Bã thức ăn lớn mắc kẹt trong thực quản người đàn ông được gắp ra thành công
Thứ Ba 13/10/2020 04:12:14
Vừa qua, khoa Nội tiêu hóa BVĐK Hà Đông tiếp nhận bệnh nhân nam, 58 tuổi, vào viện vì nôn nhiều, nuốt nghẹn. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, khoảng 1 tháng nay nôn nhiều ngay sau ăn, kèm nuốt nghẹn, bệnh nhân nghĩ mình bị trào ngược dạ dày thực quản nên đã tự đi mua thuốc uống nhưng không đỡ, tình trạng nôn ngày càng tăng.Bệnh nhân đi khám tại BVĐK Hà Đông được bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày. Lần đầu soi thực quản còn nhiều thức ăn máy soi không đi tiếp được, bệnh nhân được bác sĩ dặn dò nhịn ăn để nội soi lại.Lần thứ 2 bác sĩ nội soi phát hiện một bã thức ăn ở thực quản cách cung răng trên khoảng 35cm, các bác sĩ nội soi tại phòng khám đã gắp và đẩy bằng kìm sinh thiết nhưng không hiệu quả. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện để tiến hành nội soi gây mê gắp bã thức ăn. Tại Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh nhân được tiến hành nội soi ngay trong ngày , các bác sĩ phát hiện cách cung răng trên 40cm có 1 khối thức ăn bơm rửa không trôi, tiến hành gắp bã thức ăn bằng kìm răng cá sấu. Sau khi gắp bệnh nhân dễ chịu, ăn không còn nghẹn, và không còn nôn sau ăn. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại khoa Nội tiêu hóa. Hình ảnh bã thức ăn mắc kẹt trong thực quản bệnh nhân Theo Ths, BS CK II Phạm Thị Đào Chinh – Trưởng khoa Nội tiêu hóa, người trực tiếp gắp bã thức ăn cho bệnh nhân, khối bã thức ăn thường gặp ở những người trong độ tuổi trung niên trở lên, do nhu động đường tiêu hóa suy giảm. Những thực phẩm có khả năng cao hình thành các khối bã như xôi, hồng ngâm, xoài xanh, ổi…bởi các loại quả này có chứa nhiều chất tanin, ngoài ra còn có măng, thịt nạc, gân...đây cũng là những loại thực phẩm có chứa nhiều bã xơ. Thêm vào đó là thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ hình thành khối bã thức ăn. Nguy hiểm nữa, cùng với việc nhiều người thường uống nhiều loại thuốc đông y khiến chúng quyện với thức ăn khó tiêu như thịt, chất xơ tạo thành khối bã thức ăn lớn trong dạ dày người bệnh. Trong trường hợp này, bã thức ăn là một cây nấm, là một loại tuy nhỏ nhưng dễ gây bám dính, bệnh nhân trong quá trình ăn không nhai kĩ nên đã bị mắc ở thực quản. Một số bã thức ăn trôi xuống dạ dày, ruột non có thể gây tắc ruột, khi đó cần phải phẫu thuật lấy khối bã thức ăn. Cũng theo các bác sĩ, để tránh tình trạng bã thức ăn trong đường tiêu hóa, nhất là ở đối tượng người lớn tuổi, chúng ta nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều bã xơ như hồng ngâm, xoài xanh, ổi, hồng xiêm, măng…Thức ăn cũng cần được nấu kỹ, ninh nhừ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên uống đủ nước, tập thể dục đều đặn (việc này sẽ kích thích hệ tiêu hóa co bóp, làm việc tốt hơn), nhai kỹ thức ăn khi ăn nhất là những người lớn tuổi hoặc có tiền sử có bã thức ăn. Tại khoa Nội tiêu hóa BVĐK Hà Đông, với hệ thống máy nội soi hiện đại cùng các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, đã tiến hành lấy các bã thức ăn bằng nội soi, không đau, không khó chịu, có thể ăn uống, đi lại ngay sau khi gắp bã thức ăn.

Xem Thêm

Chích rạch thành công ổ áp – xe quanh amidan lan rộng vùng cổ nam bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền
Thứ Hai 12/10/2020 04:25:03
Amidan nằm ngay cửa ngõ đường hô hấp và đường tiêu hóa, có chức năng miễn dịch quan trọng. Khi amidan bị viêm tái phát nhiều lần trở thành ổ nhiễm khuẩn amidan, nếu không điều trị kịp thời  khiến cho tình trạng nặng hơn và dẫn đến áp-xe quanh amidan. Dưới đây là một trường hợp tương tự. Bệnh nhân Nguyễn Viết Ng. (63 tuổi, Chương Mỹ, HN) cảm thấy đau, khó chịu từ 4 ngày trước nhưng tự điều trị ở nhà, thấy không thuyên giảm nên đi khám. Sau đó, bệnh nhân Ng. nhập viện vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng khó thở, nuốt đau, nuốt vướng, không ăn được. Kết hợp thăm khám và chụp cắt lớp vi tính vùng cổ, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị áp - xe quanh amidan trái, theo dõi áp - xe vùng cổ trái, ngoài ra còn mắc kèm theo các bệnh tăng huyết áp và đường máu cao.    Đối với ca bệnh này, để xử trí, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chích rạch ổ áp - xe trong họng bệnh nhân, lấy mủ để nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ, mục đích là sử dụng loại kháng sinh thích hợp với bệnh của bệnh nhân. Bên cạnh đó, kết hợp điều chỉnh đường máu và huyết áp, nuôi ăn qua ống thông dạ dày. 2 ngày sau, kết quả chụp phim kiểm tra lại cho thấy khối áp - xe lan rộng và có tràn khí dưới da. Ngay lập tức, các bác sĩ đã chích dẫn lưu áp – xe cạnh cổ đường ngoài, hút ra được khoảng 20 ml mủ đặc, có mùi thối, để hở vết thương, dẫn lưu mủ và thay băng hàng ngày. Sau 1 tuần bệnh nhân Ng. được theo dõi hồi sức tích cực, sử dụng kháng sinh và điều chỉnh đường huyết nghiêm ngặt, bệnh nhân dần có chuyển biến tốt, vết thương đã ổn định, không còn mủ, các bác sĩ đã khâu đóng vết thương lại. Hiện tại, bệnh nhân đã hết dịch và rút dẫn lưu, dự kiến xuất viện sau vài ngày theo dõi thêm và tập ăn được qua đường miệng. BSNT. Nguyễn Thị Thu Thư, Phó khoa Tai Mũi Họng cho biết: Áp –xe quanh amidan không hiếm gặp, trung bình mỗi năm tại khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện đa khoa Hà Đông  điều trị cho từ 20 đến 30 bệnh nhân và đã điều trị thành công cho nhiều ca bệnh nặng. Đối với trường hợp bệnh nhân này, đặc biệt hơn ở chỗ, bệnh nhân còn mắc kèm các bệnh lý nền như đường máu và huyết áp cao là những yếu tố tăng nặng nên bệnh diễn biến, tiến triển nhanh hơn. Bên cạnh đó, BS Thư cũng đưa ra khuyến cáo: Áp – xe lan rộng vùng cổ là một bệnh lý nhiễm trùng nặng nề, nguy cơ tử vong cao, đặc biệt trên cơ địa bệnh nhân lớn tuổi, có tiểu đường và tăng huyết áp. Những triệu chứng khởi phát của bệnh này thường từ những ổ nhiễm trùng ở vùng họng như áp – xe quanh amidan, nhiễm trùng răng miệng hoặc dị vật thanh quản, cổ mà không được điều trị kịp thời. Do vậy, cần lưu ý nếu bệnh nhân có các triệu chứng bất thường như nuốt đau, vướng vùng họng, cổ thì nên đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được điều trị sớm, tránh những tổn thương nặng nề, phải can thiệp y khoa phức tạp hơn.   BSNT. Nguyễn Thị Thu Thư, Phó khoa Tai Mũi Họng thay ống dẫn lưu và thăm khám lại cho bệnh nhân

Xem Thêm

Lớp học tiền sản: Tập huấn kỹ năng sinh thường, sinh mổ, sinh không đau
Thứ Sáu 09/10/2020 04:07:25
Mang nặng 9 tháng không bằng 1 khoảnh khắc đẻ đau. Vượt cạn là mốc thời gian mong chờ nhất của tất cả các mẹ. Nhưng những cơn đau khi vượt cạn luôn là nỗi ái ngại của nhiều mẹ bầu. Để giải tỏa những nỗi lo không đáng có của mẹ khi mang thai, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Đơn nguyên KCB Tự nguyện tổ chức lớp tiền sản “Sinh thường – Sinh mổ – Sinh không đau” cung cấp cho mẹ những kiến thức cần thiết khi đi sinh. Khi tham gia lớp học mẹ sẽ được trực tiếp BSCKII. TTƯT Trần Ngọc Cường, PGĐ BVĐK Hà Đông, Nguyên trưởng khoa Sản (35 Năm kinh nghiệm KCB Sản phụ khoa) chia sẻ những kiến thức hữu ích cho mẹ để chuẩn bị cho cuộc vượt cạn:  Giúp mẹ hiểu hơn về việc gây tê màng cứng có hại hay không? Chia sẻ về những chăm sóc hậu sản cần thiết cho mẹ. Những dấu hiệu nguy hiểm cho mẹ sau sinh. Khi nào cần sinh thường và khi nào cần sinh mổ. Nhiều phần quà hấp dẫn Bỉm Nhật cao cấp cho bé (dành cho tất cả khách tham dự lớp học.) Voucher kiểm tra Sinh trắc vân tay cho bé Nhiều phần quà giá trị khác Tham gia như thế nào Để đăng ký tham gia lớp học mẹ có thể đăng ký link: https://docs.google.com/forms/d/1sFFq9kk807M-KbkdxStPK0TlHNHkC9kXIvJ8q_ng_Pw/edit Hoặc qua hotline: 0969 668 115. Để Bệnh viện sắp xếp đón tiếp tốt nhất. Lớp sẽ được tổ chức vào 9:00 –10:30 Ngày 16/10/2020: thứ 6 tại tầng 2, phòng hội nghị tại khoa Đơn nguyên KCB Tự nguyện, BVĐK Hà Đông. Số 2 Bế Văn Đàn, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội

Xem Thêm

Bệnh viện đa khoa Hà Đông triển khai thực hiện đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025
Thứ Năm 01/10/2020 04:56:14
Ngày 22/6/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025. Căn cứ Quyết định của Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bệnh viện đa khoa Hà Đông ban hành Kế hoạch số 150/KH-BV ngày 18/9/2020 về việc thực hiện đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 với vai trò là bệnh viện tuyến dưới. Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kĩ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thực hiện khám, chữa bệnh từ xa. Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến dưới gồm một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, bệnh viện tư nhân thực hiện việc khám chữa bệnh từ xa. Đồng thời giúp tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt người dân vùng sâu, xa, khó khăn, giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và chi phí tiền túi của người dân. Đề án tiến hành theo 4 giai đoạn: Giai đoạn 2020-2021: Bệnh viện đa khoa Hà Đông chủ trương đầu tư, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống thiết bị công nghệ y tế để truyền tải các dữ liệu lên tuyến trên, hệ thống chuyên dụng có thể chia sẻ giữa các bệnh viện cùng tuyến và khác tuyến. Xây dựng hệ thống cho phép truy cập và tái tạo lại các hình ảnh đã được lưu trữ dưới nhiều định dạng khác nhau hỗ trợ tối đa cho việc hội chẩn từ xa.  Giai đoạn 2021-2022: Tạo lập hệ thống bệnh án điện tử để có thể chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực với các bệnh viện khác trong Đề án. Hệ thống bệnh án điện tử để thay thế bệnh án giấy hiện nay nhằm thao tác nhanh với kết quả từ xét nghiệm, siêu âm, nội soi, điện tim, các loại thuốc được kê đơn, phương pháp điều trị và tóm tắt lâm sàng. Giai đoạn 2022-2023: Sử dụng các giái pháp chuyên dụng cho phép kết nối, xem hình ảnh phẫu thuật, dữ liệu người bệnh và đàm thoại trực tiếp theo thời gian thực với các bác sỹ tuyến dưới. Từ đó các bác sỹ, chuyên gia tuyến trên có thể hỗ trợ chuyên môn từ xa cho phẫu thuật viên. Bên cạnh đó, sử dụng các xe đẩy thông minh trong phòng phẫu thuật với các thiết bị chuyên dụng cho phép truyền tải hình ảnh, dữ liệu người bệnh về tuyến trên để trao đổi trực tiếp cho bác sỹ tuyến trên. Giai đoạn 2023-2025: Bệnh viện tuyến trên và Bệnh viện đa khoa Hà Đông cần đánh giá thực trạng để trang bị phòng mổ thông minh với khả năng theo dõi thông tin chi tiết qua thiết bị đầu cuối thông minh. Phòng mổ thông minh có hệ thống điều khiển thông minh các chức năng hỗ trợ như nhiệt độ, ánh sáng, âm thanh, giúp tạo sự an tâm và thoải mái nhất cho phẫu thuật viên để nâng cao chất lượng ca mổ.   Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm  2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Thủ tướng Chính phru đã chỉ đạo Y tế là một trong các lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số, cần ưu tiên hàng đầu với hoạt động chính như: “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế.” Chính vì vậy, việc xây dựng và ban hành Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” trong bối cảnh cả nước Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số năm 2030, hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng là việc làm rất cần thiết và cấp bách. Bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa báo cáo ca bệnh trực tuyến tại điểm cầu Bệnh viện đa khoa Hà Đông theo chương trình đề án khám chữa bệnh từ xa Các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật trực tuyến cho bệnh nhân, được truyền tải hình ảnh trực tiếp từ phòng mổ và hội chẩn chuyên môn với các bệnh viện khác  

Xem Thêm

Bệnh viện đa khoa Hà Đông phẫu thuật u đại trực tràng qua trực tuyến tại lễ khai trương Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn
Thứ Hai 28/09/2020 01:22:08
Nằm trong chương trình đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2015 của Bộ Y tế,  chiều ngày 14/9/2020, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn tổ chức lễ Khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Tư vấn, Khám chữa bệnh từ xa (hệ thống Telehealth). Tham dự buổi lễ có PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; TS. Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Các điểm cầu được kết nối trực tuyến bao gồm Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Khê, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng, Bệnh viện đa khoa Thu Cúc …. Ngay trong buổi đầu tiên này, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã tiến hành phẫu thuật trực tuyến một ca bệnh ngoại tiêu hóa, thực hiện kết nối tại 2 điểm cầu: BS Đinh Hồng Kiên, phó khoa Ngoại tiêu hóa trình bày slide ca bệnh tại hội trường trực tuyến và kíp mổ do các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa thực hiện tại Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức. Đây là trường hợp bệnh nhân nam, 74 tuổi, chẩn đoán tắc ruột do u trực tràng cao tái phát, di căn gan, do u gây tắc ruột, cần phải phẫu thuật ngay. Sau mổ xong đợi kết quả tế bào, sẽ tính toán xạ trị, có thể kết hợp nút mạch gan hóa chất. Tại phòng mổ, các bác sĩ của Bệnh viện Hà Đông đã nghe những ý kiến tư vấn, phân tích chuyên môn của các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành từ Bệnh viện Xanh Pôn, đối thoại, trao đổi trực tiếp với nhau để đưa ra cách phẫu thuật phù hợp nhất cho bệnh nhân. Ngoài ca phẫu thuật của Bệnh viện đa khoa Hà Đông, các ca bệnh về bệnh lý đường tiêu hóa, nhi khoa,phẫu thuật chỉnh hình… đến từ các Bệnh viện khác đã hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Hiện tại có 41 bệnh viện công lập và 30 bệnh viện ngoài công lập ở Hà Nội sẽ kết nối khám chữa bệnh từ xa với Bệnh viện Xanh Pôn. Định kỳ hàng tuần, bệnh viện Xanh Pôn sẽ tổ chức các buổi tư vấn khám bệnh từ xa hoặc có thể hội chẩn đột xuất theo yêu cầu của tuyến dưới. Với việc triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hình ảnh, trực tiếp trao đổi, đối thoại, Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa mở ra cơ hội giúp toàn thể bác sĩ của cả nước học hỏi, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, từ đó thu hẹp khoảng cách chuyên môn giữa các tuyến. Không những thế còn mang lại lợi ích cho người dân  được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay chính tại địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, quá tải tuyến trung ương.    Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi trực tuyến tại điểm cầu Bệnh viện đa khoa Hà Đông:  

Xem Thêm

Khai trương Dịch vụ Sản phụ khoa tại Đơn nguyên khám chữa bệnh tự nguyện – Bệnh viện đa khoa Hà Đông
Thứ Hai 21/09/2020 00:40:15
Nhằm đáp ứng nhu cầu khám và điều trị ngày càng cao của phụ nữ trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản, sáng ngày 18/09/2020, Dịch vụ Sản phụ khoa tại Đơn nguyên khám chữa bệnh tự nguyện - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã chính thức đi vào hoạt động tại Tầng 1 – Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Đến dự buổi khai trương có sự tham dự của BSCKII.Đào Thiện Tiến-Giám đốc bệnh viện đa khoa Hà Đông cùng với toàn thể lãnh đạo các Khoa, Phòng bệnh viện đã đến dự đông đủ và gửi lời chúc mừng. Dịch vụ Sản phụ khoa tại Đơn nguyên khám chữa bệnh tự nguyện do TTƯT.BSCKII Trần Ngọc Cường - PGĐ Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Nguyên Trưởng Khoa Sản trực tiếp phụ trách chuyên môn, và được đảm nhận bởi các chuyên gia đầu ngành là các Giáo sư, Bác sĩ giàu kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp chăm sóc sức khỏe và kỹ thuật Sản phụ khoa tiên tiến, hiện đại hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện phụ sản Hà Nội. Khách hàng khi đến với Dịch vụ Sản phụ khoa tại Đơn nguyên khám chữa bệnh tự nguyện sẽ được nhiều lợi ích như: + Siêu âm 4D: Tư vấn hướng dẫn cụ thể từng mẹ bầu chăm sóc bản thân để có thai kỳ khỏe mạnh. +  Khám và quản lý thai kỳ: (Theo chuẩn Bộ Y Tế, BV PSTW với các mốc khám thai và bảng theo dõi sức khỏe thai nhi tiện lợi, chính xác) + Đăng ký sinh + Sinh đẻ trọn gói: Đẻ thường hoặc đẻ mổ theo yêu cầu. (Chọn giờ sinh/lựa chọn bác sĩ sinh) + Tư vấn và điều trị Sản phụ khoa: Viêm nhiễm phụ khoa, viêm lộ tuyến cổ tử cung... + Điều trị chửa ngoài tử cung + Kế hoạch hóa gia đình an toàn: Với các phương pháp hiện đại, không sót thai, không mất máu, không tai biến, không ảnh hưởng chức năng sinh sản về sau. Dịch vụ Sản phụ khoa tại Đơn nguyên khám chữa bệnh tự nguyện được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại và cơ sở vật chất khang trang kết hợp với trình độ chuyên môn cao của các bác sĩ chuyên khoa từ Bệnh viện đa khoa Hà Đông hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là các bà mẹ đang mang thai. Một số hình ảnh tại buổi khai trương:

Xem Thêm

Cứu sống bệnh nhân toan chuyển hóa nặng suy đa cơ quan do ngộ độc Metformin
Thứ Hai 31/08/2020 01:54:33
Ngày 21/8, Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân N.T.N (57 tuổi, trú tại Mỹ Đức, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, phù nhiều toàn thân, không tiểu tiện được, khó thở nhiều, tím tái, trụy mạch. Theo người nhà bệnh nhân kể, 4 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân kêu mệt, tiểu ít, ăn kém, phù nhiều nên tự mua thuốc tiêm truyền tại nhà nhưng không đỡ. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân bị suy thận, Gout, tăng huyết áp, viêm đa khớp mạn tính và đái tháo đường tuýp II ( bệnh nhân tự mua thuốc Metformin liều lượng 850mg/ngày về sử dụng), đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng toan chuyển hoá nặng nặng gây suy đa cơ quan, do không dùng đúng chỉ định thuốc và liều lượng, cũng như không thăm khám tại cơ sở y tế. Tại Khoa Hồi sức Tích cực, bệnh nhân nhanh chóng được thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán là: Toan chuyển hóa rất nặng, suy đa cơ quan, vô niệu hoàn toàn, Kali máu tăng 6,7mmol/l đe dọa tính mạng. Nguyên nhân do ngộ độc thuốc điều trị đái tháo đường Metformin. Ngay sau đó bệnh nhân được xử trí đặt ống nội khí quản, thở máy, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, bù dịch Natribicarbonat và dùng thuốc vận mạch tuy nhiên tình trạng huyết áp của bệnh nhân không được cải thiện (60/40mmHg) do toan chuyển hóa quá nặng. Ngay lập tức các bác sĩ Khoa Hồi sức Tích cực đã hội chẩn và quyết định tiến hành lọc máu liên tục, Mode CVVHDF (lọc máu liên tục có thẩm tách) cho bệnh nhân N. Bệnh nhận N trong quá trình lọc máu Sau lọc máu liên tục 12h, Huyết áp bệnh nhân dần được cải thiện (130/80mmHg), bắt đầu có nước tiểu, sau 48h hồi sức tích cực và lọc máu liên tục bệnh nhân đã cắt được hoàn toàn thuốc vận mạch. Bác sĩ  CKI.Nguyễn Sơn Nam thăm khám lại cho bệnh nhân N Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản, tự thở khí phòng, ăn uống sinh hoạt bình thường, các xét nghiệm dần về chỉ số ổn định.   Bác sĩ  CKI.Nguyễn Sơn Nam, Khoa Hồi sức tích cực cho biết: “Đây là trường hợp case bệnh rất nặng vì biến chứng toan chuyển hóa dẫn đến suy đa cơ quan trên nhiều bệnh nền phức tạp. Trước  đây với những bệnh nhân nặng như thế này, tiên lượng rất xấu và sẽ phải chuyển lên tuyến trên để điều trị. Tuy nhiên, Nhờ sự nỗ lực không ngừng, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã ứng dụng các trang thiết bị, các phương pháp điều trị kỹ thuật cao đến với bệnh nhân, nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương”. Bác sĩ Nguyễn Sơn Nam cũng đưa ra lời khuyên: đối với bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị theo đơn tại nhà cần đi khám định kỳ thường xuyên để kiểm tra sức khỏe và đánh giá hiệu quả điều trị để có phác đồ điều trị phù hợp, phòng tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Lọc máu liên tục có thẩm tách là kỹ thuật chuyên sâu trong hồi sức cấp cứu. So với các phương thức thay thế thận khác, lọc máu liên tục có nhiều ưu điểm vượt trội như: thích hợp cho những bệnh nhân rối loạn huyết động, kiểm soát thể tích một cách chính xác, rất hiệu quả trong kiểm soát ure huyết cao, giảm phosphat máu và tăng kali máu, kiểm soát nhanh toan chuyển hóa, an toàn cho bệnh nhân tổn thương não và bệnh lý tim mạch, rất hiệu quả trong điều trị nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn do lọc được các trung gian hóa học gây viêm.

Xem Thêm

Tập huấn phòng chống dịch Covid-19, kỹ năng hồi sinh tim, phổi cho bệnh nhân có bệnh đường hô hấp
Thứ Hai 24/08/2020 06:52:50
Với mục đích nâng cao nhận thức về dịch bệnh, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế thấp nhất khả năng lây bệnh cho bệnh nhân và các nhân viên y tế, đặc biệt là hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, Bệnh viện đa khoa Hà Đông thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, nhân viên tại các khoa phòng về dịch bệnh Covid-19 với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, cập nhật diễn biến phức tạp hiện nay của dịch Covid-19. Trong 2 ngày 12, 13/8/2020, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức tập huấn phòng chống dịch Covid-19 cho toàn bộ cán bộ nhân viên bệnh viện với 3 chuyên đề: Cấp cứu hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân Covid-19 của BSCKI.Phạm Hữu Hiển, phó trưởng khoa Cấp cứu; Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 theo QĐ số 3351/QĐ-BYT ngày 29/7/2020 - BSCKII.Trần Thị Kim Anh - Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới; Quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng chống dịch Covid-19 của Ths.Bs Nguyễn Xuân Thiêm - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Mở đầu buổi tập huấn, BSCKI.Phạm Hữu Hiển, phó trưởng khoa Cấp cứu đã chia sẻ với toàn thể lớp tập huấn Chuyên đề Cấp cứu hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân Covid-19. Cấp cứu hồi sinh tim phổi được coi là tối cấp cứu vì bệnh nhân ở ranh giới giữa sống và chết, các tổn thương diễn biến nhanh và không hồi phục, do đó đồi hỏi nhóm cấp cứu phải thành thạo, phối hợp đồng bộ, khẩn trương. Nguyên nhân ngừng tuần hoàn có thể do các bệnh lý về tim mạch, thiếu oxy, rối loạn điện giải, chuyển hóa hoặc do dùng thuốc, ngộ độc, nguyên nhân gây sốc, tai nạn, tăng áp lực tụt nội sọ. Bs Hiển cũng nhấn mạnh cấp cứu ngừng tuần hoàn là tối cấp cứu vì ngừng tuần hoàn trên 4 phút sẽ có phù não và tổn thương não không hồi phục. Do vậy rất khẩn cấp vì chỉ có 4 phút để tái lập tuần hoàn. Bên cạnh đó, BS cũng chỉ ra chẩn đoán bằng lâm sàng, các triệu chứng, cách xử trí ngừng tuần hoàn, quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản, đặc biệt là kỹ năng hỗ trợ tuần hoàn – ép tim. Bài tập huấn cũng chỉ ra và minh họa về tư thế và các động tác, lưu ý trong kỹ thuật ép tim, thổi ngạt, kiểm soát đường thở,…Ngoài ra, BS Hiển cũng trình bày về quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn ở bệnh nhân nghi ngờ hoặc khẳng định nhiễm Covid 19 với mục tiêu cấp cứu ngừng tuần hoàn thành côngvà bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế không lây nhiễm. BSCKI. Phạm Hữu Hiển, phó trưởng khoa Cấp cứu mô tả động tác cấp cứu hồi sinh tim phổi Chuyên đề tiếp theo của buổi tập huấn với nội dung Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 theo QĐ số 3351/QĐ-BYT ngày 29/7/2020 được trình bày bởi BSCKII.Trần Thị Kim Anh - Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới. TRong phần trình bày của mình, BS Kim Anh đã nêu khái quát tình hình phức tạp của dịch bệnh hiện nay, những điểm mới trong hướng dẫn tại QĐ và những lưu ý trong theo dõi điều trị. BS Kim Anh nhấn mạnh các biện pháp theo dõi và điều trị chung, đặc biệt trong các trường hợp điều trị suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, điều trị hỗ trợ, và các dấu hiệu tiên lượng nặng. Tiêu chuẩn xuất viện bao gồm: Hết sốt tối thiểu 3 ngày, hết các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm lại 3 lần cách nhau một ngày cho kết quả âm tính, sau đó tiếp tục theo dõi tại nhà trong 14 ngày. BSCKII.Trần Thị Kim Anh - Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới chia sẻ chuyên đề Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 theo QĐ số 3351/QĐ-BYT ngày 29/7/2020 Buồi tập huấn tiếp diễn với Chuyên đề Quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng chống dịch Covid-19 với sự chia sẻ của Ths.Bs Nguyễn Xuân Thiêm - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Căn cứ QĐ 468/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virut corona trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và  QĐ số 3455/QĐ-BCĐQG về việc ban hành “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19” theo nguyên tắc đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong phòng chống dịch Covid, đảm bảo cho nhân viên y tế, người bệnh người nhà người bệnh, người tham gia quản lý chất thải y tế và các đối tượng liên quan, tất cả những người tham gia thu gom, lưu trữ, vận chuyển xử lý chất thải phải được trang bị phương tiện phòng hộ. Bên cạnh đó ThS. Nguyễn Xuân Thiêm cũng chỉ ra nhưng quy định về phân loại chất thải, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải với từng khu vực đặc thù trong bệnh viện. Chuyên đề Quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng chống dịch Covid-19 với sự chia sẻ của Ths.Bs Nguyễn Xuân Thiêm - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn            Công tác phòng, chống dịch đặc biệt quan trọng, cần sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các đơn vị khoa, phòng, nhân viên Bệnh viện, nêu cao tinh thần khẩn trương và quyết tâm của cán bộ y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh. Qua buổi tập huấn,góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên với công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tăng cường kiến thức, kỹ năng, khả năng phản ứng nhanh với tình huống có thể xảy ra, không để dịch lây lan rộng, đồng thời góp phần mang lại môi trường bệnh viện an toàn.  

Xem Thêm

Đoàn công tác của Sở Y tế đi kiểm tra các hoạt động phòng chống và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông
Thứ Bảy 22/08/2020 07:25:40
         Nhằm đánh giá việc khẩn trương đẩy mạnh các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đồng thời chấm điểm các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch, sáng ngày 15/8/2020, Đoàn công tác của của Sở Y tế thành phố Hà Nội do đồng chí Tô Tử Anh - Phó Phòng quản lý hành nghề Y dược tư nhân làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông.         Đoàn công tác đã làm việc rất nghiêm túc, khách quan, đảm bảo đúng tiến độ đề ra, kiểm tra, rà soát khu vực điều trị cách ly cho bệnh nhân nội trú, khu vực khám sàng lọc, các bảng biểu chỉ dẫn, đặc biệt là công tác phân luồng cho bệnh nhân nghi nhiễm covid, để đánh giá đúng thực trạng các hoạt động phòng chống dịch bệnh covid-19 tại Bệnh viện và chấm điểm các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch. Trên cơ sở kết quả chấm điểm, phát hiện các vấn đề tồn tại cần ưu tiên giải quyết ngay để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.          Qua rà soát, kiểm tra thực tế tại bệnh viện, Đ/c Tô Tử Anh đã ghi nhận Bệnh viện đa khoa Hà Đông đảm bảo tốt công tác bố trí nhân lực, chuẩn bị cơ bản các điều kiện về phương tiện, thiết bị máy móc, thuốc, trang bị phòng hộ cho nhân viên y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, tập huấn cho toàn bộ nhân viên y tế về quy định phòng chống dịch bệnh. Bệnh viện nghiêm túc thực hiện sàng lọc, phân luồng người bệnh ngay tại cổng bệnh viện thông qua việc khai báo y tế, đo thân nhiệt, thiết lập lối đi riêng, bố trí khu vực phòng khám riêng cho những người bệnh có yếu tố dịch tễ với dịch Covid-19 như sốt, ho, khó thở. Ngoài ra, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đến bệnh viện đều phải thực hiện quy định về giãn cách, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay theo quy định của Bộ Y tế, hạn chế tổ chức thăm hỏi người bệnh trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay.         Kết quả kiểm tra, chấm điểm bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn, Bệnh viện đạt mức độ Bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 theo tiêu chí của Bộ Y tế. Đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác tăng cường, sẵn sàng ứng phó phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới của Bệnh viện. Bệnh viện đa khoa Hà Đông luôn nỗ lực phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm dịch COVID-19 tại tất cả các khoa phòng, tự giác tuân thủ nghiêm các quy định và khuyến cáo phòng chống dịch, quyết tâm cùng cả nước đẩy lùi đại dịch này. Dưới đây là một số hình ảnh của đoàn đi kiểm tra:  

Xem Thêm

Tập huấn phòng chống dịch Covid-19: Sử dụng máy thở; Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, đóng gói vận chuyển mẫu bệnh phẩm xét nghiệm Real Time RT PCR COVID-19
Thứ Sáu 14/08/2020 07:29:27
Với mục đích nâng cao nhận thức về dịch bệnh, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế thấp nhất khả năng lây bệnh cho bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện, đặc biệt không để xảy ra trường hợp nhân viên y tế bị lây nhiễm trong quá trình chăm sóc và điều trị cho người bệnh, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, nhân viên trong bệnh viện về dịch bệnh Covid-19 với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, cập nhật diễn biến dịch bệnh… Ngày 11/08/2020 Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức lớp tập huấn phòng chống dịch Covid-19 cho toàn bộ nhân viên Y tế trong đội tăng cường dự phòng chống dịch Covid-19 của bệnh viện. Buổi tập huấn, học viên được cập nhật các kiến thức bao gồm: Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, đóng gói, vận chuyển bệnh phẩm xét nghiệm Real Time RT PCR COVID-19 của BSCKII.Trần Lệ Tiến – Trưởng khoa Vi sinh; Thông khí nhân tạo xâm nhập và Thông khí nhân tạo không xâm nhập dưới sự trình bày của BSCKII.Đoàn Bình Tĩnh – Trưởng khoa Hồi sức tích cực. BSCKII.Lê Hoàng Tú - Phó giám đốc Bệnh viện phát biểu tại buổi tập huấn Phát biểu khai mạc lớp tập huấn BSCKII.Lê Hoàng Tú - Phó giám đốc Bệnh viện đã cung cấp thông tin về tình hình diễn biễn phức tạp của đại dịch Covid-19 đồng thời, nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch đặc biệt quan trọng, cần sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các đơn vị khoa, phòng, nhân viên Bệnh viện nêu cao tinh thần khẩn trương và quyết tâm của cán bộ y tế bệnh viện trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tại buổi tập huấn, BSCKII.Trần Lệ Tiến – Trưởng khoa Vi sinh đã đề cập nội dung trong “Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, đóng gói, vận chuyển bệnh phẩm xét nghiệm Real Time RT PCR COVID-19”, trong đó nội dung tập huấn cũng đề cập đến các lưu ý phải đảm bảo an toàn sinh học như: Trang phục bảo hộ cá nhân (BHCN) được cho vào túi ni lông chuyên dụng cùng với các dụng cụ bẩn, phải được buộc chặt và sấy ướt ở nhiệt độ 120°C/30 phút hoặc đốt tại lò đốt rác. Rửa tay xà phòng và tẩy trùng bằng chloramine 0,1% toàn bộ dụng cụ và khu vực lấy mẫu, phích lạnh dùng cho vận chuyển mẫu. Tránh làm hỏng, mất mẫu, không làm nhiễm các mẫu với nhau, tránh phơi nhiễm người với mẫu và tránh lây nhiễm ra môi trường xung quanh. Các giấy tờ về mẫu (phiếu yêu cầu xét nghiệm, phiếu điều tra ca mắc covid…) không để tiếp xúc với bệnh phẩm. Lựa chọn đường vận chuyển mẫu, thuận tiện và an toàn cho các khu vực khác (khu vực tập trung bệnh nhân, khu hành chính…). Người lấy mẫu biết sử lý sự cố tràn đổ mẫu bệnh phẩm. Khử trùng hộp đựng mẫu lớp thứ hai hoặc thứ 3 trước khi tái sử dụng. BSCKII.Trần Lệ Tiến – Trưởng khoa Vi sinh trình bày về chuyên đề “Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, đóng gói, vận chuyển bệnh phẩm xét nghiệm Real Time RT PCR COVID-19” Tiếp theo buổi tập huấn, BSCKII.Đoàn Bình Tĩnh – Trưởng khoa Hồi sức tích cực tập huấn về nội dung “Thông khí nhân tạo xâm nhập và Thông khí nhân tạo không xâm nhập” . Về Thông khí nhân tạo xâm nhập là thông khí nhân tạo qua nội khí quản(NKQ) và mở khí quản và thông khí nhân tạo xâm nhập qua nội khí quản vẫn là biện pháp hỗ trợ hô hấp cơ bản nhất cho các trường hợp suy hô hấp nặng. Mục tiêu của thông khí nhân tạo xâm nhập là: Đảm bảo thay thế chức năng của phổi; PaO2, aCO2, PH phải thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý, từng chỉ định thở máy; Hạn chế các biến chứng thở máy: Biến chứng liên quan đến chăm sóc như tắc ống, tuột ống , xẹp phổi, viêm phổi, tắc tĩnh mạch sâu, loé…Biến chứng do đặt các thông số không phù hợp như chấn thương áp lực, tụt huyết áp…tiếp đến BSCKII.Đoàn Bình Tĩnh có đề cấp đến nội dung về chỉ định, chống chỉ định một số phương thức thông khí, các chế độ thở, các biến của nhịp thở. Theo đó, Thông khí nhân tạo không xâm nhập: Được dùng để chỉ các hình thức thông khí nhân tạo qua mặt nạ hoặc các dụng cụ tương tự mà không qua nội khí quản. Thông khí nhân tạo không xâm nhập không áp dụng trên bệnh nhân hôn mê, nó chỉ hiệu quả khi bệnh nhân tỉnh hợp tác tốt với máy thở. Qua đó, những trường hợp áp dụng thông khí nhân tạo không xâm nhập là: Nguy cơ suy hô hấp do mệt cơ mà có thể hồi phục trong 24 – 48h; Suy hô hấp ở mức độ vừa và nhẹ: Đợt cấp của COPD, hen phế quản cấp, phù phổi cấp huyết động, ARDS, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, phù nề thanh môn sau rút ống NKQ; Trong cai thở máy có thể rút ống NKQ sớm và dùng phương pháp thông khí không xâm nhập; Trong suy hô hấp mãn tính, hộ chứng ngừng thở khi ngủ. Và ngược lại những trường hợp không áp dụng thông khí nhân tạo không xâm nhập là: Suy hô hấp nguy kịch; Có chấn thương hay biến dạng ở mặt; Ngừng thở; Tăng tiết đờm, ho khạc kém; Rối loạn nhịp tim, rối loạn huyết động; Tắc nghẽn đường hô hấp trên; Bệnh nhân không hợp tác, hôn mê, không tự bảo vệ đường thở được.   BSCKII.Đoàn Bình Tĩnh – Trưởng khoa Hồi sức tích cực trình bày chuyên đề “Thông khí nhân tạo xâm nhập và Thông khí nhân tạo không xâm nhập” Kết thúc buổi tập huấn, BSCKII.Lê Hoàng Tú nhận định buổi tập huấn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên với công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tăng cường kiến thức, kỹ năng, khả năng phản ứng nhanh với tình huống có thể xảy ra, không để dịch lây lan rộng, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, đồng thời góp phần mang lại môi trường bệnh viện an toàn, không để cán bộ, công nhân viên hoang mang, lo sợ trước tình hình diễn biến của dịch bệnh, … từ đó triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh tại Bệnh viện.

Xem Thêm

DANH MỤC TIN
Tìm Kiếm
69vn188bet