Tập huấn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue
Thứ Năm 24/11/2022 08:49:08
Hiện nay, sốt xuất huyết (SXH) Dengue đang diễn biến phức tạp và nguy hiểm với nhiều trường hợp nặng, thậm chí là tử vong. Nhằm tăng cường công tác chẩn đoán, chăm sóc, điều trị và phát hiện sớm các trường hợp nặng và giảm tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết Dengue. Chiều ngày 22/11/2022, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tổ chức tập huấn về công tác "chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue". Tham dự buổi tập huấn có BSCKII Lê Hoàng Tú - Phó Giám đốc bệnh viện cùng với các bác sĩ, điều dưỡng trong bệnh viện. BSCKII Trần Kim Anh - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới trình bày tại buổi tập huấn Tại buổi tập huấn BSCKII Trần Kim Anh - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới đã trình bày các nội dung về Đặc điểm dịch tễ bệnh SXH Dengue; Lâm sàng, cận lâm sàng và chẩn đoán bệnh SXH Dengue;  Điều trị và một số kinh nghiệm điều trị bệnh SXH Dengue. Theo đó, Muỗi Aedes aegypti là vector truyền bệnh chính. Bệnh xảy ra nhiều nhất ở khu vực đô thị nhưng hiện nay xuất hiện nhiều ở nông thôn. Dịch xuất hiện có tính chất chu kỳ. Dengue thuộc giống Flavivirus và thuộc họ Flaviviridae. ARN sợi đơn, 4 types huyết thanh: D1, D2, D3 và D4; Vector: Vi rút Dengue lây truyền từ người sang người do muỗi truyền, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Vật chủ: Vi rút Dengue gây nhiễm sang người và một số loài động vật linh trưởng nhưng người là vật chủ chính. Sinh sản tại các dụng cụ chứa nước như vật chứa nước ăn, trồng cây cảnh, vật chứa nước mưa, lốp xe,…Hoạt động ban ngày, cả trong nhà và ngoài trời, không bay xa, chủ yếu trong vòng 100m. Bệnh SXH Dengue được chia làm 3 mức độ: Sốt xuất huyết Dengue; Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo; Sốt xuất huyết Dengue nặng. Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue và hay bùng phát thành các đợt dịch lớn. Giai đoạn nguy hiểm của bệnh thường từ ngày thứ tư trở đi. Khi dịch xảy ra phải tổ chức tập huấn lại kiếm thức điều trị sốt xuất huyết Dengue cho nhân viên y tế (kể cacr bác sĩ và điều dưỡng) để hiểu rõ về: Biểu hiện và diễn biến lâm sàng; Sinh lý bệnh; Biến chứng và theo dõi; Các chỉ định truyền dịch và các chế phẩm máu... Buổi tập huấn đã cung cấp những kiến thức cơ bản về công tác chẩn đoán, phân loại, xử trí bệnh sốt xuất huyết khi có dấu hiệu cảnh báo, phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn, chỉ đạo mới nhất của Bộ Y tế. Thông qua buổi tập huấn, bác sĩ Trần Kim Anh cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm xử trí các trường hợp nặng có biến chứng như sốc, xuất huyết tiêu hóa, suy đa tạng… đã giúp các bác sĩ, điều dưỡng trang bị, bổ sung nhiều kiến thức mới trong công tác chẩn đoán, điều trị, nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời từ dấu hiệu cảnh báo của bệnh, góp phần điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Một số hình ảnh tại buổi tập huấn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue:  

Xem Thêm

BVĐK Hà Đông tổ chức họp Hội đồng người bệnh cấp Bệnh viện tháng 11 năm 2022
Thứ Năm 24/11/2022 07:57:20
Sáng ngày 23/11/2022, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức họp hội đồng người bệnh tháng 11/2022. Hoạt động này thường xuyên được Bệnh viện tổ chức định kỳ hàng tháng để Bệnh viện lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Quý bệnh nhân và người thân trong hoạt động khám chữa bệnh điều trị và chăm sóc người bệnh. Điều này thúc đẩy phát huy được quyền làm chủ của người bệnh. Buổi họp có sự tham gia của Ts Bs Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc bệnh viện, BS Lan Anh khoa Dinh dưỡng, cùng với đại diện người bệnh, người nhà người bệnh tại toàn khoa trong bệnh viện.Trong buổi họp Cử nhân Điều dưỡng Nguyễn Tất Thắng - Phó Trưởng phòng Điều dưỡng đã giới thiệu tóm tắt về quá trình hình thành và lịch sử phát triển của Bệnh viện, nhân lực cũng như các dịch vụ kĩ thuật mũi nhọn, chuyên sâu của Bệnh viện, dịch vụ khám chữa bệnh với đội ngũ Bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm và máy móc kĩ thuật tiên tiến; CN Thắng cũng đã phổ biến nội quy buồng bệnh cũng như những quy định về quyền lợi, nghĩa vụ của người bệnh và gia đình người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện. Sau những chia sẻ của CN Thắng là phần khảo sát sự hài lòng của người bệnh và giải đáp những thắc mắc khó khăn trong quá trình vào viện, thăm khám, chăm sóc điều trị tại các khoa phòng. Đây là phần luôn diễn ra sôi nổi và hào hứng trong các cuộc họp hội đồng người bệnh. Rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực cũng như các khúc mắc, những vấn đề của người bệnh, người nhà người bệnh được đưa ra và đều nhận được sự giải đáp thỏa mãn trong buổi họp. Đa phần các ý kiến đều đánh giá cao tác phong chuyên môn, kỹ năng giao tiếp ứng xử của cán bộ nhân viên y tế tại bệnh viện. Trang thiết bị y tế, khuôn viên khoa phòng sạch sẽ trừ một số các khoa phòng đang xây dựng thì cần được cải thiện hơn. Phần chia sẻ của BS Vũ Lan Anh- Đại diện khoa Dinh dưỡng hướng dẫn, giải thích giúp cho người bệnh, người nhà người bệnh hiểu được tầm quan trọng của những chế độ ăn bệnh lý, suất ăn được khoa Dinh dưỡng lên chế độ. Toàn bộ người bệnh, người nhà người bệnh đều đồng ý nhất trí sẽ thực hiện đúng chế độ ăn được hướng dẫn tại Bệnh viện. Kết thúc buổi họp, Ts Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc bệnh viện đã cảm ơn những ý kiến đóng góp từ phía người bệnh và gia đình người bệnh để từ đó khắc phục những mặt chưa làm được và phát huy những mặt tích cực để đưa Bệnh viện ngày càng phát triển hơn nhằm ngày một nâng cao chất lượng trong khám chữa bệnh tại BV. Cá nhân người bệnh, thân nhân người bệnh cũng chia sẻ đánh giá đây là một hoạt động hữu ích của bệnh viện cần được duy trì và phát huy, là kênh thông tin giúp người bệnh, thân nhân người bệnh phản hồi được những ý kiến tới bệnh viện để nâng cao sự tin tưởng, yên tâm điều trị cho bản thân và người thân trong gia đình! Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi họp:   

Xem Thêm

Những lá thư cảm ơn của người bệnh là minh chứng cho "Sự hài lòng của người bệnh là uy tín của chúng tôi"
Thứ Năm 17/11/2022 09:16:48
Với những người làm ngành y, sứ mệnh to lớn nhất là cống hiến hết mình vì sức khỏe của nhân dân. Niềm hạnh phúc lớn nhất của họ chính là nhận được những tình cảm chân thành, sự sẻ chia của người bệnh và gia đình người bệnh. Người bệnh đến thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông có nhiều hoàn cảnh khác nhau, độ tuổi khác nhau, vị trí xã hội khác nhau, bệnh tật cũng khác nhau, bệnh nặng, bệnh nhẹ đều có. Nhưng họ cùng chung một sự mệt mỏi, khó chịu vì bệnh tật, hay tâm trạng lo lắng, về sức khỏe là tâm lý chung của người bệnh, người nhà người bệnh mà chỉ khi đặt mình vào hoàn cảnh đó chúng ta mới có thể hiểu được, thậm chí còn có những lúc cáu vô cớ với chính người nhà của mình và bác sĩ hay điều dưỡng thăm khám hay tiêm truyền cho mình… Thấu hiểu những chia sẻ, tâm tư của người bệnh, đội ngũ cán bộ nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Hà Đông luôn nỗ lực, không ngừng hoàn thiện về phong cách, thái độ phục vụ cũng như dịch vụ khám chữa bệnh… Để rồi những hy sinh thầm lặng ấy đã "chạm" đến cảm xúc của người bệnh, khi họ được chăm sóc, điều trị tận tình và hồi phục cả về thể chất lẫn tinh thần. Và cứ như thế trong nhiều năm qua những lá thư cảm ơn của người bệnh là minh chứng rõ nét nhất cho tất cả những nỗ lực mà Ban giám đốc, bác sĩ, điều dưỡng. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã và đang từng ngày thực hiện, đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến vì sức khỏe nhân dân. Cụ thể có rất nhiều bệnh nhân sau khi nằm điều trị tại Bệnh viện đã gửi lời cảm ơn đến đội ngũ thầy thuốc áo trắng qua những dòng thư đầy cảm xúc. Có những lá thư viết bằng tay, có những lá thư đánh máy, hay có những lá thư cảm ơn là bài hát hoặc là tin nhắn, cũng có khi lại là những dòng Status trên Facebook của người bệnh… Dưới đây là một số hình ảnh lá thư cảm ơn của người bệnh gửi cảm ơn đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông:  

Xem Thêm

BVĐK HÀ ĐÔNG HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2022
Thứ Ba 15/11/2022 07:53:25
Thực hiện Luật phổ biến giáo dục năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Kế hoạch số 1323/KH-BYT ngày 03/10/2022 của Bộ Y tế về việc Hưởng ứng “Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” năm 2022. Kế hoạch số 4177/KH-SYTvề việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 của Sở Y tế, BVĐK Hà Đông đã ban hành kế hoạch số 187 /KH-BV của BVĐK Hà Đông ngày 29 tháng 9 năm 2022 hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 tại bệnh viện. Năm 2022 là năm thứ 10 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11, nhằm khẳng định, làm sâu sắc thêm mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội. Theo Điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật 2012, ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 09/11 cũng là ngày bản Hiến pháp đầu tiên được thông qua - Hiến pháp 1946.   Từ đó, thông qua hoạt động tổ chức Ngày Pháp luật năm 2022 để tiếp tục tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội; khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đội ngũ nhân viên y tế; làm sâu sắc thêm hiểu biết về nội dung, tinh thần Hiến pháp nước nhà, đảm bảo Ngày Pháp luật thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng, thực hiện các văn bản pháp luật nhằm triển khai thi hành Hiến pháp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh tại địa phương. Hoạt động hưởng ứng “Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” tại Bệnh viện được triển khai trong các buổi giao ban, sinh hoạt, hội nghị tại các khoa/phòng/đơn nguyên trong toàn viện, tập trung giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội: Tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan về ngày Pháp luật Việt Nam qua hệ thống pano, áp phích, băng rôn…Trên các phương tiện truyền thông điện tử như facebook, fanpage, website cũng được Bệnh viện đẩy mạnh loạt các bài tuyên truyền. Cùng với đó, Bệnh viện luôn chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật như tích cực tham gia trong các cuộc thi về pháp luật; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong bệnh viện; Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh… Các nội dung chính sách, quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện. Khẩu hiệu mà BVĐK Hà Đông chọn trong ngày hưởng ứng là “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam”. Đây cũng chính là kim chỉ nam định hướng phong cách, tư tưởng, thái độ và lối sống của toàn thể CBVCNLĐ tại BVĐK Hà Đông. Dưới đây là một số hình ảnh tại BVĐK Hà Đông:  

Xem Thêm

BVĐK Hà Đông: Tổ chức câu lạc bộ Hen phế quản - COPD cho người bệnh nội trú và ngoại trú
Thứ Sáu 11/11/2022 09:53:42
Với mục tiêu cung cấp các kiến thức cũng như cách kiểm soát, phòng tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen phế quản. Giải đáp các câu hỏi thắc mắc về quá trình điều trị bệnh hen, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc điều trị, xịt bình thở… cho các bệnh nhân sử dụng đúng cách đem lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị bệnh. Sáng ngày 05/11/2022, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ hen phế quản - COPD. Tham dự buổi sinh hoạt có BSCKII Lê Hoàng Tú, Phó Giám đốc bệnh, các bác sĩ khoa Khám bệnh cùng 130 bệnh nhân hen đã và đang điều trị tại Bênh viện Đa khoa Hà Đông trong nhiều năm qua. Phát biểu khai mạc, BSCKII Lê Hoàng Tú – Phó Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc quản lý tốt bệnh COPD, phát hiện và điều trị sớm COPD sẽ làm giảm nguy cơ tử vong và những gánh nặng về kinh tế, xã hội khác do COPD mang lại. Tại buổi sinh hoạt, BSCKI Nguyễn Thị Thanh Minh -  khoa Khám bệnh trình bày các nội dung: phòng tráng các yếu tố nguy cơ khởi phát cơn cấp tính hen – COPD; Tránh các yếu tố gây khởi phát cơn Hen. Theo đó, các yếu tố nguy cơ của COPD bao gồm: Do vi khuẩn hoặc virut gây viêm làm tăng tình trạng tắc nghẽn khiến cho bệnh nhân khó thở nặng hơn; Các yếu tố thuộc về môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, các phần tử bụi bẩn trong môi trường; Tình trạng suy dinh dưỡng; Các bệnh phối hợp: Suy tim và một số các bệnh khác như đái tháo đường, tắc mạch phổi...  Đặc biệt bệnh nhân có tăng huyết áp: Khi cơn cao huyết áp sẽ làm khởi phát đợt cấp hoặc đợt cấp nặng lên do đó khi vận động gắng sức quá mức cũng có thể gây nên đợt cấp COPD như:  Gắng sức mức độ nặng: bệnh nhân COPD giai đoạn II hoặc GOLD B (lao động, leo cầu thang, mang vác nặng, đi bộ, chạy…)  Gắng sức mức độ trung bình: bệnh nhân COPD giai đoạn III hoặc GOLD C (lao động, leo cầu thang, mang vác, đi bộ, dọn nhà …)  Gắng sức mức độ nhẹ: bệnh nhân COPD giai đoạn IV hoặc GOLD D (đi lại, vệ sinh cá nhân: tắm, giặt, đi đại tiện…) Thở ôxy quá liều làm tăng CO2 máu trong khi thở ôxy không đủ lại làm bệnh nhân phải gắng sức nhiều, tốn công hô hấp, gây mệt cơ. Thay đổi thời tiết, thời tiết quá nóng, quá lạnh, độ ẩm cao cũng làm tăng tình trạng viêm nhiễm, kích ứng gây co thắt đường hô hấp làm bệnh nhân khó thở nặng thêm Các trạng thái tâm lý có thể đóng góp vào quá trình khởi phát một đợt cấp mới Sử dụng thuốc hợp lý, thận trọng bao gồm cả thở ôxy; tránh các stress về tâm lý và gắng sức quá mức Sử dụng đúng và đủ các phác đồ dùng thuốc trong dự phòng đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.  Luôn mang theo người thuốc giãn phế quản xịt cấp cứu: Khi ra ngoài để vào túi áo, đi ngủ để đầu gường để khi khó thở có thuốc xịt ngay. Tập thở theo bài dành cho người có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; Cải thiện môi trường, tránh ô nhiễm. Cũng tại buổi sinh hoạt, BSCKII Phí Thị Hải Anh - Trưởng khoa Khám bệnh trình bày Hướng dẫn bệnh nhân hen phế quản - COPD sử dụng đúng dụng cụ hít với các nội dung: Tác hại khi sử dụng dụng cu hít không đúng kĩ thuật; Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng đúng cách các loại dụng cụ hít hiện có tại Việt Nam; Hướng dẫn bệnh nhân nhận biết đúng thuốc ngừa cơn và cắt cơn; Hướng dẫn bệnh nhân biết khi nào thuốc hết. Theo bác sĩ Hải Anh việc sử dụng đúng các loại dụng cụ, nhận biết đúng thuốc ngừa cơn và cắt cơn, cũng như nhận biết khi nào hết thuốc vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân hen phế quản - COPD giúp bệnh nhân đạt được hiệu quả tốt trong quá trình điều trị bệnh. Ngược lại nếu không nhận biết đúng sẽ gặp tác dụng phụ hoặc biến chứng khó lường.Kết thúc buổi sinh hoạt câu lạc bộ này, bệnh nhân được nâng cao kiến thức về bệnh hen phế quản - COPD, cải thiện kỹ năng thực hành kiểm soát môi trường sống. Đặc biệt biết xử lý khi cơn hen xuất hiện trong trường hợp vận động gắng sức. Đồng thời biết cách sử dụng đúng cách các dụng cụ hít cũng như nhận biết đúng thuốc ngừa cơn cắt cơn và biết khi nào thuốc hết. Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ hen phế quản – COPD

Xem Thêm

Bệnh viện đa khoa Hà Đông tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết
Thứ Năm 10/11/2022 09:30:48
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, thì sự bùng phát dịch sốt xuất huyết trở thành nỗi lo ngại rất lớn khi các ca mắc liên tục được phát hiện, nguy cơ xảy ra tình trạng dịch chồng dịch là rất hiện hữu. Do đó, để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, bệnh viện đa khoa Hà Đông đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động, với phương châm “phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hiệu quả ca bệnh sốt xuất huyết”. Hà Nội ghi nhận gần 10.000 ca sốt xuất huyết, dự báo dịch vẫn chưa đạt đỉnh. Số ca sốt xuất huyết năm 2022 tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh và tăng vượt mức trung bình giai đoạn 2019-2021. Theo các chuyên gia y tế, với chu kỳ 5 năm, miền Bắc sẽ xảy ra một đợt dịch sốt xuất huyết lớn; dự báo, đỉnh dịch sốt xuất xuyết có thể rơi vào tháng 11 - 12 tới. Trong 2 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Cụ thể, trong tuần 42, Thủ đô ghi nhận 1.420 ca sốt xuất huyết, tuần 43 ghi nhận 1.205 ca. Cộng dồn năm 2022 (đến 30/10) có 9.747 ca mắc, 12 ca tử vong. Số ca mắc năm 2022 tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2021 và tăng 2 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 564/579 xã, phường, thị trấn, với số mắc ghi nhận tại các huyện ngoại thành chiếm 58,1%, nội thành chiếm 41,9%. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân: Đan Phượng (1.057), Thanh Oai (854), Đống Đa (585), Thanh Trì (571), Thường Tín (565), Hà Đông (511). Tuýp virus Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2, DENV4. Tích cực, chủ động ứng phó trong phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Trước tình hình đó, bệnh viện đa khoa Hà Đông đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó chủ động với dịch bệnh sốt xuất huyết và khống chế không để dịch lớn xảy ra. Theo đó, ngay từ đầu năm 2022, bệnh viện đa khoa Hà Đông đã tăng cường giám sát bệnh chủ động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để có biện pháp xử lý, thu dung, điều trị kịp thời, hạn chế ca nặng, chuyển viện. Thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh; phân tích, dự báo xu hướng phát triển của bệnh dịch ở từng ổ dịch để có biện pháp phòng, chống thích hợp. Duy trì hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại tất cả các khoa/phòng; thực hiện xử lý ca bệnh, ổ dịch triệt để. Tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng. Dự trù thuốc điều trị, các trang thiết bị, hóa chất cho các hoạt động phòng, chống dịch và hoạt động điều trị. Từ đó, luôn chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh, ngăn chặn nguồn bệnh ngay từ đầu. Tập huấn chẩn đoán và điều trị bệnh SXH Dengue cho cán bộ, nhân viên y tế Bên cạnh đó, bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức các lớp tập huấn về phác đồ điều trị sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho cán bộ y tế bệnh viện. Thực hiện phương châm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hiệu quả ca bệnh sốt xuất huyết, giảm tỷ lệ ca bệnh nặng và hạn chế tử vong. Đồng thời, tổ chức lồng ghép công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết vào các buổi hợp hội đồng người bệnh để nâng cao ý thức phòng bệnh của người bệnh và người nhà. Vệ sinh môi trường bệnh viện để ngăn chặn môi trường sống của muỗi Song song đó, bệnh viện đa khoa Hà Đông còn đẩy mạnh hoạt động khuyến cáo, hướng dẫn để nâng cao nhận thức cho mọi người trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh mầm bệnh lây lan nhanh. Thạc sỹ Nguyễn Xuân Thiêm – Trưởng khoa KSNK chia sẻ: “Để phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả, chúng tôi luôn tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao ý thức người dân đồng thời tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường bệnh viện; Phối hợp với các khoa/phòng phun hóa chất diệt muỗi, đảm bảo 100% khoa/phòng trong toàn bệnh viện được phun hóa chất”. Phun hóa chất diệt muỗi tại các khoa/phòng trong bệnh viện BSCKII Đào Thiện Tiến, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Theo dự báo, dịch sốt xuất huyết Dengue sẽ diễn biến phức tạp. Thời gian tới, bệnh viện đa khoa Hà Đông tập trung mọi nguồn lực để khống chế dịch sốt xuất huyết, không để dịch bệnh lan rộng; phát hiện sớm ca bệnh và xử lý đúng theo quy trình, hướng dẫn của ngành y tế cấp trên. Khi phát hiện ổ dịch sẽ xử lý diện rộng. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân”. Với sự chuẩn bị chu đáo từ khâu chỉ đạo của ban Giám đốc đến việc thực hiện tăng cường các biện pháp truyền thông, giám sát dịch bệnh, huy động được sự tham gia của toàn bộ nhân viên y tế, người lao động, người bệnh và người nhà trong việc diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy tại nơi ở, làm việc đã góp phần không để bệnh sốt xuất huyết bùng phát thành dịch lớn trong bệnh viện.      

Xem Thêm

BVĐK Hà Đông tổ chức tập huấn chuyên ngành dinh dưỡng cho cán bộ viên chức người lao động trong toàn bệnh viện
Thứ Tư 09/11/2022 14:26:49
Nhằm thực hiện Quyết định số 02/QĐ – TTg về chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. BVĐK Hà Đông triển khai các hoạt động chú trọng dinh dưỡng cho người bệnh tới khám và nằm điều trị tại bệnh viện, đây là một trong những mục tiêu hàng đầu nâng cao chất lượng sức khỏe cho người bệnh. Chiều ngày 08/11/2022 BVĐK Hà Đông đã tổ chức tập huấn chuyên ngành dinh dưỡng cho toàn bộ cán bộ, viên chức, người lao động (CBVCNLĐ) các khoa trong bệnh viện. Tham dự và phát biểu khai mạc buổi tập huấn, BSCKII Lê Hoàng Tú – Phó Giám đốc bệnh viện khẳng định: “Dinh dưỡng góp phần không nhỏ vào thành công của điều trị. Việc đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu về dinh dưỡng cho CBVCNLĐ là vô cùng cần thiết và quan trọng. Đồng chí Phó Giám đốc tin tưởng sau buổi tập huấn mỗi cá nhân tham dự đều nhận được những kiến thức cần thiết cho thực hành tại lâm sàng...” Trong buổi tập huấn, bác sĩ Vũ Thị Lan Anh – Khoa Dinh dưỡng đã hướng dẫn các điểm chú ý trong thông tư 18/2020/TT-BYT quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện. Một phần thiết thực và ứng dụng trực tiếp trong lâm sàng cũng đc bác sĩ Lan Anh chia sẻ chi tiết là những điều cần nhớ của các quy trình dinh dưỡng tại BVĐK Hà Đông. Tiếp đến là phần chia sẻ xử lý các ca lâm sàng điển hình của cử nhân Dinh Dưỡng Nguyễn Ngọc Thu nhận được phản hồi tích cực từ phía CBVCNLĐ. Rất nhiều các ca bệnh hay, khó thường gặp đã được cử nhân Thu liệt kê, chỉ ra lỗi sai hay mắc tại lâm sàng, từ đó đưa ra được hướng giải quyết đúng giúp cải thiện rõ rệt tình trạng của người bệnh. Tại buổi tập huấn, CBVCNLĐ cũng đã nhận được chia sẻ hướng dinh dưỡng cho người cao tuổi, người bệnh sau phẫu thuật, người bệnh  nằm điều trị khoa Hồi sức tích cực. Các câu hỏi trong phần thảo luận diễn ra sôi nổi, nhận được nhiều sự quan tâm từ CBVCNLĐ trong viện. Từ bác sĩ, điều dưỡng đều tham gia hỏi đáp với những nội dung vướng mắc từ thực tế lâm sàng. Buổi tập huấn kết thúc tốt đẹp, mỗi CBVCNLĐ đều nhận thức được rõ hơn vai trò của dinh dưỡng trong điều trị, đây chính là cơ sở giúp cho người bệnh được chăm sóc toàn diện hơn trong công tác điều trị tại BVĐK Hà Đông.      

Xem Thêm

BVĐK Hà Đông: Khoa Cấp cứu khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa Đột quỵ bằng cách thường xuyên tầm soát sức khỏe và thay đổi lối sống lành mạnh
Thứ Tư 09/11/2022 11:09:06
Đột quỵ là một căn bệnh cấp tính. Đột quỵ xảy ra khi xuất hiện hiện tượng vỡ mạch máu não hoặc tắc mạch khiến dòng máu lên nuôi não bị ngưng trệ, không tuần hoàn. Nếu không được điều trị kịp thời, các tế bào trong não sẽ nhanh chóng bị ngừng hoạt động. Điều này có thể khiến cho người bệnh đối mặt với di chứng tàn tật, thậm chí là tử vong. Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh tư liệu) Ngày đột quỵ thế giới được tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) lấy là ngày 29/10 hàng năm và bắt đầu tổ chức thường niên vào năm 2006. Chủ đề của ngày Đột quỵ thế giới 2022 là “Năng lực cứu sống” (The power of saving). Ngày Đột quỵ thế giới là một cơ hội để nâng cao nhận thức về tính chất nghiêm trọng và tỷ lệ cao của đột quỵ và nói về những cách mà chúng ta có thể giảm gánh nặng đột quỵ thông qua nhận thức cộng đồng tốt hơn về các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu của đột quỵ. Đây cũng là cơ hội để vận động hành động của các nhà hoạch định ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, những điều cần thiết để cải thiện công tác phòng ngừa đột quỵ, tiếp cận điều trị cấp tính và hỗ trợ cho những người sống sót và người chăm sóc. Theo thống kế của WHO có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ mới mỗi năm. Trên thế giới, cứ bốn người trên 25 tuổi thì có một người sẽ trải qua một cơn đột quỵ trong cuộc đời của họ. Mỗi năm, hơn 62% tổng số ca đột quỵ xảy ra ở những người dưới 70 tuổi và 47% cơn đột quỵ xảy ra ở nam giới. Đối với năm 2021 và 2022, chiến dịch sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức về các dấu hiệu của đột quỵ và nhu cầu tiếp cận kịp thời với điều trị đột quỵ chất lượng. BSCKII Nguyễn Thành Trung – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Hà Đông chia sẻ về vấn đề này. PV: Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã ứng dụng những kỹ thuật gì để cấp cứu các bệnh nhân đột quỵ? BSCKII Nguyễn Thành Trung: Trong những năm qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã điều trị thành công nhiều bệnh nhân đột quỵ. Cụ thể tính từ đầu năm 2022 đến nay khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã điều trị thành công cho 230 ca đột quỵ. Bệnh viện đã ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong cấp cứu đột quỵ như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, khai thông mạch não bằng điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong nhồi máu não cấp…cùng đội ngũ y bác sỹ có trình độ chuyên môn, có kỹ năng cấp cứu người bệnh đột quỵ, thường xuyên được đào tạo, nâng cao tay nghề qua các hội thảo, tập huấn và thực hành tại các bệnh viện tuyến trung ương để nâng cao chất lượng điều trị, làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như tàn phế cho người bệnh. PV: Xin bác sĩ cho biết những dấu hiệu nhận biết tình trạng đột quỵ sớm? BSCKII Nguyễn Thành Trung: Một số dấu hiệu nhận biết tình trạng đột quỵ sớm theo khuyến cáo của WHO: (F.A.S.T) Một là, khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó. Có thể bảo bệnh nhân cười và quan sát. Hai là, đột ngột cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Hãy bảo bệnh nhân giơ tay lên và so sánh, nếu hai tay không thể nâng qua đầu cùng lúc thì có khả năng người đó bị đột quỵ. Ba là, đột ngột nhức đầu dữ dội hay chóng mặt, bệnh nhân không yếu liệt chi nhưng không thể ngồi hay đi đứng được như người bình thường. Bốn là, đột ngột mất thị lực: Mờ mắt, nhìn không rõ Năm là, giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ. Có thể yêu cầu người đó nói những câu đơn giản, nếu không thể nhắc lại được thì người đó có dấu hiệu bị đột quỵ. PV: Những đối tượng nào có thể có nguy cơ bị đột quỵ, thưa bác sĩ? BSCKII Nguyễn Thành Trung: Bất kỳ ai cũng có thể có nguy cơ bị đột quỵ. Đặc biệt, những người có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ bao gồm những người mắc bệnh tăng huyết áp; mắc bệnh đái tháo đường; rối loạn lipid máu; các bệnh lý tim mạch như bệnh van tim, rung nhĩ…; hẹp động mạch cảnh; bệnh hồng cầu hình liềm; rối loạn tăng đông; liên quan đến chế độ ăn, uống không hợp lý như ăn mặn, uống rượu; ít vận động; béo phì; dùng thuốc ngừa thai; hút thuốc lá hoặc lạm dụng thuốc: cocain, thuốc phiện, amphetamine; từng bị chấn thương đầu, cổ; có tiền sử gia đình bị đột quỵ... Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ hiếm gặp hoặc còn bàn cãi khác như tăng homocystein máu, mắc bệnh MELAS, CADASIL, rối loạn dễ chảy máu, phình mạch não… Đặc biệt, với những người đã từng bị đột quỵ, nguy cơ đột quỵ tái phát cao hơn người khỏe mạnh. PV: Xin bác sĩ cho biết, thời gian vàng cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân đột quỵ? BSCKII Nguyễn Thành Trung: Thời gian vàng “cấp cứu” cho người bệnh thuộc trường hợp thiếu máu não, từ khi khởi phát cơn đột quỵ đến 4,5 giờ hoặc 6 giờ đầu là áp dụng phương pháp sử dụng thuốc tan máu đông bằng cách tiêm qua đường tĩnh mạch rTPA. Trong vòng 6 giờ là áp dụng cho phương pháp can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Qua cột mốc 6 giờ người bệnh có thể rơi vào hôn mê sâu, bị tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong do mạch máu không được khai thông kịp thời. Còn đối với trường hợp xuất huyết não thời gian vàng “cấp cứu” theo nguyên tắc chung cấp cứu càng sớm càng tốt trong 3 giờ đầu tiên. Phương pháp điều trị và hiệu quả tùy thuộc vào nguyên nhân, vị trí và mức độ xuất huyết. PV: Để chủ động phòng chống đột quỵ, bác sĩ có khuyến cáo gì tới người dân? BSCKII Nguyễn Thành Trung: Người dân có thể chủ động phòng ngừa đột quỵ bằng cách thường xuyên tầm soát sức khỏe để phát hiện các yếu tố bất thường. Việc tầm soát đột quỵ sẽ tìm các nguyên nhân tạo ra cục máu đông làm tắc mạch não hoặc nguyên nhân làm vỡ mạch não để theo dõi và điều trị kịp thời. Tầm soát đột quỵ nhằm kiểm soát và điều trị những bệnh mạn tính vốn là nguy cơ chính gây đột quỵ như điều trị tăng huyết áp; phát hiện sớm và điều trị bệnh tim; điều trị bệnh đái tháo đường; điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ; điều trị hẹp động mạch chủ có triệu chứng; điều trị chống kết tập tiểu cầu hoặc kháng đông tùy trường hợp... Đồng thời, để chủ động phòng chống đột quỵ, mọi người cần thay đổi lối sống như cai thuốc lá, cai rượu, giảm stress, có chế độ ăn lành mạnh, giảm mặn, giảm đường, giảm béo, duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp, tập thể dục thường xuyên… Đặc biệt, người bệnh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ với các bệnh lý nguy cơ và bệnh lý mạn tính. Thực hiện một cách nghiêm túc toàn bộ các chỉ định của thầy thuốc. Tuân thủ điều trị không chỉ giới hạn ở việc sử dụng thuốc mà còn phải tuân thủ tất cả các chỉ định khác của thầy thuốc, bao gồm chế độ sinh hoạt, tập luyện, ăn uống… Việc không tuân thủ điều trị các bệnh lý nguy cơ của đột quỵ không những làm gia tăng khả năng đột quỵ mà còn đẩy nhanh các biến chứng nặng nề như suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim …. Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Xem Thêm

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa BVĐK Hà Đông và Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam
Thứ Ba 08/11/2022 10:38:56
Chiều ngày 07/11/2022, tại BVĐK Hà Đông đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa BVDDK Hà Đông và Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam. Tham dự buổi lễ, có PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy – Đại diện Học viên Y Dược học cổ truyền Việt Nam, BSCKII Đào Thiện Tiến Giám đốc BVĐK Hà Đông cùng các cán bộ lãnh đạo chủ chốt và các giảng viên của 2 đơn vị. Phát biểu khai mạc buổi lễ, BSCKII Đào Thiện Tiến – Giám đốc BVĐK Hà Đông ôn lại truyền thống hợp tác giữa BVĐK Hà Đông và Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã được vun đắp từ bao thế hệ thầy cô giáo, thầy thuốc đông y đi trước. BSCKII Đào Thiện Tiến bày tỏ sự ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác, ý thức trách nhiệm của các giảng viên thỉnh giảng hiện đang công tác tại bệnh viện trong sự nghiệp đào tạo các thế hệ sinh viên tiếp nối. Giám đốc nhấn mạnh việc hợp tác đào tạo giữa Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam với các bệnh viện cơ sở thực hành là một trong những hoạt động thường quy nhưng lễ ký kết lần này giữa 2 bên được nâng tầm trở thành sự hợp tác toàn diện, đánh dấu mốc son mới trong quan hệ hợp tác giữa nhà trường và bệnh viện. BSCKII.Đào Thiện Tiến hy vọng trong thời gian tới với vị thế, uy tín đầu ngành của 2 đơn vị, công tác đào tạo các thế hệ sinh viên y khoa và cán bộ y tế chuyên ngành y học cổ truyền sẽ đạt được những kết quả thành công tốt đẹp. Về phía Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam PGS.TS Nguyễn Quốc Huy cũng hết sức trân trọng truyền thống hợp tác tốt đẹp, lâu dài giữa 2 đơn vị. Nhà trường không thể thiếu bệnh viện với vai trò là cơ sở đào tạo thực hành, bệnh viện cũng cần nhà trường để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học. PGS.TS Nguyễn Quốc Huy cho biết nhà trường sẽ thành lập ban giám sát việc thực thi các nội dung ký kết qua đó thể hiện mong muốn nội dung ký kết sẽ được triển khai mạnh mẽ trong thực tiễn. Trong buổi kí kết PGS.TS Nguyễn Quốc Huy cũng chia sẻ thêm với phía BVĐK Hà Đông những thế mạnh chủ lực, và định hướng phát triển của Học viên những năm sắp tới. Ông kỳ vọng sự phát triển của Học viện sẽ luôn có sự đồng hành của BVĐK Hà Đông. Các cán bộ chủ chốt của 2 đơn vị đều chia sẻ tin tưởng vào việc hợp tác giữa 2 đơn vị sẽ mang lại những kết quả khả quan và tốt đẹp cho công tác đào tạo ngành y dược học cổ truyền. Nội dung văn bản ký kết hợp tác toàn diện giữa 2 đơn vị gồm 10 điều, với 3 nội dung chính là hợp tác về công tác tổ chức cán bộ, hợp tác về đào tạo, hợp tác về nghiên cứu khoa học. Tại mỗi nội dung, quyền lợi và trách nhiệm của 2 bên đều được thể hiện rõ, qua đó đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia ký kết và trên hết là đảm bảo quyền lợi của các đối tượng học viên, sinh viên góp phần ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo. Buổi ký kết diễn ra thành công, là tiền đề cho sự phát triển bền vững mạnh mẽ của 2 đơn vị, chắc chắn sẽ là điểm sáng cho việc đào tạo phát triển ngành y dược học cổ truyền khu vực Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi lễ ký kết:

Xem Thêm

Triển khai Công tác xã hội nhóm năm 2022
Thứ Ba 01/11/2022 15:08:13
Thực hiện kế hoạch triển khai Công tác xã hội nhóm năm 2022, nhằm mục đích cung cấp các kiến thức, thông tin cần thiết về bệnh, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân; Thành lập CTXH nhóm - Nhóm hỗ trợ người bệnh để kết nối các bệnh nhân với nhau, để cùng nhau chia sẻ về bệnh lý, về chế độ dinh dưỡng, những khó khăn trong quá trình điều trị, khó khăn sau khi kết thúc quá trình điều trị.... Chiều ngày 25/10/2022, phòng Công tác xã hội đã phối hợp với các khoa/phòng tổ chức chương trình Công tác xã hội nhóm tại Khoa Nội Tiết. Tham dự chương trình có: ThS Phạm Hải Hà – Trưởng phòng CTXH; BSCKII Đinh Văn Tuy – Trưởng khoa Nội tiết; Các cán bộ bệnh viện là thành viên trong mạng lưới Công tác xã hội của bệnh viện; Nhân viên phòng Công tác xã hội; Khoa Nội tiết cùng các bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị nội trú tại khoa. Tại buổi sinh hoạt các thành viên đã được cung cấp thêm các thông tin về: Công tác chăm sóc bàn chân của bệnh nhân Đái tháo đường tuýp 2 của Cử nhân Đặng Thị Nga - Điều dưỡng trưởng khoa Nội tiết; Tư vấn về dinh dưỡng cho bệnh nhân Đái tháo đường do Cử nhân Lê Thị Thu Thủy – Khoa Dinh dưỡng trình bày; Tổ chức các hoạt giải trí nhằm ổn định tâm lý cho bệnh nhân - Nhân viên CTXH; Giới thiệu dinh dưỡng chuyên biệt cho bệnh nhân Đái tháo đường của chuyên gia dinh dưỡng Vũ Thị Hải Phương. Thành lập nhóm hỗ trợ: Nhân viên CTXH và người bệnh. Tại chương trình, các bệnh nhân đã rất sôi nổi tham gia vào tất cả các nội dung, hoạt động, các câu hỏi cũng như thắc mắc đã được BSCKII Đinh Văn Tuy – Trưởng khoa Nội tiết trả lời, giải thích cụ thể, đáp ứng hài lòng các thành viên tham gia chương trình. Chương trình CTXH nhóm tại khoa Nội tiết tổ chức thành công đã cung cấp thêm các thông tin về bệnh đái tháo đường, cũng như dinh dưỡng chuyên biệt dành cho người bị bệnh đái tháo đường. Qua đó thành lập CTXH nhóm - Nhóm hỗ trợ người bệnh, tạo ra các hoạt động, hỗ trợ cho người bệnh, giúp họ giải quyết những khó khăn trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Từ đó giúp triển khai hiệu quả các hoạt động Công tác xã hội trong bệnh viện, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt:

Xem Thêm

DANH MỤC TIN