Hội thi Điều dưỡng – Hộ sinh – Kỹ thuật viên Giỏi năm 2021
Thứ Ba 27/04/2021 15:14:26
Công tác chăm sóc người bệnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bệnh viện. Những năm gần đây với sự phát triển nhanh chóng của bệnh viện về mọi mặt, tập thể Điều dưỡng - Hộ sinh - Kỹ thuật viên(ĐD/HS/KTV) đã phấn đấu không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng ủy, Ban giám đốc giao phó trong công tác chăm sóc người bệnh, đảm bảo an toàn người bệnh và phòng ngừa sự cố y khoa. Căn cứ kế hoạch số79/KHBV, ngày 5/4/2021 về việc tổ chức hội thi Điều dưỡng – Hộ sinh – Kỹ thuật viên Giỏi. Từ ngày 15/04-27/04/2021, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức Hội Thi “Điều dưỡng - Hộ sinh - Kỹ thuật viên Giỏi năm 2021”. Tham gia hội thi có 312 thí sinh bao gồm tất cả các điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên của bệnh viện từ 40 tuổi trở xuống. Đến với hội thi 312 thí sinh phải trải qua 3 vòng thi: Vòng 1 Thi quy trình kỹ thuật;  Vòng 2 thi kiến thức tổng hợp; Vòng 3 là vòng chung kết thi Giao tiếp ứng xử. Các thí sinh tham gia Vòng thi Lý thuyết Ở Vòng 1 các Thí sinh sẽ bốc thăm ngẫu nhiên và thực hiện một quy trình kỹ thuật phù hợp với công việc chuyên môn. Sau đó sẽ chọn ra 30% thí sinh đạt điểm cao nhất ở Vòng 1 để bước tiếp vào Vòng 2 thi kiến thức tổng hợp bao gồm: Thi lý thuyết và thực hành. Ở phần thi Lý thuyết: các thí sinh sẽ được kiểm tra kiến thức trả lời trên phiếu trắc nghiệm gồm 100 câu hỏi về các quy định chuyên môn cơ bản như: TT07, quy định về hồ sơ bệnh án, quy chế trực chuyên môn, cấp cứu, chuyển viện, chuyển khoa, bàn giao người bệnh; Chuẩn đạo đức nghề nghiệp; Các thông tư liên quan đến công tác Điều dưỡng và chăm sóc người bệnh thường gặp; Kiểm soát nhiễm khuẩn… Các thí sinh tham gia Vòng thi Thực hành chạy trạm Ở phần thi Thực hành với hình thức chạy trạm, kiểm tra thực hành chuyên môn: Mỗi thí sinh tham gia kiểm tra tay nghề phải trải qua 5 trạm thi, mỗi trạm tương ứng với một quy trình kĩ thuật. Đây đều là các quy trình kỹ thuật cơ bản của điều dưỡng như: Cấp cứu ngừng tuấn hoàn, thở Oxy, tiêm tĩnh mạch, thay băng vết thương, đặt sonde tiểu. Sau hai vòng thi sẽ tiếp tục chọn ra15 thí sinh có số điểm cao nhất bước vào vòng 3 thi Chung kết “Giao tiếp ứng xử” diễn ra vào ngày 27/04/2021 sắp tới. Các phần thi đều được chuẩn bị chu đáo, công phu từ khâu tổ chức, triển khai thi nghiêm túc. Thông qua Hội thi, mỗi thí sinh tự củng cố, hoàn thiện thêm về kiến thức và kỹ năng tay nghề cho mình, đồng thời nâng cao tinh thần học hỏi thi đua. Trong mỗi phần thi các thí sinh đều rất bình tĩnh, tự tin, thể hiện tình yêu nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm với công việc. Hội thi mang lại nhiều kiến thức bổ ích, lý thú cho các thí sinh và thiết thực cho công tác chuyên môn. Đây cũng là dịp để các Điều dưỡng, kỹ thuật viên thi đua học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, học hỏi các cách xử lý, giải quyết tình huống thường xảy ra trong công việc để từ đó ngày một giỏi hơn, chuyên nghiệp hơn trong thực hiện kỹ năng chăm sóc và giao tiếp, ứng xử với người bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, hướng tới sự hài lòng người bệnh.

Xem Thêm

Hội nghị sơ kết công tác Bệnh viện Quý I năm 2021 và triển khai nhiệm vụ Quý II năm 2021
Thứ Hai 26/04/2021 16:34:34
Chiều ngày 22/04/2021, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức Hội nghị: “ Sơ kết công tác Bệnh viện quý 1 năm 2021 và triển khai nhiệm vụ quý 2 năm 2021”. Tham dự Hội nghị có BCH Đảng Ủy Bệnh viện, Ban giám đốc, BCH Công đoàn, Đoàn thanh niên, Trưởng phó các khoa phòng, cùng tập thể cán bộ, viên chức, nhân viên y tế trong toàn bệnh viện. Tại Hội nghị BSCKII. Lê Hoàng Tú -Phó Giám đốc Bệnh viện đã báo cáo “Đánh giá  công tác 3 tháng đầu năm và phương hướng hoạt động 9 tháng cuối năm 2021”  của bệnh viện. Trong 3 tháng đầu năm 2021, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã  hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Ban Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo tập thể cán bộ, viên chức, nhân viên y tế phấn đấu đảm bảo mục tiêu kép, vừa phát triển công tác chuyên môn, vừa phát triển dịch vụ y tế và luôn chủ động trong công tác phòng chống dịch. BSCKII. Lê Hoàng Tú -Phó Giám đốc Bệnh viện báo cáo tại Hội nghị. Hội nghị cũng nghe Báo cáo công tác tài chính Quý I do Cử nhân Nguyễn Thị Thu Thảo – Trưởng Phòng Tài chính kế toán trình bày. Tham gia với Hội nghị là 4 tham luận: “Công tác phẫu thuật theo yêu cầu” đến từ Ths.Bs. Nguyễn Mạnh Tiến - Khoa Chấn thương chỉnh hình và “Xây dựng văn hoá chất lượng nâng cao thương hiệu Bệnh viện” được chia sẻ bởi BSNT. Nguyễn Thu Hằng - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng. Với tham luận “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh” trình bày bởi Cử nhân Nguyễn Văn Tuấn - Phụ trách Phòng Công nghệ thông tin và tham luận “Thay đổi để hiệu quả hơn trong công tác khám chữa bệnh BHYT” đến từ BSCKI. Hoàng Thị Út Trang - Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp. Phát biểu kết luận Hội nghị, BSCKII. Đào Thiện Tiến - Giám đốc Bệnh viện đã biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ của các Khoa, Phòng, và của toàn thể viên chức, người lao động của Bệnh viện trong 3 tháng đầu năm 2021. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên bệnh viện vẫn duy trì tốt các hoạt động chuyên môn, các kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn của bệnh viện, đảm bảo đúng tiến độ chỉ tiêu đã đề ra theo kế hoạch. Về triển khai nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2021, Giám đốc Bệnh viện yêu cầu các Khoa, Phòng tiếp tục thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo kế hoạch; thường xuyên rà soát, bổ sung những nhiệm vụ phát sinh để tập trung giải quyết tháo gỡ. Bên cạnh đó, cần tăng cường, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Tích cực triển khai các dịch vụ y tế theo yêu cầu, đảm bảo bệnh viện an toàn  phòng chống dịch bệnh, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý kinh tế trong y tế, đôn đốc kiểm tra giám sát xây dựng,…

Xem Thêm

Tập huấn công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, công tác xét nghiệm Covid-19, Dược lâm sàng, Dinh dưỡng lâm sàng và công tác Quản lý chất lượng bệnh viện
Thứ Hai 12/04/2021 14:36:42
Nhằm tăng cường đào tạo, hướng dẫn, nâng cao kiến thức cho các Bác sĩ trong Bệnh viện. Từ ngày 7/04 - 08/04 Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức tập huấn về công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, công tác xét nghiệm Covid-19, Dược lâm sàng, Dinh dưỡng lâm sàng và công tác Quản lý chất lượng bệnh viện cho các bác sĩ trong toàn Bệnh viện. Tham dự có Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và gần 200 học viên là các Bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện.   Toàn cảnh lớp tập huấn công tác chuyên môn Phát biểu mở đầu lớp tập huấn, BSCKII.Trần Ngọc Cường yêu cầu các học viên phải luôn nâng cao thái độ học tập, không ngừng học hỏi, tiếp thu kiến thức chuyên môn để nhanh chóng cập nhật tại khoa phòng mình làm việc, nhằm thực hiện tốt thông tư, góp phần thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, đảm bảo tốt hơn chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tại lớp tập huấn, các báo cáo viên đã lần lượt chia sẻ các nội dung: Cập nhật hướng dẫn Thông tư 18 về công tác dinh dưỡng tiết chế trong Bệnh viện –Bs Nguyễn Thu Hương, Khoa Dinh dưỡng. Chỉ định và cung cấp suất ăn bệnh lý – Bs Vũ Thị Lan Anh, Khoa Dinh dưỡng. Công tác khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế - BSCKI.Hoàng Thị Út Trang, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp. Quy trình thông tin thuốc và thực trạng thông tin thuốc tại các khoa lâm sàng trong Bệnh viện - Ds Đặng Bảo Tuấn, Khoa Dược. Công tác Quản lý chất lượng Bệnh viện và an toàn người bệnh – BSNT.Nguyễn Thu Hằng – Trưởng phòng Quản lý chất lượng. Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, đóng gói, vận chuyển bệnh phẩm xét nghiệm Realtime RT PCR Covid-19 – BSCKII.Trần Lệ Tiến, Trưởng khoa Vi sinh.   Cũng tại buổi tập huấn, lãnh đạo bệnh viện đã tham gia trao đổi, thảo luận cùng các bác sĩ về một số nội dung: Phản ứng của các loại thuốc, hướng dẫn kê khai, thanh toán chi phí thuốc, các chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng liên quan đến hoạt động động khám bệnh, chữa bệnh BHYT; … Kết thúc buổi tập huấn, tất cả những câu hỏi thắc mắc của đội ngũ Bác sĩ đều được ban lãnh đạo giải đáp cụ thể, chi tiết. Qua đó, giúp cho đội ngũ Bác sỹ trong Bệnh viện cập nhật các kiến thức mới giúp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân và hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Xem Thêm

Lễ ra quân công tác luân phiên cán bộ năm 2021
Thứ Ba 19/01/2021 14:42:24
Thực hiện Quyết định số 1816/QĐ- BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế về việc phê duyệt đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”, căn cứ Kế hoạch số 67/KH-SYT ngày 08/8/2008 của Sở Y tế Hà Nội, Chiều ngày 14 tháng 1 năm 2021, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, một bệnh viện Đa khoa lớn- bệnh viện hạng I của Thủ đô Hà Nội đã tổ chức lễ ra quân Cử cán bộ chuyên môn luân phiên hỗ trợ tuyến dưới năm 2021. Tới tham dự buổi lễ có: BSCKII.Lê Hoàng Tú – Phó Giám đốc Bệnh viện, Phòng Chỉ đạo tuyến và các cán bộ tham gia đề án 1816. Với tầm quan trọng của đề án 1816, Bệnh viện đa khoa Hà Đông ra quân lần này cử 14 bác sĩ chuyên ngành ngoại tiết niệu, chấn thương, ngoại tiêu hóa, gây mê hồi sức, phụ sản, nội tiết. Đây là những bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm về đào tạo và thực hành, có đủ trình độ hướng dẫn kỹ thuật thành thạo theo phương thức chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn cán bộ y tế tại chỗ cho tuyến dưới: Bệnh viện đa khoa Chương Mỹ, Thoanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức, Trung tâm y tế Mỹ Đức. Tại buổi lễ, BSCKII.Lê Hoàng Tú – Phó Giám đốc Bệnh viện phát biểu: “Trong những năm qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông luôn là một bệnh viện đi đầu trong việc thực hiện cử cán bộ về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, khẳng định sự sẵn sàng, nhiệt tình với trách nhiệm cao của các đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức bệnh viện, đã trở thành truyền thống cao đẹp của bệnh viện”. BSCKII. Lê Hoàng Tú Phó giám đốc Bệnh viện trao quyết định cho các cán bộ được cử đi luân phiên đợt này Quyết định số 1816/QĐ-BYT thực sự là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng cao, đồng thời giảm bớt quá tải tại các bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế tuyến dưới, từng bước tạo sự công bằng trong tiếp cận các dịch vụ y tế của mọi người dân.  

Xem Thêm

Bệnh viện đa khoa Hà Đông tích cực, chủ động trong công tác phòng chống rét cho bệnh nhân trong mùa lạnh
Thứ Sáu 15/01/2021 08:41:30
Trong những ngày đầu năm 2021, thời tiết thay đổi liên tục, lạnh giá kéo dài hàng tuần, nền nhiệt độ nhanh chóng giảm xuống khá thấp, đặc biệt những ngày gần đây thời tiết chuyển sang rét đậm, rét hại vào khoảng 10-11độ C... diễn biến thất thường làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, gây ra nhiều căn bệnh thường gặp trong mùa lạnh, từ đó bệnh viện tăng nhanh số bệnh nhân nhập viện, nhất là người già và trẻ em. Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, để đảm bảo việc phòng chống rét cho người bệnh, người nhà người bệnh khám, chữa bệnh ngay từ đầu mùa bệnh viện đa khoa Hà Đông đã chuẩn bị đầy đủ các vật dụng, phương tiện chống rét; tại nơi xếp hàng chờ tiếp đón, chờ khám, siêu âm, xét nghiệm…đều kín gió; các phòng khám, buồng điều trị đều bố trí đủ quạt sưởi, đủ chăn đệm. Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, giường bệnh, chuẩn bị các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các bệnh dễ xảy ra như: tim mạch, huyết áp, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp, viêm đường hô hấp do virus… Trong thời tiết giá rét kéo dài bất thường, bên cạnh việc chuẩn bị các phương án đối phó với dịch bệnh, bệnh viện đa khoa Hà Đông luôn đảm bảo công tác phòng chống rét cho người bệnh, đồng thời tuyên truyền các biện pháp giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh, nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh, đặc biệt là bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona hiện nay. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khuyến cáo: với những đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống rất thấp đặc biệt vào ban đêm và sáng sớm; việc giữ sức khỏe là rất cần thiết, nhất là với đối tượng người già và trẻ em. Mọi người cần lưu ý luôn giữ ấm cho cơ thể khi trời trở lạnh, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để giữ gìn sức khỏe để có đủ điều kiện chống chọi với thời tiết lạnh khắc nghiệt. Nếu dùng điều hòa giữ nhiệt độ, chỉ nên để nhiệt độ từ 20-25 độ C, để khi ra khỏi phòng, sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà không quá cao. Khi dùng quạt sưởi, cảnh giác với những tai nạn do bỏng trong khi sưởi lửa, sưởi điện; tuyệt đối không dùng than để sưởi trong phòng kín thiếu khí gây ngạt, nguy hiểm đến tính mạng. Một số hình ảnh trong công tác phòng chống rét tại BVĐK Hà Đông:  

Xem Thêm

Bệnh viện đa khoa Hà Đông công bố Quyết định thành lập các Khoa Phòng
Thứ Tư 06/01/2021 10:34:00
Với mong muốn mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động, đồng thời được sự chấp thuận của Sở y tế. Sáng ngày 33/12/2020, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã long trọng tổ chức buổi Lễ công bố quyết định thành lập các Khoa/Phòng: Phòng Công tác xã hội Khoa Ngoại tiêu hóa Khoa Nội tiết Khoa Ung bướu Khoa Ngoại thần kinh lồng ngực. Tham dự buổi lễ có BSCKII. Đào Thiện Tiến – Bí thư đảng ủy - Giám đốc Bệnh viện; BSCKII.Trần Ngọc Cường – Phó Giám đốc BV; BSCKII.Lê Hoàng Tú – Phó Giám đốc BV; BSCKII.Cao Đức Chinh – Phó Giám đốc BV; cùng các đồng chí Trưởng/phó các khoa, phòng trong bệnh viện. Mở đầu buổi lễ, BSCKII.Cao Đức Chinh – Phó Giám đốc BV –  Trưởng phòng TCCB, công bố Quyết định của Giám đốc bệnh viện thành lập Khoa/Phòng. Tiếp theo Ban Giám đốc bệnh viện trao hoa và Quyết định thành lập cho các Khoa Phòng. Tại buổi lễ, BSCKII Đào Thiện Tiến – Bí thư Đảng Ủy, Giám đốc Bệnh viện đã gửi lời chúc mừng và giao nhiệm vụ cho Khoa/Phòng mới thành lập, đồng thời mong muốn cán bộ lãnh đạo và tập thể các Khoa/Phòng sẽ cố gắng phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chung tay chung sức tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Bệnh viện ngày càng phát triển, lớn mạnh. Đại diện cho các Khoa/Phòng được thành lập, BSCKII.Trương Bích Thủy  – TK Ung Bướu phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện. BSCKII.Trương Bích Thủy trân trọng cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng, sự ủng hộ Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện. Đồng thời xin hứa sẽ dành hết tâm huyết, nghị lực và trí tuệ với tinh thần trách nhiệm cao vào mục tiêu phát triển Bệnh viện, góp phần xây dựng Bệnh viện đa khoa Hà Đông ngày một phát triển hơn.  

Xem Thêm

Họp hội đồng người bệnh cấp bệnh viện – Phát huy quyền làm chủ của người bệnh và người nhà bệnh nhân
Thứ Hai 21/12/2020 16:17:25
Họp hội đồng người bệnh là một hình thức tiếp nhận ý kiến đóng góp của người bệnh, người nhà bệnh nhân trong quá trình khám, điều trị tại bệnh viện, điều này nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của khách hàng. Ý thức được tầm quan trọng đó, họp hội đồng người bệnh đã trở thành một hoạt động quan trọng được tổ chức thường quy tại Bệnh viện. Tuần qua, tại hội trường Bệnh viện đa khoa Hà Đông, phòng Điều dưỡng của Bệnh viện đã tổ chức cuộc họp hội đồng người bệnh cấp bệnh viện với sự tham gia của 35 người bệnh, người nhà người bệnh đại diện cho hội đồng người bệnh đang điều trị nội trú tại các khoa. Mở đầu cuộc họp, Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Tất Thắng, phó phòng Điều dưỡng phát biểu mong rằng cuộc họp hội đồng người bệnh sẽ đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để ban lãnh đạo bệnh viện có thêm những thông tin về nhu cầu cũng như mong muốn của người bệnh đối với bệnh viện, những tồn tại bệnh viện cần chấn chỉnh kịp thời để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc và phục vụ sức khỏe nhân dân. Tiếp đó, Điều dưỡng Nguyễn Tất Thắng bắt đầu cuộc họp thông qua phần giới thiệu đôi nét về lịch sử hình thành và phát triển của Bệnh viện đa khoa Hà Đông, các dịch vụ kĩ thuật mũi nhọn, chuyên sâu của Bệnh viện, các ca bệnh đặc biệt mà các y bác sĩ của bệnh viện đã điều trị thành công, dịch vụ khám chữa bệnh tự nguyện với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và máy móc kĩ thuật tiên tiến, các hoạt động chăm sóc người bệnh tiêu biểu, một số hình ảnh về hoạt động an sinh, giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn như: phát cháo từ thiện, thăm hỏi tặng quà, … Bên cạnh đó, trong trạng thái “bình thường mới” hiện nay, Cử nhân Nguyễn Tất Thắng đã phổ biến quy định, trách nhiệm phòng chống dịch bệnh Covid-19 đến toàn thể cuộc họp, đặc biệt là việc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế. Đó là: thực hiện việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, khử khuẩn, vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách với nhau, không tụ tập đông người, thực hiện khai báo y tế, đồng thời kêu gọi mọi người hay tuân thủ thật tốt những quy định trên để chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19 Cuộc họp đã nhận được tất cả 12 ý kiến đóng góp đến từ các bệnh nhân/ người nhà bệnh nhân từ các khoa Nội tiết, Y học cổ truyền, Răng Hàm Mặt, Chấn thương, Nội thận tiết niệu, nội tổng hợp… Trong đó, hầu hết là các ý kiến ghi nhận tinh thần, thái độ phục vụ của các bác sĩ, điều dưỡng hết sức ân cần, chu đáo, dặn dò người bệnh và người nhà trong quá trình điều trị. Đồng thời giải thích tận tình về mặt chuyên môn, phác đồ điều trị, liều lượng sử dụng thuốc để người bệnh/thân nhân nắm rõ hơn về mặt bệnh, cách sử dụng thuốc hiệu quả để phát huy tốt nhất tác dụng, đảm bảo chất lượng điều trị bệnh. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đóng góp cho rằng, buồng bệnh còn cách xa nhà vệ sinh nên một số bệnh nhân gặp khó đi lại nên thấy khá bất tiện, bệnh viện đang trong quá trình xây dựng, tu sửa lại nên còn bị tiếng ồn, bụi... Điều dưỡng Nguyễn Thị Trang, phòng Điều dưỡng đã ghi chép lại toàn bộ những ý kiến đóng góp xây dựng trong cuộc họp, đồng thời cảm ơn và ghi nhận những ý kiến của người bệnh và người nhà người bệnh đã đóng góp ý kiến thiết thực cho bệnh viện đa khoa Hà Đông. Họp hội đồng người bệnh là một trong những hoạt động thể hiện rõ phương châm mà Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã đề ra “Sự hài lòng của người bệnh là uy tín của chúng tôi”. Chính những sự phản hồi của người bệnh sẽ giúp bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc và phục vụ sức khỏe nhân dân. Dưới đây là một số hình ảnh tại cuộc họp hội đồng người bệnh:    

Xem Thêm

Tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ năm 2020 tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông
Thứ Sáu 23/10/2020 04:57:20
Nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm và thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) cho cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện, ngày 16-10, Bệnh viện đa khoa Hà Đông phối hợp với Đội cảnh sát (PCCC) - Công an Thành phố Hà Nội tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác PCCC và CNCH tại đơn vị. Tham gia giảng dạy có đồng chí Trung úy Lê Văn Biển- Báo cáo viên Phòng PC 07 – Công an Thành phố Hà Nội cùng cán bộ Đội PCCC. Tại buổi tập huấn, 150 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã được Cán bộ đội cảnh sát PCCC công an Thành phố Hà Nội cung cấp thông tin về một số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên địa bàn Thành phố và trong cả nước trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, giảng viên đã trang bị những kiến thức cơ bản về công tác PCCC như: một số văn bản quy phạm pháp luật về PCCC; Thực hành các động tác sơ cấp cứu, đưa người bị nạn ra khỏi đám cháy cũng như quy trình xử lý vụ cháy; nguyên nhân gây ra cháy nổ và một số biện pháp PCCC cơ bản tại cơ sở y tế; thực tập phương án chữa cháy tại đơn vị; hướng dẫn cách bảo quản, sử dụng các phương tiện PCCC... Trong khuôn khổ tập huấn, cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã được hướng dẫn sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ, những kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng cứu nạn, biện pháp chữa cháy khi tình huống xấu xảy ra. Sau phần phổ biến lý thuyết, dưới sự hướng dẫn thực hành của Cán bộ đội PCCC công an Thành phố Hà Nội, các cán bộ, nhân viên y tế đã thực hành cách sử dụng các loại bình chữa cháy thông dụng như bình bột, bình CO2 để dập tắt đám cháy giả định, cách báo động và xử lý nhanh các tình huống cháy có thể xảy ra để đảm bảo an toàn tính mạng. Trước tình hình nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản có chiều hướng ngày càng gia tăng, cùng với các hoạt động nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, Ban lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hà Đông đặc biệt quan tâm tới việc đảm bảo an ninh, trật tự, đặc biệt là trong công tác PCCC và CNCH để chủ động ứng phó khi sự cố cháy nổ xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh và người nhà cũng như cho nhân viên và tài sản trang thiết bị y tế bệnh viện. Do đó, việc tổ chức tập huấn công tác PCCC là hoạt động định kỳ của Bệnh viện đa khoa Hà Đông nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm và kỹ năng trong hoạt động PCCC cho cán bộ, nhân viên y tế. Qua đó chủ động trong công tác PCCC, hạn chế nguy cơ tiềm ẩn, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống cháy nổ tại Bệnh viện cũng như tại gia đình. Một số hình ảnh tại buổi tập huấn PCCC &CNCH:   

Xem Thêm

Tập huấn Điều tra cắt ngang nhiễm khuẩn Bệnh viện năm 2020
Thứ Sáu 11/09/2020 00:03:08
Hiện nay, nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) đang là vấn đề thách thức chất lượng khám chữa bệnh của mỗi bệnh viện. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tại các nước phát triển, 5% tới 10% bệnh nhân nhập viện mắc ít nhất một loại NKBV. Tỷ lệ này ở những nước đang phát triển cao gấp 2 - 20 lần so với những nước phát triển. NKBV làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tử vong, kéo dài ngày nằm điều trị và tăng chi phí điều trị. NKBV không những gây hậu quả nặng nề về mặt lâm sàng, kinh tế mà còn là nguyên nhân làm xuất hiện những chủng vi khuẩn đa kháng thuốc. Tình trạng lạm dụng kháng sinh phổ biến ở những nước đang phát triển cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm mức độ kháng thuốc của các chủng vi khuẩn bệnh viện. Căn cứ vào Thông tư số 16/2018/TT-BYT ngày 20/07/2018 Hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nhằm cập nhật những thông tin liên quan tới phòng ngừa chuẩn và kỹ năng điều tra cắt ngang nhiễm khuẩn bệnh viện; Sáng ngày 08/09/2020, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức tập huấn “Điều tra cắt ngang nhiễm khuẩn Bệnh viện năm 2020” cho gần 100 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên kiểm soát nhiễm khuẩn tại các đơn vị trong bệnh viện. Việc kiểm soát và dự phòng nhiễm khuẩn bệnh viện hiệu quả là một tiêu chí quan trọng nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện. Tại lớp tập huấn các học viên đã nghe Ths.Bs.Nguyễn Xuân Thiêm – Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn trao đổi về các phương pháp điều tra cắt ngang nhiễm khuẩn bệnh viện với những nội dung cơ bản như: Khái niệm cơ bản về điều tra cắt ngang NKBV; Các bước tiến hành điều tra cắt ngang NKBV; Hướng dẫn thu thập và hoàn thiện phiếu điều tra cắt ngang NKBV năm 2020. NKBV là những nhiễm khuẩn xảy ra trong thời gian bệnh nhân nằm điều trị trong bệnh viện do chăm sóc và điều trị không đảm bảo vô khuẩn, môi trường không đảm bảo vệ sinh và công tác thực hành cách ly không được áp dụng triệt để. Nhiễm khuẩn bệnh viện thường xuất hiện sau 48 giờ nhập viện và không hiện diện cũng như không ở giai đoạn ủ bệnh tại thời điểm nhập viện. Nhiễm khuẩn vết mổ được coi là NKBV nếu xuất hiện trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật hoặc trong vòng 1 năm đối với những phẫu thuật có cấy ghép. Có 2 phương pháp điều tra NKBV đó là: điều tra cắt ngang và điều tra tiến cứu. Mục tiêu của điều tra cắt ngang nhằm xác định tỷ lệ NKBV hiện mắc (prevalence), là tần suất xuất hiện các NKBV tại thời điểm điều tra… Đây cũng là cơ hội để các học viên được trao đổi, thực hành công tác phòng ngừa và giám sát nhiễm khuẩn tại bệnh viện phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, nâng cao chất lượng phục vụ chăm sóc sức khỏe người bệnh và góp phần tạo môi trường bệnh viện sạch, an toàn. Một số hình ảnh tại buổi tập huấn:

Xem Thêm

Tập huấn phòng chống dịch Covid-19: Sử dụng máy thở; Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, đóng gói vận chuyển mẫu bệnh phẩm xét nghiệm Real Time RT PCR COVID-19
Thứ Sáu 14/08/2020 07:29:27
Với mục đích nâng cao nhận thức về dịch bệnh, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế thấp nhất khả năng lây bệnh cho bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện, đặc biệt không để xảy ra trường hợp nhân viên y tế bị lây nhiễm trong quá trình chăm sóc và điều trị cho người bệnh, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, nhân viên trong bệnh viện về dịch bệnh Covid-19 với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, cập nhật diễn biến dịch bệnh… Ngày 11/08/2020 Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức lớp tập huấn phòng chống dịch Covid-19 cho toàn bộ nhân viên Y tế trong đội tăng cường dự phòng chống dịch Covid-19 của bệnh viện. Buổi tập huấn, học viên được cập nhật các kiến thức bao gồm: Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, đóng gói, vận chuyển bệnh phẩm xét nghiệm Real Time RT PCR COVID-19 của BSCKII.Trần Lệ Tiến – Trưởng khoa Vi sinh; Thông khí nhân tạo xâm nhập và Thông khí nhân tạo không xâm nhập dưới sự trình bày của BSCKII.Đoàn Bình Tĩnh – Trưởng khoa Hồi sức tích cực. BSCKII.Lê Hoàng Tú - Phó giám đốc Bệnh viện phát biểu tại buổi tập huấn Phát biểu khai mạc lớp tập huấn BSCKII.Lê Hoàng Tú - Phó giám đốc Bệnh viện đã cung cấp thông tin về tình hình diễn biễn phức tạp của đại dịch Covid-19 đồng thời, nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch đặc biệt quan trọng, cần sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các đơn vị khoa, phòng, nhân viên Bệnh viện nêu cao tinh thần khẩn trương và quyết tâm của cán bộ y tế bệnh viện trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tại buổi tập huấn, BSCKII.Trần Lệ Tiến – Trưởng khoa Vi sinh đã đề cập nội dung trong “Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, đóng gói, vận chuyển bệnh phẩm xét nghiệm Real Time RT PCR COVID-19”, trong đó nội dung tập huấn cũng đề cập đến các lưu ý phải đảm bảo an toàn sinh học như: Trang phục bảo hộ cá nhân (BHCN) được cho vào túi ni lông chuyên dụng cùng với các dụng cụ bẩn, phải được buộc chặt và sấy ướt ở nhiệt độ 120°C/30 phút hoặc đốt tại lò đốt rác. Rửa tay xà phòng và tẩy trùng bằng chloramine 0,1% toàn bộ dụng cụ và khu vực lấy mẫu, phích lạnh dùng cho vận chuyển mẫu. Tránh làm hỏng, mất mẫu, không làm nhiễm các mẫu với nhau, tránh phơi nhiễm người với mẫu và tránh lây nhiễm ra môi trường xung quanh. Các giấy tờ về mẫu (phiếu yêu cầu xét nghiệm, phiếu điều tra ca mắc covid…) không để tiếp xúc với bệnh phẩm. Lựa chọn đường vận chuyển mẫu, thuận tiện và an toàn cho các khu vực khác (khu vực tập trung bệnh nhân, khu hành chính…). Người lấy mẫu biết sử lý sự cố tràn đổ mẫu bệnh phẩm. Khử trùng hộp đựng mẫu lớp thứ hai hoặc thứ 3 trước khi tái sử dụng. BSCKII.Trần Lệ Tiến – Trưởng khoa Vi sinh trình bày về chuyên đề “Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, đóng gói, vận chuyển bệnh phẩm xét nghiệm Real Time RT PCR COVID-19” Tiếp theo buổi tập huấn, BSCKII.Đoàn Bình Tĩnh – Trưởng khoa Hồi sức tích cực tập huấn về nội dung “Thông khí nhân tạo xâm nhập và Thông khí nhân tạo không xâm nhập” . Về Thông khí nhân tạo xâm nhập là thông khí nhân tạo qua nội khí quản(NKQ) và mở khí quản và thông khí nhân tạo xâm nhập qua nội khí quản vẫn là biện pháp hỗ trợ hô hấp cơ bản nhất cho các trường hợp suy hô hấp nặng. Mục tiêu của thông khí nhân tạo xâm nhập là: Đảm bảo thay thế chức năng của phổi; PaO2, aCO2, PH phải thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý, từng chỉ định thở máy; Hạn chế các biến chứng thở máy: Biến chứng liên quan đến chăm sóc như tắc ống, tuột ống , xẹp phổi, viêm phổi, tắc tĩnh mạch sâu, loé…Biến chứng do đặt các thông số không phù hợp như chấn thương áp lực, tụt huyết áp…tiếp đến BSCKII.Đoàn Bình Tĩnh có đề cấp đến nội dung về chỉ định, chống chỉ định một số phương thức thông khí, các chế độ thở, các biến của nhịp thở. Theo đó, Thông khí nhân tạo không xâm nhập: Được dùng để chỉ các hình thức thông khí nhân tạo qua mặt nạ hoặc các dụng cụ tương tự mà không qua nội khí quản. Thông khí nhân tạo không xâm nhập không áp dụng trên bệnh nhân hôn mê, nó chỉ hiệu quả khi bệnh nhân tỉnh hợp tác tốt với máy thở. Qua đó, những trường hợp áp dụng thông khí nhân tạo không xâm nhập là: Nguy cơ suy hô hấp do mệt cơ mà có thể hồi phục trong 24 – 48h; Suy hô hấp ở mức độ vừa và nhẹ: Đợt cấp của COPD, hen phế quản cấp, phù phổi cấp huyết động, ARDS, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, phù nề thanh môn sau rút ống NKQ; Trong cai thở máy có thể rút ống NKQ sớm và dùng phương pháp thông khí không xâm nhập; Trong suy hô hấp mãn tính, hộ chứng ngừng thở khi ngủ. Và ngược lại những trường hợp không áp dụng thông khí nhân tạo không xâm nhập là: Suy hô hấp nguy kịch; Có chấn thương hay biến dạng ở mặt; Ngừng thở; Tăng tiết đờm, ho khạc kém; Rối loạn nhịp tim, rối loạn huyết động; Tắc nghẽn đường hô hấp trên; Bệnh nhân không hợp tác, hôn mê, không tự bảo vệ đường thở được.   BSCKII.Đoàn Bình Tĩnh – Trưởng khoa Hồi sức tích cực trình bày chuyên đề “Thông khí nhân tạo xâm nhập và Thông khí nhân tạo không xâm nhập” Kết thúc buổi tập huấn, BSCKII.Lê Hoàng Tú nhận định buổi tập huấn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên với công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tăng cường kiến thức, kỹ năng, khả năng phản ứng nhanh với tình huống có thể xảy ra, không để dịch lây lan rộng, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, đồng thời góp phần mang lại môi trường bệnh viện an toàn, không để cán bộ, công nhân viên hoang mang, lo sợ trước tình hình diễn biến của dịch bệnh, … từ đó triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh tại Bệnh viện.

Xem Thêm

DANH MỤC TIN