyễn Hương Liên, trưởng khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện đa khoa Hà Đông khuyến cáo, để phòng bệnh Thalassemia: + Các đôi nam nữ nên được khám và xét nghiệm bệnh Thalassemia trước khi kết hôn. + Nên được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn về bệnh Thalassemia khi nghi ngờ mang gen hoặc mắc bệnh Thalassemia. + Khi phát hiện 1 người bệnh Thalassemia hoặc 1 người mang gen bệnh thì tất cả các thành viên trong gia đình cần được sàng lọc Thalassemia. + Nếu cả 2 người cùng mang gen bệnh Thalassemia kết hôn với nhau, nên được tư vấn trước khi dự định có thai. + Nếu cặp vợ chồng cùng mang gen bệnh Thalassemia có thai, nên được chẩn đoán trước sinh khi thai được 12 - 18 tuần, tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Dưới đây là hình kĩ thuật viên của khoa Huyết học - Truyền máu thực hiện xét nghiệm điện di huyết sắc tố tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông: Các xét nghiệm điện di huyết sắc tố được thực hiện thường xuyên tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Bệnh nhân có nhu cầu tư vấn kỹ hơn về xét nghiệm điện di huyết sắc tố cũng như bệnh Thalassemia xin liên hệ: Khoa Huyết học - Truyền máu, tầng 2 nhà E, bệnh viện đa khoa Hà Đông. Số điện thoại: 02433.528.203 Hoặc tư vấn trực tiếp BSCKII. Nguyễn Thị Hương Liên, trưởng khoa Huyết học - Truyền máu, số điện thoại: 0986.021.848

Xem Thêm

Dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch cúm Covid- 19 (nCoV)
Thứ Ba 25/02/2020 15:45:12
Virus Corona chủng mới gây viêm đường hô hấp cấp (tên chính thức là COVID-19 (nCoV)) đang hoành hành, khiến người mắc bệnh có các biểu hiện như ho, sốt và khó thở, suy yếu nội tạng... Do đây là bệnh viêm phổi do virus, thuốc kháng sinh không có tác dụng, các loại thuốc chống virus hiện tại được dùng cho bệnh cúm thông thường cũng không hiệu quả; cách tốt nhất là nâng cao sức đề kháng của cơ thể để có thể tiêu diệt virus lạ này ngay từ khi mới xâm nhập cơ thể khiến chúng không có cơ hội gây bệnh. Tuy nhiên hiện nay, việc sử dụng tràn lan các chế phẩm, thực phẩm  tăng cường sức đề kháng cũng không có lợi cho sức khỏe . Thực phẩm bao gổm  thực phẩm chức năng và thực phẩm tự nhiên đều nên sử dụng đúng cách,  bảo đảm nguyên tắc đủ thành phần các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng và đa dạng thực phẩm trong bữa ăn. Nguyên tắc đầu tiên để tăng cường sức đề kháng là chế độ ăn phải đảm bảo đủ và cân đối các nhóm thực phẩm . Việc đảm bảo đủ thành phần các nhóm thức ăn  giúp cung cấp đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng đa lượng là đạm, đường, béo và vi lượng là vitamin và các chất khoáng. Các chất đa lượng là đạm đường béo đóng vai trò cung cấp năng lượng và cấu trúc nên tế bào cơ thể, bao gồm cả các tế bào đóng vai trò miễn dịch.  Các chất vi lượng như vitamin và chất khoáng là chất xúc tác và môi trường cho các phản ứng sinh học của các tế bào. Nên muốn cơ thể khỏe mạnh cần một chế độ ăn cân đối và hợp lý. Theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng Quốc gia với người trưởng thành thực đơn nên được phân bố như sau   Nguyên tắc thứ hai là đa dạng thực phẩm trong bữa ăn, tạo nên cầu vồng rau củ trong mỗi bữa ăn. Mỗi loại rau có chất chống oxy hóa và kháng sinh tự nhiên riêng và hàm lượng chất khoáng, vitamin khác nhau . Nhóm rau củ màu tím có Anthrocyanin, nhóm rau củ màu vàng đỏ chứa lutein, betacaroten, nhóm rau củ màu xanh có Chlorophyll và Lycopene, Zeaxanthine,  nhóm rau củ màu trắng như củ cải, súp lơ trắng  có chứa nhiều Anthroxanthine  Mỗi ngày, mỗi bữa nên thay đổi màu sắc của rau củ. Các loại thịt và tinh bột cũng nên thay đổi mỗi bữa, mỗi ngày đảm bảo đa dạng thực phẩm. Nguyên tắc thứ ba là uống đủ nước, nước đóng vai trò quan trọng trong mọi phản ứng của cơ thể,chiếm  60 % thành phần cơ thể. Thiếu nước dẫn tới khô niêm mạc, và giảm các phản ứng bảo vệ cơ thể. Nên bổ sung nước 40 ml/ kg cân nặng ngày và uống chậm từng ngụm một. Với đối tượng suy thận và bệnh tim mạch tham khảo bác sĩ để uống đủ nước Một số thực phẩm tăng cường miễn dịch Nhóm thực phẩm giàu vitamin C : Nhu cầu vitamin C hàng ngày 150- 200 mg (1). Trong đợt nhiễm khuẩn, nhiễm virus cấp tính có thể bổ sung 1000 mg  trong 4-5 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Chế độ ăn cân đối đã đảm bảo đủ nhu cầu vitamin C một ngày và cam chanh không phải là thực phẩm chứa nhiều vitamin C nhất. Theo bảng thành phần dinh dưỡng các thực phẩm Việt Nam 2007 của viện dinh dưỡng quốc gia thì hàm lượng vitamin C trong thực phẩm là như sau (2): Tên thực phẩm Vitamin C ( mg)/ 100g Rau ngót 180 mg Cần tây 150 mg Kinh giới, ớt chuông, bưởi 90-110 mg Rau giền đỏ, rau đay, mồng tơi, súp lơ, diếp cá 70-80 mg Cam, chanh, quýt, nho, ổi, rau thơm 40 – 50 mg Từ bảng trên cho thấy chế độ ăn chỉ cần 3 lưng bát con rau một ngày, 2 quả cam, ba quả quít, 6 múi bưởi trung bình đã đủ nhu cầu vitamin C 1 ngày. Nhóm thực phẩm giàu vitamin A và tiền chất của vitamin A là Betacaroten Vitamin A và Betacaroten có tác dụng tặng cường miễn dịch. Tuy nhiên nhu cầu Vitamin A chỉ 700- 900 µg/ 1 ngày qui ra Betacaroten trong thực phẩm là 8400µg – 10000 µg/ ngày (1) . Sử dụng quá nhiều Betacaroten có thể dẫn tới vàng da, còn quá nhiều vitamin A có thể gây ngộ độc, cho nên không tùy tiện sử dụng các loại vitamin A đường uống, và ăn các thực phẩm nhóm này với số lượng vừa đủ. 1 tuần chỉ nên ăn gan động vật 1 lần, 20g gấc, 250 – 400 g rau tương đương với 3 lưng bát con rau,  1 củ cà rốt 200g, 2 quả trứng đã đáp ứng đủ nhu cầu vitamin A và Betacaroten 1 ngày Thực phẩm giàu Betacaroten (2) µg/ 100g thực phẩm Gấc 52520 Rau ngót, ớt, cà rốt, ớt chuông, tía tô 5000 – 6000 Dưa hấu, rau giền đỏ, kinh giới, rau thơm 4000- 5000 Đu đủ chín, xoài, hồng,  dưa bở 2000-3000 Các loại rau xanh 1500-2000   Thực phẩm giàu vitamin A (2) µg/ 100g thực phẩm Gan động vật 5000- 7000 Trứng 700-800 Sữa và các loại thịt 150 – 200   Nhóm thực phẩm giàu kẽm : Kẽm có vai trò rất quan trọng với miễn dịch. Nhu cầu hàng ngày 10 mg với người hấp thụ tốt 15-20 mg với người hấp thụ kém (1) Sò, hàu : 13- 14 mg/100g Các loại thịt, hải sản : 1,5- 2,2 mg/ 100g Các loại đậu : 3,5 – 4 g/100g Tỏi (3): Chứa nhiều chất kháng sinh Allicin, giúp chống lại các virut gây bệnh, Chứa hàm lượng lớn các vitamin A, B, C, D Nên ăn từ 2-5g tỏi tươi/ngày hoặc 1-2 g tỏi khô  tương đương 1-2 nhánh tỏi Nên ăn cùng bữa ăn, không ăn khi đang đói, khi bị tiêu chảy hoặc bị dị ứng với tỏi Nên ăn tỏi sống hoặc ở nhiệt độ dưới 80⁰C vì khi nấu sẽ làm giảm tác dụng của tỏi Nên sử dụng tỏi sau khi đập dập hoặc băm nhuyễn từ 10-15 phút để tỏi có tác dụng Chú ý: Thận trọng khi sử dụng số lượng nhiều với những bệnh nhân sử dụng Aspirin, Paracetamol, thuốc chống đông, chống ngưng tập tiểu cầu, thuốc tiểu đường, không nên sử dụng cùng với thực phẩm: Sâm, gừng, lá cây bạch quả, cỏ thơm. Gừng (3) :  Có nhiều các tinh dầu tự nhiên như gingerol, zingiberene, eicosanoide Nên dùng từ 0,5 -1 g / 1 lần x  3 lần một ngày, tương đương với 5 lát gừng thái mỏng, hoặc đập dập, pha với nước ấm Dùng quá 6g / 1 ngày có thể gây viêm niêm mạc dạ dày Gừng có tác dụng hạ đường máu, và giảm đông máu, tăng nhịp tim nên tham khảo bác sĩ dinh dưỡng khi đang điều trị bệnh đái tháo đường và tim mạch Gừng gây co bóp túi mật nên bệnh nhân sỏi túi mật không nên dùng nhiều  vì kích thích gây cơn đau. Bông cải xanh : Chứa nhiều Suforaphane có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus, và tác dụng tốt bảo vệ niêm mạc đường hô hấp Giàu vitamin C, vitamin A, Beta caroten Tuy nhiên không nên chỉ ăn mỗi bông cải xanh hằng ngày mà nên thay đổi các loại rau. Theo BSCK I.  Nguyễn Anh Dũng - Trưởng khoa dinh dưỡng   Bệnh viện đa khoa Hà Đông, mỗi người, mỗi bệnh lý cần một chế độ dinh dưỡng cụ thể khác nhau, đặc biệt đối tượng trẻ em và phụ nữ có thai,  người đang mắc các bệnh lý mãn tính như Đái Tháo Đường, Suy thận, các bệnh lý tim mạch, xương khớp. Người bệnh có nhu cầu có thể đến tư vấn tại Khoa dinh dưỡng bệnh viện đa khoa Hà Đông để có thực đơn cũng như chỉ định bổ sung các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt phù hợp Nguồn : 1. Bộ Y Tế - Viện Dinh Dưỡng. Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam. Nhà xuất bản Y Học, 2016. 2. Bộ y tế - Viện dinh dưỡng . Bảng thành phẩm thực phẩm Việt Nam. Nhà xuất bản Y Học, 2007. 3. Jennifer Jamison . Clinical guide to Nutrition & Dietary supplements in Disease Management .Churchill Livingstone, 2003.  

Xem Thêm

Bệnh liệt mặt - Không khó chữa
Thứ Sáu 14/02/2020 09:51:12
Liệt mặt (Liệt dây thần kinh số VII) ngoại biên là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt do tổn thương dây thần kinh mặt cùng bên gây nên. Liệt mặt ngoại biên là bệnh lý thường gặp, không phân biệt giới tính, độ tuổi. Bệnh tuy không nguy hại đến tính mạng người bệnh nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và thẩm mỹ trên khuôn mặt, tác động đến tâm lý, làm người bệnh mất tự tin trong các hoạt động giao tiếp xã hội, khó khăn trong các hoạt động cộng đồng. Bệnh liệt dây thần kinh mặt ngoại biên cần phân biệt với liệt mặt do tai biến mạch máu não, đó có thể là dấu hiệu sớm của liệt nửa người. v Triệu chứng, chẩn đoán: Chẩn đoán xác định liệt mặt ngoại biên chủ yếu dựa vào lâm sàng; một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân. Triệu chứng: Cơ mặt 1 bên yếu liệt, xệ xuống gây nên tình trạng mất cân xứng giữa hai bên. Khi nghỉ ngơi: Bên bệnh có biểu hiện lông mày hạ thấp hơn, khe mắt rộng hơn, nhắm không kín, thường chảy nước mắt nhiều hơn; rãnh mũi má mờ; mép và má xệ xuống; nhân trung lệch về bên lành. Hình ảnh biểu hiện và cơ chế bệnh liệt mặt (nguồn: Internet) Biểu hiện liệt mặt sẽ rõ hơn khi bệnh nhân thực hiện một số động tác: nhăn trán (nếp nhăn trán bên liệt mờ hơn), nhắm mắt (mắt bên liệt nhắm không kín), mỉm cười (miệng lệch sang bên lành). Bệnh nhân khó thực hiện các động tác huýt sáo, thổi lửa và ăn uống thường bị rơi vãi, đọng thức ăn ở bên liệt. Trường hợp liệt mặt kín đáo, thầy thuốc có thể thực hiện thêm các nghiệm pháp để chẩn đoán chính xác hơn. Các biểu hiện khác: Người bệnh thường gai rét, sợ lạnh, kèm theo đau đầu, đau mỏi vai gáy v Nguyên nhân: Nguyên nhân thường gặp nhất là do lạnh (chiếm trên 80%) dẫn tới co thắt mạch nuôi dây thần kinh VII gây ra thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope. Bệnh thường xảy ra đột ngột sau khi bệnh nhân gặp lạnh, đặc biệt là khi chuyển từ nóng sang lạnh: ban đêm ngủ nằm điều hòa lạnh, có gió lùa, sau khi tắm vào phòng điều hòa lạnh, ngồi trên xe ô tô, xe bus mở điều hòa lạnh, tắm nước lạnh sau khi vận động ra mồ hôi,…Trước đây, bệnh thường xảy ra vào mùa thu-đông và đông-xuân do thời tiết nhiều gió lạnh và hay thay đổi. Tuy nhiên, hiện nay, do việc sử dụng điều hòa nhiệt độ quá phổ biến, bệnh gặp nhiều hơn vào mùa nóng. Đối tượng dễ mắc bệnh là những người có thể trạng yếu, ít tập luyện thể dục, những người hay sử dụng rượu bia, đi sớm về khuya. Ngoài ra những người có tiền sử huyết áp cao, xơ vữa động mạch, hay thức khuya cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh. Theo lý luận của Y học cổ truyền, “chính khí tồn nội, tà bất khả can” tức là khi cơ thể khỏe mạnh thì tà khí, các nguyên nhân gây bệnh không thể xâm phạm. Ngược lại, khi cơ thể suy yếu, sức đề kháng suy giảm hoặc cơ thể không được giữ gìn, bảo vệ cẩn thận thì các yếu tố bên ngoài dễ dàng xâm phạm gây bệnh. Phong hàn (gió lạnh) xâm phạm vào vùng đầu mặt làm khí huyết ứ trệ, kinh lạc bị bế tắc, không duy trì được các hoạt động bình thường của một bên mặt. Một số nguyên nhân khác thường gặp: Zona thần kinh, viêm tai xương chũm, u dây thần kinh, phẫu thuật, chấn thương, … v Điều trị: Đối với những liệt mặt đã xác định được nguyên nhân, cần điều trị bằng các thuốc và phương pháp đặc hiệu Khi liệt mặt do lạnh hay không xác định được nguyên nhân, điều trị bằng Y học hiện đại sẽ sử dụng corticoid liều cao kết hợp với các thuốc tăng dẫn truyền thần kinh, vitamin B kết hợp với một số phương pháp vật lý trị liệu như chiếu đèn hồng ngoại. Các phương pháp Y học cổ truyền đã được sử dụng từ lâu đời và chứng minh được hiệu quả và an toàn khi điều trị liệt mặt ngoại biên. Hiện nay, các phương pháp được áp dụng phổ biến bao gồm: điện châm, cứu ngải, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, laser châm, cấy chỉ,… và uống thuốc Y học cổ truyền phù hợp với thể trạng từng bệnh nhân. Hình ảnh phương huyệt và điện châm trên bệnh nhân liệt mặt tại khoa Y học cổ truyền - BVĐK Hà Đông Thực tế lâm sàng cho thấy hiệu quả điều trị tăng lên khi kết hợp cùng lúc nhiều phương pháp điều trị, đặc biệt điều trị càng sớm hiệu quả đạt được càng cao và rút ngắn được thời gian điều trị. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn nếu được điều trị kịp thời và hợp lý. v Phòng bệnh Giữ cho cơ thể khỏe mạnh, khám bệnh định kỳ tại các cơ sở uy tín là cách tốt nhất phòng bệnh liệt mặt và kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh như huyết áp, mỡ máu, tiểu đường …, ngoài ra vì nguyên nhân chủ yếu là do lạnh nên việc tránh gió, lạnh từ thiên nhiên hay điều hòa, ăn đồ sống lạnh … là rất quan trọng. Đặc biệt là một bệnh tổn thương thần kinh nên việc điều trị sớm luôn là cách tốt nhất để có hiệu quả cao nhất và đề phòng biến chứng. Tài liệu tham khảo: - Khám lâm sàng hệ thần kinh, Hồ Hữu Lương, Nxb Y học 2006. -  Bệnh thần kinh ngoại vi, Hồ Hữu Lương, Nxb Y học 2005. - Châm cứu học, Nxb Y học 2005 -  Chuyên đề nội khoa Y học cổ truyền, Nxb Y học 2006 - Atlas giải phẫu người, Frank H. Netter. MD, Nxb Y học 2004.   Khi bị liệt mặt (Liệt dây thần kinh số VII) ngoại biên, người bệnh có thể đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Trong đó, khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa Hà Đông là một địa chỉ tin cậy thường điều trị bệnh lý liệt mặt ngoại biên. Bằng việc kết hợp nhiều phương pháp và điều trị tích cực ngay từ đầu, bệnh nhân liệt mặt ngoại biên đạt được kết quả điều trị rất tốt. Nhiều bệnh nhân nặng, đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn cũng đạt được hiệu quả điều trị nhất định, cải thiện các chức năng sinh hoạt hàng ngày. Khoa Y học cổ truyền, bệnh viện đa khoa Hà Đông được thành lập từ năm 1971, hiện nay khoa đã có bề dày truyền thống với sự kết hợp tinh hoa giữa y học hiện đại và y học cổ truyền, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm sẽ giúp người bệnh hoàn toàn yên tâm trong quá trình khám và điều trị bệnh. Để được định hướng điều trị liệt dây thần kinh số VII hiệu quả, quý khách hàng có thể liên hệ với các bác sĩ khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện đa khoa Hà Đông để được các bác sĩ thăm khám và điều trị bệnh ThS. BS. Nguyễn Ngọc Trung, trưởng khoa y học cổ truyền ThS. BS. Trần Nhật Trường, phó khoa y học cổ truyền Để được tư vấn kỹ hơn về bệnh liệt mặt và liên hệ khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Quý Khách vui lòng liên hệ Hotline: 0915580644 - 0969668115  

Xem Thêm

Tự kiểm tra ung thư vú chỉ với 03 bước
Thứ Bảy 19/10/2019 06:02:52
Ung thư vú là một trong những loại ung thư thường gặp và gây tử vong nhiều nhất ở phụ nữ sau 35 tuổi. Dù nguyên nhân gây ung thư vú vẫn chưa được xác định rõ, nhưng một số yếu tố nguy cơ đã được nhận diện, trong đó yếu tố di truyền chiếm 10% trường hợp ung thư vú. Việc phát hiện sớm ung thư vú rất quan trọng, giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn. Ở giai đoạn đầu, ung thư vú thường không có triệu chứng nhưng khi khối u vú phát triển, bạn có thể gặp phải các triệu chứng sau: Vú bị sưng, biến dạng Kích ứng da vùng vú hoặc vùng dưới cánh tay Xuất hiện khối u cứng ở vú Vú bị thay đổi kích thước hoặc hình dạng Quầng vú hoặc núm vú có sự thay đổi màu sắc hay xuất hiện nếp nhăn, đóng vảy Vú tiết dịch, bị thụt vào trong hoặc có cảm giác đau. Những triệu chứng này có thể dễ dàng phát hiện bằng việc tự kiểm tra vú thường xuyên. Nếu có những dấu hiệu này, tốt nhất bạn nên đi khám ngay bởi nếu không được điều trị sớm, ung thư vú sẽ xâm lấn đến những cơ quan khác trong cơ thể, đặc biệt là xương. Khi di căn vào xương, bệnh đã ở giai đoạn cuối và rất khó chữa trị thành công. Tự kiểm tra ung thư vú tại nhà. Kiểm tra phát hiện sớm ung thư vú Tự kiểm tra vú mỗi tháng một lần, sau chu kỳ kinh nguyệt 2 – 3 ngày. Chị em có thể tham khảo một số bước tự khám vú tại nhà dưới đây: - Bước 01: đứng trước gương nơi có ánh sáng tốt, đứng tư thế thẳng người, xuôi hai tay quan sát xem có bất thường gì không. - Bước 02: giơ 2 tay lên và quan sát lại xem có bất thường không; tiếp tục kiểm tra bằng cách giơ lần lượt từng tay một, xoa nắn vú xem có tiết dịch bất thường, kiểm tra vùng nách xem có hạch không… - Bước 03: Kiểm tra tương tự ở tư thế nằm, trường hợp phát hiện bất thường, bạn nên đến ngay bệnh viện để khám chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Xem Thêm

Ung thư vú - không như bạn tưởng tượng
Thứ Sáu 18/10/2019 23:19:58
Có khá nhiều điều bạn hiểu chưa đúng về ung thư vú. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm về ung thư vú - căn bệnh có tỷ lệ người mắc bệnh đứng top 3 trong các loại ung thư. Lịch sử gia đình Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến nhất là khi có người thân (mẹ, chị em gái) của bạn bị ung thư vú thì bạn cho rằng 100% mình cũng sẽ bị. Theo các chuyên gia ung thư thì yếu tố di truyền chỉ mang tính nguy cơ chứ không phải là nguyên nhân. Có nhiều trường hợp mẹ bị ung thư vú nhưng con cái không hề bị. Tuy nhiên, nếu bạn có tiền sử gia đình thì khuyến cáo là nên sàng lọc khi tuổi còn trẻ, thậm chí là 25 tuổi. Đối với những người khác, hãy sàng lọc ở tuổi 40 và kiểm tra thường xuyên định kỳ hàng năm. Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư vú. Thấy khối u là thấy ung thư vú? Chúng ta có thể tự kiểm tra và phát hiện ra khối u trong quá trình này. Tuy nhiên "phần lớn phụ nữ cảm nhận có u nhú không đồng nghĩa với việc họ bị ung thư", Tiến sĩ Otis Brawley thuộc Hiệp hội Ung thư Mỹ cho biết. Ông nhấn mạnh, phần lớn khối u phát hiện không nghiêm trọng, như u nang hoặc u lành tính, nó có thể liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt. Hãy nhớ rằng: Nếu bạn tìm thấy một khối u, đừng hoảng sợ. Mọi thứ có thể không như bạn nghĩ, nên sắp xếp một chuyến viếng thăm bác sĩ càng sớm càng tốt. Chỉ khi bạn đi khám bác sĩ, làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cần thiết và có kết luận từ bác sĩ - đó mới là kết quả đáng tin cậy. Chỉ phụ nữ lớn tuổi bị ung thư vú Theo Hiệp hội ung thư quốc gia Mỹ, một nửa số phụ nữ chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú ở độ tuổi trên 65. Và mặc dù con số đó là đáng kể, mà vẫn còn lại 50% khác. Theo dữ liệu từ Viện Ung thư quốc gia Mỹ, có 7% phụ nữ mắc ung thư vú ở độ tuổi dưới 40. Vì vậy, đừng chủ quan cho rằng mình còn trẻ tuổi không có lý do gì bị ung thư vú. Ngay từ khi 25 tuổi, bạn cũng nên sàng lọc ung thư vú định kỳ mỗi năm một lần để có kết quả yên tâm nhất.  Thấy khối u chưa hẳn là bị ung thư vú. Chỉ phụ nữ mới mắc ung thư vú Mặc dù khả năng mắc căn bệnh này ở nam giới thấp hơn nữ tới 100 lần, thì vẫn có trường hợp đàn ông cũng bị ung thư vú. Ung thư vú ở nam giới thường phát hiện muộn, khi bệnh chuyển giai đoạn nặng. Đó là lý do tại sao bệnh này được cho là nguy hiểm hơn ở nam giới. Chỉ cần để ý đến tiền sử gia đình mẹ Đây là một nhận thức sai lầm nhưng tồn tại khá phổ biến. Nguồn gen của bạn được phân chia giữa cha và mẹ, nên cần phải xem xét tiền sử gia đình hai bên khi bạn đánh giá mức độ rủi ro. Chỉ cần để ý khi phát hiện u nhú Cần nhận thức toàn diện hơn, không chỉ dừng ở mức chỉ tìm ra khối u. Hãy chú ý đến những thay đổi riêng lẻ từ hình dạng, kích thước nhũ hoa. Cân nhắc đến gặp bác sĩ khi: cảm thấy ngực trở nên rắn chắc hơn, nặng nề hơn; màu sắc nhũ hoa thay đổi, dịch tiết ra ở đầu nhũ hoa… Thuốc ngừa thai làm tăng nguy cơ ung thư vú Quan niệm này xuất phát từ các nghiên cứu được tiến hành trong những năm 90, cho thấy nguy cơ ung thư vú có vẻ tăng ở những phụ nữ uống thuốc ngừa thai. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy, không hề tồn tại nguy cơ này, và cũng không có lý do gì cần khuyến nghị họ ngừng dùng thuốc.

Xem Thêm

Làm sao phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư đại – trực tràng?
Thứ Năm 17/10/2019 06:03:08
Ung thư đại trực tràng là bệnh ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới, bệnh dễ gây tử vong nếu phát hiện muộn. Tuy nhiên, ung thư đại trực tràng vẫn có thể phòng tránh được. Đại - trực tràng là phần cuối cùng của ống tiêu hóa. Khi ung thư phát triển, nó sẽ xâm lấn từ trong lòng đại – trực tràng qua thành đại tràng và lan rộng ra bên ngoài. Quá trình xâm lấn có thể diễn ra bằng nhiều cách như: xâm lấn các lớp của đại – trực tràng và sang các cơ quan bên cạnh, đi theo hệ bạch huyết vào các hạch bạch huyết lân cận hoặc đi theo đường máu đến gan và các bộ phận khác. Chúng ta có thể phòng ngừa thứ cấp: Tầm soát ung thư (quan trọng nhất ở nhóm nguy cơ trung bình); Nội soi cắt polyp đại trực tràng (60-70% tử vong do ung thư); thử máu ẩn trong phân và nội soi đại tràng mỗi 5 năm. Bác sĩ Cường khuyến cáo, người bình thường không có nguy cơ, tầm soát từ 50 tuổi, người có nguy cơ: tầm soát từ 40 tuổi. Đối với nhóm nguy cơ cao: hội chứng di truyền ung thư như FAP hoặc HNPCC, viêm loét đại tràng , viêm đại tràng do Crohn, thời gian tầm soát rút ngắn lại còn mỗi 1-2 năm. Đặc biệt, người dân cần phải đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường, không chủ quan khiến bệnh trở nặng mới phát hiện. Nghiên cứu cho thấy Ung thư đại trực tràng ở các nước phương Tây và các nước công nghiệp hóa cao hơn các lục địa khác. Ở Châu Á, Nhật Bản là nước có tỉ lệ Ung thư đại trực tràng thấp, khi di cư sang Mỹ thì thế hệ sau có tỉ lệ ung thư cao bằng ở Mỹ, tức cao hơn ở Nhật, do thay đổi thói quen ăn uống. Nguyên nhân gây bệnh Ăn ít chất xơ (rau, củ quả) táo bón, tích tụ chất độc trong ruột già. Ăn nhiều thức ăn đóng hộp, snack v.v.. có nhiều hóa chất bảo quản sinh ra ung thư. Ăn nhiều gây béo phì, cũng là một nguy cơ gây ung thư đại trực tràng.

Xem Thêm

Những bệnh thường gặp do nguồn nước bẩn
Thứ Tư 16/10/2019 06:02:34
Theo BS Võ Thanh Hải, khoa Nội tổng quát, nước là nhân tố thiết yếu đối với sự sinh tồn của con người. Tuy nhiên, nguồn nước sinh hoạt bẩn, bị ô nhiễm có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm như tả, thương hàn, các bệnh về tiêu hóa, viêm gan... Vì vậy được sử dụng nguồn nước sạch là nhu cầu tối thiểu của người dân nhằm bảo vệ sức khỏe. Dưới đây là một số bệnh lý thường gặp do nguồn nước bị ô nhiễm: Các bệnh đường tiêu hóa: Với các bệnh thường gặp như: tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A, bại liệt... Bệnh thường xảy ra do người khỏe ăn hoặc uống phải những thực phẩm, nước uống bị nhiễm vi khuẩn có trong phân người (do không rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi vệ sinh cho trẻ nhỏ, sau đó cầm vào thức ăn; hoặc do ruồi, gián đậu lên thức ăn, nước uống không được đậy kín...). Sau khi ăn hoặc uống các loại nước đã nhiễm vi khuẩn, virut và ký sinh trùng gây bệnh thì chúng ta dễ dàng bị mắc bệnh. Tuy nhiên, các bệnh lây truyền trên đều có thể ngăn ngừa được nếu chúng ta thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản như: rửa tay bằng xà phòng và nước sạch tại các thời điểm trước khi ăn, sau khi đại tiện hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn các thức ăn đã ôi thiu. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng và bảo quản tốt các nguồn nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ. Diệt các loại côn trùng có nguy cơ truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián,... Nguồn nước bẩn sẽ gây hại đến sức khỏe con người. Bệnh giun sán: Giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim thường lây truyền do trứng giun của người bệnh theo phân ra ngoài rồi lại vào hệ tiêu hóa của người khỏe qua thức ăn, nước uống nhiễm bẩn hoặc chui qua da người vào cơ thể và gây bệnh. Ấu trùng của các loại sán lại từ phân người bệnh vào nước hoặc sống ký sinh trong ốc, cá... Ăn ốc có ấu trùng sán sẽ bị nhiễm sán. Người hay gia súc ăn cá, thịt không nấu chín cũng sẽ mắc bệnh. Để phòng bệnh giun sán, chúng ta không nên ăn gỏi cá, không ăn các loại gia súc bị bệnh chết, không đi chân đất hay để trẻ nhỏ mặc quần thủng đũng, đặc biệt cần chú ý tẩy giun, sán định kỳ và theo hướng dẫn của thầy thuốc. Bệnh tả: Bệnh tả do Vibrio Cholerae gây ra. Bệnh này hiện vẫn phổ biến ở các nước có hệ thống xử lí nước thải chưa phát triển. Bệnh tả gây tiêu chảy, mất nước, chuột rút cơ, tim đập nhanh, huyết áp thấp, da mất đàn hồi và cảm giác khát khô cổ họng. Các bệnh do muỗi truyền: Những bệnh do muỗi truyền thường thấy là bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản,.... Các bệnh này dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch lớn. Bệnh lây truyền bằng cách: muỗi đốt người bị bệnh sau đó đốt người khỏe mạnh, mầm bệnh sẽ truyền vào người khỏe qua vết đốt của muỗi. Để không bị muỗi đốt, khi ngủ chúng ta nên ngủ trong màn, tẩm màn bằng hóa chất; phun thuốc diệt muỗi và đốt hương muỗi trong nhà. Bên cạnh đó, phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phát quang bụi rậm quanh nhà và thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh; diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt đồng thời lật úp những dụng cụ chứa nước không dùng đến; thường xuyên tổng vệ sinh dọn sạch ao tù, nước đọng,... Nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống mỗi người là được sử dụng nguồn nước sạch. Viêm gan A: Bệnh viêm gan A lây truyền qua các phần tử phân có trong nước và thức ăn ô nhiễm. Các bệnh về mắt, ngoài da, bệnh phụ khoa: Đa phần các bệnh về mắt, bệnh ngoài da và bệnh phụ khoa có thể truyền từ người bệnh sang người lành qua nước. Bởi vậy, để phòng tránh các bệnh này cần có đủ nước sạch để sử dụng hằng ngày. Đồng thời thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, tắm rửa hay giặt giũ phải dùng xà phòng và nước sạch, mỗi người phải sử dụng một khăn mặt riêng, không dùng chung quần áo với người bệnh và không mặc quần áo khi còn ẩm. Các bệnh nêu trên gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường cộng đồng. Vì vậy, mỗi cá nhân phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường như: Không vứt rác, đổ chất thải bừa bãi, sử dụng nguồn nước sạch, cần chú ý hơn khi lựa chọn nguồn thực phẩm, rau tươi, hoa quả đảm bảo chất lượng, không có thuốc trừ sâu, rửa rau quả dưới vòi nước chảy để loại trừ trứng giun sán cùng các chất ô nhiễm, thực hiện ăn chín, uống sôi,...

Xem Thêm

Dễ bỏ qua bệnh lý viêm tắc động mạch chi dưới
Thứ Tư 16/10/2019 01:06:06
Tuổi Trẻ - Viêm tắc động mạch chi dưới là bệnh lý dễ bị bỏ qua do bệnh có triệu chứng không rõ ràng và thường được chẩn đoán nhầm với các bệnh lý về cơ xương khớp, bệnh do tuổi già. Bệnh viêm tắc động mạch chi dưới là tình trạng hẹp/tắc lòng động mạch chậu, đùi, khoeo, cẳng và bàn chân do xơ vữa động mạch hoặc viêm nội mạc động mạch, làm giảm dòng máu nuôi phần chi phía dưới vị trí tổn thương. Bệnh lý mạn tính có triệu chứng không điển hình nên thường được chẩn đoán nhầm với các bệnh lý về cơ xương khớp, bệnh do tuổi già. Bệnh lý này được phát hiện qua siêu âm, hình ảnh chụp mạch máu. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi và những người có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì… Dấu hiệu viêm tắc động mạch chi dưới Cần nghĩ đến viêm tắc động mạch chi dưới nếu bệnh nhân có các triệu chứng sau: đau mỏi và co cứng bắp chân, đùi hoặc mông khi đi bộ, phải dừng lại, ngồi nghỉ một lúc mới có thể tiếp tục đi được. Hiện tượng đó lặp lại sau một khoảng cách đi bộ nhất định. Khoảng cách đó ngắn dần chứng tỏ bệnh đang tiến triển nặng lên; đau bàn chân, ngón chân liên tục, kể cả khi nghỉ ngơi. Bệnh nhân thường mất ngủ, mệt mỏi vì đau chân, da chân tái và lạnh. Giai đoạn nặng hơn sẽ bị loét và hoại tử các ngón chân, có thể cả bàn chân (do thiếu máu nuôi dưỡng), kèm theo cảm giác đau liên tục, thuốc giảm đau hiệu quả không cao. Phần lớn người bệnh đến điều trị ở giai đoạn muộn do không có triệu chứng khi bệnh mới khởi đầu; hoặc nhầm với bệnh cơ xương khớp, đau thần kinh ngoại vi, do tuổi già... do đó việc điều trị bệnh thường được bắt đầu ở giai đoạn muộn với nhiều biến chứng nguy hiểm. Dễ bỏ qua bệnh lý viêm tắc động mạch chi dưới. Chẩn đoán và điều trị viêm tắc động mạch chi dưới Nếu có triệu chứng như đã mô tả ở trên thì bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mạch máu để được chẩn đoán sớm và chính xác. Bác sĩ sẽ kiểm tra mạch đập ở các vị trí nếp bẹn, khoeo chân, mu chân và ống gót. Nếu không có mạch đập hoặc yếu hơn bình thường thì có thể nghĩ đến bệnh lý viêm tắc mạch. Bên cạnh đó, siêu âm mạch máu có thể biết rõ động mạch bị hẹp tắc ở đâu và mức độ như thế nào, đồng thời có thể cho biết mức độ thiếu máu chi dưới ra sao nhờ đo chênh lệch huyết áp giữa cổ chân và cánh tay. Ngoài ra, ở những bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị y tế thì bệnh nhân có thể được chỉ định chụp mạch máu trên trên máy chụp kỹ thuật số DSA, chụp cắt lớp hệ động mạch chủ bụng chậu và toàn bộ chi dưới giúp xác định chính xác nhất vị trí động mạch bị tắc/hẹp. Với bệnh lý viêm tắc động mạch chi dưới, phương pháp điều trị tối ưu nhất, ít đau đớn cho bệnh nhân lớn tuổi là tái lưu thông động mạch bị tắc bằng phương pháp nong (đặt stent động mạch chậu, đùi, khoeo…) chi dưới qua da bằng ống thông. Dụng cụ can thiệp động mạch chi dưới là các dây dẫn, ống thông gắn bóng và stent, được đưa đến vị trí tổn thương qua một lỗ chọc kim ở động mạch đùi. Ống thông gắn bóng được đưa vào vị trí hẹp/tắc của mạch để mở rộng lòng mạch. Tiếp theo, stent kim loại (giá đỡ) gắn trên một ống thông khác được đưa vào để mở rộng lòng mạch về mức bình thường và giữ cho lòng mạch không bị hẹp lại. Khi lòng mạch được mở thông, dòng máu được phục hồi lưu thông, các triệu chứng đau, mỏi chân khi đi bộ và đau khi nghỉ do thiếu máu sẽ giảm nhanh chóng. Các vết loét và vùng hoại tử sẽ hồi phục. Tuy nhiên phần hoại tử nặng không thể hồi phục được bắt buộc phải cắt bỏ.

Xem Thêm

Thứ Hai 14/10/2019 16:06:19
Gan được ví như một “nhà máy” chế biến thực phẩm mà chúng ta ăn vào để biến đổi thành các chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, các bệnh về gan, đặc biệt là viêm gan, có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống hoặc ngược lại. Dinh dưỡng không đúng cách có thể làm cho bệnh gan bị nặng thêm. Do đó, khi bị bệnh, việc ăn uống đúng cách cũng được xem là một phương pháp điều trị không dùng thuốc. Dinh dưỡng hợp lý khi bị viêm gan là thực hiện một chế độ ăn uống cân đối giữa các thành phần chất đường, chất béo, chất đạm và các vitamin, khoáng chất. Ngoài ra, cũng cần kết hợp các biện pháp nghỉ ngơi, điều tiết làm việc, sinh hoạt thể lực sao cho phù hợp để tăng cường sức lực, chống chọi với bệnh tật giúp người bệnh mau hồi phục.   DINH DƯỠNG KHI BỊ VIÊM GAN CẤP Trong viêm gan cấp, tế bào gan bị phá hủy cấp tính. Các hoạt động bình thường của gan có thể bị xáo trộn, thường biểu hiện bằng các triệu chứng như mệt mỏi và rối loạn tiêu hóa: chán ăn, ăn không tiêu, sình bụng, tiêu chảy nhất là hay bị nôn ói. Khi bị viêm gan cấp, chúng ta cần áp dụng một chế độ nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý. Không kiêng ăn quá mức mà cần phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ năng lượng. Năng lượng này rất cần để gan hồi phục nhanh và cơ thể mau lấy lại sức. + Nên chọn nhóm thực phẩm dễ hấp thu và tiêu hóa như gạo, ngũ cốc, đường, mật ong, hoa quả ngọt, các chất bột - đường. Vì vậy, người bệnh thường được khuyên ăn nhiều trái cây ngọt như chuối, nhưng không có nghĩa là “ăn chuối để chữa bệnh viêm gan”. + Riêng các chất đạm, nên chọn các loại có giá trị dinh dưỡng cao nhưng ít chất béo như lòng trắng trứng (không ăn lòng đỏ trứng), các loại thịt cá nạc, sữa không béo, đậu hũ. Lượng đạm cần cung cấp đầy đủ như một người bình thường (tức là 50 - 70g mỗi ngày). Tuy nhiên, nếu bị viêm gan quá nặng, bắt đầu có triệu chứng lơ mơ báo hiệu tình trạng sắp bị hôn mê thì phải giảm lượng đạm < 40g mỗi ngày vì các chất như amôniắc (NH3) sinh ra từ chất đạm không được gan đào thải, sẽ tích tụ trong máu gây ảnh hưởng đến hoạt động của não. + Đối với chất béo, nên giảm bớt chứ không kiêng ăn hoàn toàn. Không ăn các thức ăn có nhiều cholesterol như óc, tim, gan, lòng heo, lòng đỏ trứng vì sự bài tiết mật có thể bị giảm nên không tiêu hóa hết các chất béo. Chất béo chỉ sử dụng khoảng 10% tổng năng lượng (15g mỗi ngày). + Đặc biệt, ăn nhiều rau quả tươi sẽ cung cấp chất khoáng và các vitamin như vitamin A, B, C, E… rất cần thiết để gan hoạt động bình thường trở lại vì các chất này giúp cho các chuyển hóa ở gan được tốt hơn. + Một vấn đề hết sức quan trọng cần phải tuân thủ, đó là ngưng hẳn rượu bia và các thức uống có cồn cho đến khi gan hồi phục hoàn toàn. + Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc vì một số thuốc có thể gây độc cho gan như thuốc an thần, các thuốc giảm đau - chống viêm, ngay cả paracetamol. Không tự ý sử dụng bất cứ một loại thuốc nào khi chưa tham khảo ý kiến thầy thuốc. + Nên chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày, ăn từng ít một, đừng ăn một lần quá no. Người bệnh viêm gan thường hay bị chán ăn và nôn ói vào buổi chiều nên có thể cho ăn nhiều hơn vào buổi sáng, ăn nhẹ hoặc uống sữa vào chiều tối để tránh tình trạng đầy bụng và nôn sau khi ăn. Khi gan hồi phục hoàn toàn, có thể ăn uống trở lại như bình thường. + Nếu bệnh nhân bị nôn ói liên tục hoặc tiêu chảy nhiều cần được nhập viện để truyền dịch và nuôi ăn bằng đường truyền tĩnh mạch. Trong trường hợp người bệnh chỉ buồn nôn nhẹ có thể điều trị ở nhà bằng cách dùng một số thuốc chống nôn thông thường.   VẤN ĐỀ ĂN UỐNG, SINH HOẠT KHI BỊ VIÊM GAN CẤP TÍNH Chế độ dinh dưỡng cung cấp đầy đủ năng lượng và cân đối các thành phần đạm, béo, đường và vitamin, khoáng chất. Nên uống nhiều nước nhất là nước ép hoa quả. Nên chia nhiều bữa ăn nhỏ, mỗi bữa chỉ ăn một ít. Không kiêng kị quá mức. Hạn chế gia vị và dầu mỡ. Ngưng hẳn rượu, bia. Thận trọng khi sử dụng các thuốc. Nên nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng nhọc. DINH DƯỠNG KHI BỊ VIÊM GAN MẠN Khi gan bị viêm mạn tính, hầu hết các người bệnh đều không có triệu chứng gì đặc biệt. Vì vậy, họ vẫn cảm thấy bình thường dù gan có thể đã bị hư hại ngày một nặng hơn. Một số người bệnh có cảm giác mệt mỏi và ăn uống kém đi. Chế độ ăn vẫn phải cân đối giữa các chất đường, đạm, béo và cung cấp đầy đủ năng lượng. Việc ăn uống đủ chất và năng lượng sẽ giúp cho người bệnh cảm thấy khỏe hơn và cơ thể có đủ sức chống chọi với tình trạng nhiễm trùng cũng như các tác dụng phụ do quá trình điều trị gây ra. Khi vẫn còn cảm giác ăn uống và tiêu hóa bình thường, nhất là chưa bị phù, người bệnh không cần thiết phải kiêng ăn quá mức. Chính vì ăn kiêng quá mức và đặc biệt là thức ăn quá nhạt nhẽo sẽ làm cho người bệnh cảm thấy chán ăn. Ăn uống kém càng làm cho người bệnh bị mệt mỏi, thiếu sức để hoạt động và bệnh gan bị nặng hơn. Tuy nhiên, người bệnh cần hạn chế sử dụng những thức ăn quá nhiều gia vị và dầu mỡ sẽ gây khó tiêu. Nên chọn các loại đạm có giá trị dinh dưỡng cao mà dễ tiêu hóa như đậu nành, đậu hũ... Ở người bệnh viêm gan mạn tính, chất glycogen (một loại đường dự trữ ở gan) sẽ bị giảm, vì vậy cần cung cấp đều đặn chất bột - đường như bánh, trái cây ngọt; nếu không, người bệnh dễ bị những cơn mệt lả, vã mồ hôi do giảm lượng đường trong máu. Dù bị bệnh gan mạn tính do bất kỳ nguyên nhân nào thì người bệnh cũng không nên uống rượu bia nhiều vì sẽ làm cho tình trạng viêm gan bị nặng hơn. Người bệnh có thể uống mỗi ngày một viên thuốc bổ để cung cấp thêm các vitamin và khoáng chất cần thiết cho hoạt động bình thường của gan. Nếu viêm gan mạn do nghiện rượu, cần phải bổ sung thêm các vitamin nhóm B và acid folic. VẤN ĐỀ ĂN UỐNG, SINH HOẠT KHI BỊ VIÊM GAN MẠN TÍNH Không kiêng khem quá mức khi gan chưa bị suy nặng. Tiếp tục chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ năng lượng. Nên ăn nhiều chất đạm từ thực vật, chất bột - đường và rau quả tươi. Hạn chế bớt mỡ dầu và gia vị. Nên uống thêm thuốc bổ đa sinh tố và thận trọng khi sử dụng các loại thuốc. Sinh hoạt bình thường. Tập thể dục, chơi thể thao vừa sức. Tránh các công việc quá nặng nhọc. Tránh uống rượu bia. Nếu bị viêm gan virút C mạn tính, không nên ăn các thực phẩm chứa nhiều chất sắt hoặc các thuốc bổ có chứa sắt.

Xem Thêm

DANH MỤC TIN