Bác sỹ chuyên khoa Nhi BVĐK Hà Đông khuyến cáo một số biện pháp phòng tránh bệnh đường hô hấp cho trẻ
Thứ Ba 05/12/2023 09:31:37
 Vào giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, lại thêm không khí lạnh và ẩm là điều kiện thuận lợi gây ra các bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ.  Viêm đường hô hấp trên ở trẻ đa phần là những bệnh tự khỏi, chỉ sau 5-6 ngày là bệnh đã bắt đầu lui dần tiến tới khỏi sau 2 tuần. Tuy nhiên bệnh có thể nặng lên ở những đối tượng mẫn cảm như trẻ em dưới 1 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và gây nhiều biến thể nghiêm trọng. Trong thời gian gần đây tại BVĐK Hà Đông số lượng bệnh nhi mắc các bệnh đường hô hấp nhập viện tăng cao, trong đó tỉ lệ các bệnh như cúm A, SRV, viêm phổi… chiếm tỉ lệ nhiều. Trong đó có nhiều trẻ có những triệu chứng tổn thương nặng cấp tính nguy hiểm. Theo BSCK II Nguyễn Thùy Dương Trưởng khoa Nhi – BVĐK Hà Đông khuyến cáo khi có các biểu hiện như: ho, hắt hơi, chảy nước mũi, mệt mỏi, tức ngực, khó thở, đau đầu, … nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn, tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc điều trị tại nhà mà không có sự theo dõi, giám sát hướng dẫn của NVYT. Theo bác sĩ Dương, ở người mắc cúm A, hay gặp nhất là tình trạng viêm phổi, đặc biệt bệnh nhân có thể viêm phổi dạng tiến triển nhanh, có thể suy hô hấp dẫn đến tử vong. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Thùy Dương khuyến cáo, cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như Covid-19. Để phòng bệnh, người bệnh vẫn cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc đông người ở các hội họp đám đông. Ngoài ra BS CKII Nguyễn Thùy Dương cũng khuyến cáo để chủ động phòng chống các bệnh đường hô hấp, trong đó có cúm A, người dân cần thực hiện đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Mỗi người cũng cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh. Người dân cần hạn chế tiếp xúc với hoặc trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Đặc biệt, đối với các bệnh đã có vaccine phòng bệnh, người dân nên tiêm vaccine đúng lịch, vì đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

Xem Thêm

Cảnh giác với sốt xuất huyết không có triệu chứng điển hình
Thứ Hai 27/03/2023 10:51:59
Sốt xuất huyết nằm trong danh sách những bệnh truyền nhiễm phổ biến, xảy ra theo mùa và gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời do 1 số người bệnh không có triệu chứn điển hình. Do không có triệu chứng điển hình nên bệnh nhân không biết mình mắc sốt xuất huyết nên chủ quan tự điều trị tại nhà cho tới khi dấu hiệu trở nặng , nguy kịch mới nhập viện. Bác sĩ CKII Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Các Bệnh Nhiệt Đới – BVĐK Hà Đông cho biết tại bệnh viện số ca nhập viện do sốt xuất huyết tăng, trong đó tỷ lệ người lớn cao hơn trẻ em. Số ca bệnh người lớn chiếm khoảng 60%, trong 25 ca thì có 3-4 ca chuyển nặng. BS Kim Anh chia sẻ “Sốt xuất huyết có 3 giai đoạn: Sốt-nguy hiểm- hồi phục. Sốt xuất huyết từ ngày thứ 3-7 của bệnh triệu chứng giảm hoặc hết sốt nên người bệnh tưởng là khỏi nhưng từ ngày thứ 3 của bệnh là chuyển sang giai đoạn nguy hiểm của bệnh sẽ có các dấu hiệu cảnh báo người bệnh chủ quan nên không nhập viện mà ở nhà dẫn đến tử vong..” “Ghi nhận ban đầu cho thấy so với các đợt trước, đợt sốt xuất huyết lần này do các chủng gây bệnh diễn biến phức tạp hơn, số ca chuyển nặng nhiều, đặc biệt ở người lớn”, bác sĩ  Kim Anh nói thêm. Ngoài ra, theo bác sĩ Kim Anh, trong đợt này có những trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, người bệnh không sốt, chỉ viêm họng nhưng đến khám, kết quả xét nghiệm dương tính sốt xuất huyết. Hoặc có những trẻ nhỏ không sốt cao, không có dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết mà kèm các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, hô hấp nên phụ huynh và cả phòng khám thường bỏ qua, chẩn nhầm lẫn dẫn đến nhập viện muộn, chuyển nặng. Theo bác sĩ Kim Anh, có nhiều trường hợp sốc sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi, biểu hiện sốt không cao kèm với triệu chứng tiêu hóa nên phụ huynh, ngay cả nhân viên y tế, dễ mất cảnh giác chỉ nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nhiễm trùng. Đã có trường hợp bé 7 tháng tuổi đến nhập viện với triệu chứng sốt, tiêu lỏng, gia đình tưởng rối loạn tiêu hóa, chỉ điều trị tại nhà tới khi trẻ co giật tím tái mới nhập viện khiến cho việc điều trị khó khăn phức tạp  và nguy hiểm tới tính mạng. Theo hướng dẫn của BS CK II Trần Thị Kim Anh, một số trường hợp sốt xuất huyết có thể theo dõi tại nhà, tuy nhiên việc theo dõi tại nhà cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Lau mát tích cực để hạ sốt. Khi cần dùng thuốc để hạ sốt chỉ nên dùng Paracetamol, không nên dùng Aspirin hoặc Ibuprofen. Ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, không dùng thức ăn nước uống có màu đỏ, đen, nâu. Uống nhiều nước để bù vào lượng nước đã mất do sốt cao, ăn uống kém, có thể uống các loại nước dinh dưỡng từ trái cây để cung cấp thêm vitamin, chất khoáng năng lượng. Liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ và nhập viện khi có dấu hiệu chuyển nặng.

Xem Thêm

BVĐK Hà Đông: Khoa Cấp cứu khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa Đột quỵ bằng cách thường xuyên tầm soát sức khỏe và thay đổi lối sống lành mạnh
Thứ Tư 09/11/2022 11:09:06
Đột quỵ là một căn bệnh cấp tính. Đột quỵ xảy ra khi xuất hiện hiện tượng vỡ mạch máu não hoặc tắc mạch khiến dòng máu lên nuôi não bị ngưng trệ, không tuần hoàn. Nếu không được điều trị kịp thời, các tế bào trong não sẽ nhanh chóng bị ngừng hoạt động. Điều này có thể khiến cho người bệnh đối mặt với di chứng tàn tật, thậm chí là tử vong. Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh tư liệu) Ngày đột quỵ thế giới được tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) lấy là ngày 29/10 hàng năm và bắt đầu tổ chức thường niên vào năm 2006. Chủ đề của ngày Đột quỵ thế giới 2022 là “Năng lực cứu sống” (The power of saving). Ngày Đột quỵ thế giới là một cơ hội để nâng cao nhận thức về tính chất nghiêm trọng và tỷ lệ cao của đột quỵ và nói về những cách mà chúng ta có thể giảm gánh nặng đột quỵ thông qua nhận thức cộng đồng tốt hơn về các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu của đột quỵ. Đây cũng là cơ hội để vận động hành động của các nhà hoạch định ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, những điều cần thiết để cải thiện công tác phòng ngừa đột quỵ, tiếp cận điều trị cấp tính và hỗ trợ cho những người sống sót và người chăm sóc. Theo thống kế của WHO có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ mới mỗi năm. Trên thế giới, cứ bốn người trên 25 tuổi thì có một người sẽ trải qua một cơn đột quỵ trong cuộc đời của họ. Mỗi năm, hơn 62% tổng số ca đột quỵ xảy ra ở những người dưới 70 tuổi và 47% cơn đột quỵ xảy ra ở nam giới. Đối với năm 2021 và 2022, chiến dịch sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức về các dấu hiệu của đột quỵ và nhu cầu tiếp cận kịp thời với điều trị đột quỵ chất lượng. BSCKII Nguyễn Thành Trung – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Hà Đông chia sẻ về vấn đề này. PV: Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã ứng dụng những kỹ thuật gì để cấp cứu các bệnh nhân đột quỵ? BSCKII Nguyễn Thành Trung: Trong những năm qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã điều trị thành công nhiều bệnh nhân đột quỵ. Cụ thể tính từ đầu năm 2022 đến nay khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã điều trị thành công cho 230 ca đột quỵ. Bệnh viện đã ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong cấp cứu đột quỵ như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, khai thông mạch não bằng điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong nhồi máu não cấp…cùng đội ngũ y bác sỹ có trình độ chuyên môn, có kỹ năng cấp cứu người bệnh đột quỵ, thường xuyên được đào tạo, nâng cao tay nghề qua các hội thảo, tập huấn và thực hành tại các bệnh viện tuyến trung ương để nâng cao chất lượng điều trị, làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như tàn phế cho người bệnh. PV: Xin bác sĩ cho biết những dấu hiệu nhận biết tình trạng đột quỵ sớm? BSCKII Nguyễn Thành Trung: Một số dấu hiệu nhận biết tình trạng đột quỵ sớm theo khuyến cáo của WHO: (F.A.S.T) Một là, khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó. Có thể bảo bệnh nhân cười và quan sát. Hai là, đột ngột cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Hãy bảo bệnh nhân giơ tay lên và so sánh, nếu hai tay không thể nâng qua đầu cùng lúc thì có khả năng người đó bị đột quỵ. Ba là, đột ngột nhức đầu dữ dội hay chóng mặt, bệnh nhân không yếu liệt chi nhưng không thể ngồi hay đi đứng được như người bình thường. Bốn là, đột ngột mất thị lực: Mờ mắt, nhìn không rõ Năm là, giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ. Có thể yêu cầu người đó nói những câu đơn giản, nếu không thể nhắc lại được thì người đó có dấu hiệu bị đột quỵ. PV: Những đối tượng nào có thể có nguy cơ bị đột quỵ, thưa bác sĩ? BSCKII Nguyễn Thành Trung: Bất kỳ ai cũng có thể có nguy cơ bị đột quỵ. Đặc biệt, những người có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ bao gồm những người mắc bệnh tăng huyết áp; mắc bệnh đái tháo đường; rối loạn lipid máu; các bệnh lý tim mạch như bệnh van tim, rung nhĩ…; hẹp động mạch cảnh; bệnh hồng cầu hình liềm; rối loạn tăng đông; liên quan đến chế độ ăn, uống không hợp lý như ăn mặn, uống rượu; ít vận động; béo phì; dùng thuốc ngừa thai; hút thuốc lá hoặc lạm dụng thuốc: cocain, thuốc phiện, amphetamine; từng bị chấn thương đầu, cổ; có tiền sử gia đình bị đột quỵ... Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ hiếm gặp hoặc còn bàn cãi khác như tăng homocystein máu, mắc bệnh MELAS, CADASIL, rối loạn dễ chảy máu, phình mạch não… Đặc biệt, với những người đã từng bị đột quỵ, nguy cơ đột quỵ tái phát cao hơn người khỏe mạnh. PV: Xin bác sĩ cho biết, thời gian vàng cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân đột quỵ? BSCKII Nguyễn Thành Trung: Thời gian vàng “cấp cứu” cho người bệnh thuộc trường hợp thiếu máu não, từ khi khởi phát cơn đột quỵ đến 4,5 giờ hoặc 6 giờ đầu là áp dụng phương pháp sử dụng thuốc tan máu đông bằng cách tiêm qua đường tĩnh mạch rTPA. Trong vòng 6 giờ là áp dụng cho phương pháp can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Qua cột mốc 6 giờ người bệnh có thể rơi vào hôn mê sâu, bị tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong do mạch máu không được khai thông kịp thời. Còn đối với trường hợp xuất huyết não thời gian vàng “cấp cứu” theo nguyên tắc chung cấp cứu càng sớm càng tốt trong 3 giờ đầu tiên. Phương pháp điều trị và hiệu quả tùy thuộc vào nguyên nhân, vị trí và mức độ xuất huyết. PV: Để chủ động phòng chống đột quỵ, bác sĩ có khuyến cáo gì tới người dân? BSCKII Nguyễn Thành Trung: Người dân có thể chủ động phòng ngừa đột quỵ bằng cách thường xuyên tầm soát sức khỏe để phát hiện các yếu tố bất thường. Việc tầm soát đột quỵ sẽ tìm các nguyên nhân tạo ra cục máu đông làm tắc mạch não hoặc nguyên nhân làm vỡ mạch não để theo dõi và điều trị kịp thời. Tầm soát đột quỵ nhằm kiểm soát và điều trị những bệnh mạn tính vốn là nguy cơ chính gây đột quỵ như điều trị tăng huyết áp; phát hiện sớm và điều trị bệnh tim; điều trị bệnh đái tháo đường; điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ; điều trị hẹp động mạch chủ có triệu chứng; điều trị chống kết tập tiểu cầu hoặc kháng đông tùy trường hợp... Đồng thời, để chủ động phòng chống đột quỵ, mọi người cần thay đổi lối sống như cai thuốc lá, cai rượu, giảm stress, có chế độ ăn lành mạnh, giảm mặn, giảm đường, giảm béo, duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp, tập thể dục thường xuyên… Đặc biệt, người bệnh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ với các bệnh lý nguy cơ và bệnh lý mạn tính. Thực hiện một cách nghiêm túc toàn bộ các chỉ định của thầy thuốc. Tuân thủ điều trị không chỉ giới hạn ở việc sử dụng thuốc mà còn phải tuân thủ tất cả các chỉ định khác của thầy thuốc, bao gồm chế độ sinh hoạt, tập luyện, ăn uống… Việc không tuân thủ điều trị các bệnh lý nguy cơ của đột quỵ không những làm gia tăng khả năng đột quỵ mà còn đẩy nhanh các biến chứng nặng nề như suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim …. Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Xem Thêm

5 khuyến cáo để chủ động phòng, chống Cúm mùa
Thứ Tư 17/08/2022 09:23:47
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm. Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A). Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo: 1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. 2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. 3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. 4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. 5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.    

Xem Thêm

Cúm A: Những điều cha mẹ cần biết
Thứ Hai 15/08/2022 09:31:01
Cúm A là gì? Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là A/H5N1, A/H1N1, A/H3N2, A/H7N9, Bệnh cúm A rất dễ nhầm lẫn với các bệnh cảm thông thường do triệu chứng tương tự nhau, khó phân biệt.  Dấu hiệu nhận biết Thông thường, để nhận biết cúm A, người bệnh căn cứ vào các biểu hiện như: sốt, nhức đầu, đau mình, hắt hơi, chảy mũi. Nếu sốt cao hoặc không được xử trí đúng cách, người bệnh sẽ bị mất nước, li bì, rối loạn điện giải, một số trẻ thậm chí có dấu hiệu co giật. Ngoài ra, một số triệu chứng đi kèm với sốt do cúm A như viêm họng, hắt hơi, ho. Những trường hợp cúm A kéo dài, bệnh diễn biến nghiêm trọng có thể gây tức ngực, khó chịu và ho khan. Ở trẻ bị nhiễm cúm A, triệu chứng sốt thường phổ biến với trẻ dưới 24 tháng tuổi. Khi cúm A ở thể nhẹ, trẻ có thể sốt từ 38 độ trở lên, kèm theo nhức đầu, mỏi cơ, lười vận động, ho. Trong một số trường hợp, trẻ có thể nôn trớ nhiều lần, háo nước,… Trẻ mắc cúm A nghiêm trọng có thể bỏ bú, bỏ ăn, lòng bàn tay, gan bàn chân lạnh, thở nhanh, li bì. Một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, trẻ có thể sốt cao kèm co giật. Biến chứng: Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc cúm và nguy cơ cao gặp các biến chứng cúm do hệ miễn dịch còn chưa phát triển toàn diện. Đặc biệt, ở những trẻ có bệnh nền như hen suyễn, có bất thường về thần kinh, trẻ có bệnh mãn tính, tim mạch, bệnh về máu, nội tiết, thận, gan hoặc bệnh lý rối loạn chuyển hóa, thừa cân, sử dụng corticoid, aspirin hoặc hóa trị liệu kéo dài, trẻ nhiễm HIV thường có nguy cơ gặp những biến chứng cao hơn so với những đứa trẻ bình thường. Một số biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc cúm A gồm: suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát,… Những biến chứng do cúm A gây ra nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể gây tử vong. Khi nào cần đưa trẻ đến viện: Sốt cao từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt; Trẻ li bì, mệt mỏi, kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh; Co giật; Khó thở, thở nhanh. Cúm A lây lan như thế nào? Virus cúm A có thể lây truyền trực tiếp trong không khí thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, các giọt bắn kèm theo virus thoát ra ngoài có thể tiếp cận người khác và lây truyền bệnh bằng việc hít phải hoặc chạm phải đồ vật có virus. Ngoài ra, một người có thể bị nhiễm cúm A khi: Sử dụng chung vật dụng sinh hoạt với người bị nhiễm bệnh (ly, chén, muỗng, khăn, quần áo,…) hoặc vô tình tiếp xúc với các đồ dùng trong nhà (nắm cửa, bàn, ghế,…) sau đó đưa lên mũi, miệng; Tiếp xúc với các động vật có nhiễm cúm như lợn, ngựa, gia cầm,… cũng có thể lây bệnh; Tập trung nơi đông người như trường học, công viên, nơi công sở,… cũng là điều kiện để virus lây lan nhanh chóng. Ai dễ bị cúm A? Đối tượng nào cũng có thể mắc cúm A, tuy nhiên một số trường hợp sau cần chú ý có nguy cơ mắc cao và diễn tiến nặng hơn: Trẻ em < 5 tuổi, trong đó trẻ em <2 tuổi có nguy cơ nhiễm cao nhất; Người lớn >65 tuổi; Những người có bệnh mãn tính: Tiểu đường, tim phổi, suy thận, suy gan và suy giảm miễn dịch; Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng giữa hoặc cuối thai kỳ; Bệnh nhân suy giảm khả năng nhận thức, rối loạn thần kinh, động kinh,…Những người làm việc ở môi trường đông người như trường học, bệnh viện, công sở có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Điều trị cúm A Đa số các loại cúm A có thể khỏi sau 7-10 ngày nếu điều trị đúng cách. Đối với các trường hợp mắc cúm A, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tại nhà, chỉ một số ít bệnh nhân chuyển biến nặng cần phải nhập viện. Điều trị tại nhà: Để người bệnh nghỉ ngơi nhiều nhất có thể; Vệ sinh mũi họng hàng ngày; Uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ; Uống nhiều nước, ăn uống chế độ hợp lý, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đồ ăn dễ tiêu hóa, hạn chế uống nước lạnh, Trẻ nhỏ dưới 6 tháng  tiếp tục bú mẹ nhiều bữa; Tắm nước ấm, mặc quần áo nhẹ, thông thoáng để giảm nhiệt độ cơ thể; Nếu trường hợp sau 7 ngày các triệu chứng vẫn chưa thuyên giảm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời; Trong thời gian đó, người bệnh nên hạn chế ra ngoài những nơi công cộng hoặc tiếp xúc với nhiều người, nếu có thì phải mang khẩu trang y tế. Điều trị tại cơ sở y tế: Những trường hợp tiến triển nặng, người nhà cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở khám chữa bệnh để được điều trị kịp thời; Thuốc được chỉ định để điều trị cúm A không biến chứng cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn là Tamiflu. Nếu thuốc được dùng trong 48 giờ, thời gian điều trị sẽ rút ngắn còn 1-3 ngày. Các trường hợp biến chứng nặng sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị cùng các loại thuốc kháng sinh khác; Lưu ý thuốc Tamiflu không phải là thuốc đặc trị chữa cúm A mà chỉ là thuốc hỗ trợ điều trị. Phòng ngừa cúm A Theo Bộ Y tế khuyến cáo nên thực hiện những biện pháp sau: Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc cúm: Nên đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác bệnh. Từ đó, có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh; Vệ sinh cá nhân cẩn thận: Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch cồn hoặc xà bông tiệt trùng sau khi cầm nắm đồ vật hoặc đến nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc người nghi mắc cúm, tránh tập trung nơi đông người trong mùa dịch; Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc với dung dịch sát khuẩn, mở cửa sổ thông thoáng; Tăng cường sức đề kháng bằng việc tập luyện thể dục, chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh; Tiêm vắc xin cúm đầy đủ, đúng lịch, nhất là các đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cao cần được tiêm phòng trước mùa dịch. Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi: Bs chuyên khoa II. Nguyễn Thị Thùy Dương

Xem Thêm

'Đổi gió' quan hệ tình dục tư thế lạ, nhiều quý ông 'gãy súng'
Thứ Tư 06/07/2022 10:40:38
   ThS.BSCII Nguyễn Quốc Đông - Phó Trưởng khoa Ngoại thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, các bác sĩ tại đây đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu thành công cho 5 trường hợp bệnh nhân nam vỡ vật hang sau quan hệ tình dục sai tư thế. Các bệnh nhân có độ tuổi từ 28 – 45 tuổi.    Đa số các trường hợp trên vào viện trong tình trạng đái ra máu, sưng tím toàn bộ dương vật, tụ máu lớn vùng bìu tầng sinh môn. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ vật hang dương vật do quan hệ tình dục sai tư thế.    Điển hình là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn T. ( 38 tuổi, địa chỉ Phú La, Hà Đông) vào viện với chẩn đoán vỡ vật hang được chỉ định mổ cấp cứu, xử lý khâu cân trắng vật hang. Sau phẫu thuật 5 đến ngày khâu lại vật hang thì bệnh nhân đã được xuất viện. Bs Đông thăm khám cho bệnh nhân T    ThS.BSCII Nguyễn Quốc Đông cho hay, nguyên nhân vỡ vật hang thường xảy ra lúc dương vật cương cứng cao độ. Chỉ cần một tác động nhẹ làm gập góc dương vật hoặc va chạm vào dương vật cũng đủ làm cho các lớp vỏ vật hang bị vỡ ra gây chảy máu từ vật hang ra ngoài:    Các tình huống có thể gây vỡ vật hang:   + Quan hệ tình dục vội vàng, lăn lộn nhiều vòng trong lúc quan hệ   + Quan hệ tư thế đặc biệt làm dương vật gập góc và gãy   + Tự bẻ dương vật   + Do bị đập vào vật cứng hoặc ngoại lực mạnh tác động vào lúc đang cương cứng...    Theo các bác sĩ, khi vật hang bị vỡ rách (rách lớp vỏ trắng) máu thoát ra ngoài gây máu tụ, dương vật biến dạng vẹo lệch, để lại những biến chứng như: cong vẹo dương vật, đái khó, đau khi cương, dẫn tới rối loạn cương dương, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống tình dục của người bệnh.    Đối với các bệnh nhân bị vỡ vật hang 6 tháng sau phẫu thuật, có thể bắt đầu duy trì được hoạt động quan hệ tình dục bình thường, Vì vậy, các quý ông cần cẩn trọng khi quan hệ tình dục, tránh những tư thế lạ và tư thế không an toàn cho "cậu nhỏ".    Khi có dấu hiệu gãy dương vật, không nên ngại ngùng, mà cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để can thiệp điều trị kịp thời nhằm giúp "cậu nhỏ" tránh những biến chứng, gây khó khăn cho việc xử trí và để lại những hậu quả sau này.

Xem Thêm

Viêm gan bí ẩn (viêm gan lạ): Triệu chứng và cách phòng ngừa
Thứ Hai 30/05/2022 09:28:16
Viêm gan bí ẩn là gì? Viêm gan bí ẩn là tình trạng gan bị viêm nhiễm chưa xác định rõ nguyên nhân ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Viêm gan gây ra do nhiều nguyên nhân, thường liên quan đến nhiễm virus, phổ biến nhất là 5 loại virus viêm gan chính gồm virus A, B, C, D và E, ngoài ra những nguyên nhân ít gặp như adenovirus, CMV, EBV… Nhưng trường hợp gần đây, hàng trăm ca viêm gan bí ẩn đang được ghi nhận, không có bệnh nhân nào được tìm thấy mắc một trong 5 loại virus viêm gan phổ biến. Hiện đang nghi vấn Adenovirus chính là thủ phạm gây ra hàng loạt ca mắc viêm gan bí ẩn trên toàn cầu. Viêm gan bí ấn xuất hiện ở đâu? Vào tháng 10 năm 2021, 5 bệnh nhi bị viêm gan không rõ nguyên nhân đã được xác định ở bệnh viện trẻ em ở Alabama (Mỹ).Năm đứa trẻ đều có kết quả âm tính với viêm gan A,B,C và dương tính với adenovirus, một virus phổ biến thường gây ra bệnh cảnh như cảm lạnh hoặc cúm, triệu chứng tiêu hóa dạ dày, ruột. Ngày 31/3/2022, Cơ quan an toàn y tế Anh (UKHSA) cảnh báo về tình trạng bệnh viêm gan bí ẩn khi 5 trường hợp viêm gan bí ẩn được ghi nhận ở Anh.Kể từ đó, Vương quốc Anh báo cáo tổng cộng 163 ca viêm gan bí ẩn, hơn nửa dương tính với adenovirut.Mỹ có số ca viêm gan bí ẩn ở trẻ em cao tiếp sau Anh, đến ngày 5 tháng 5 với 109 ca ở 25 tiểu bang, trong đó trên 50% số ca có liên quan đến Adenovirus. Khoảng 90% ca viêm gan loại này ở trẻ em phải nhập viện, 14% số ca cần phải ghép gan, và 5 ca tử vong, tiếp theo là Tây Ban Nha với 13 ca và Israel với 12 ca. Số lượng ca viêm gan bí ẩn nhỏ hơn cũng được ghi nhận ở Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Italia, Na Uy, Pháp, Romania và Bỉ. Đáng báo động, viêm gan lạ cũng lan đến Đông Nam Á khi Bộ Y tế Indonesia cho biết xác định 15 ca nhiễm, 3 bệnh nhi đã nhập viện và qua đời ở thủ đô Jakarta. Trước Indonesia, tại Singapore cũng đã xác nhận 1 trường hợp viêm gan cấp tính ở bệnh nhi 10 tháng tuổi. Đến ngày 19 tháng 5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu cho biết số ca mắc bệnh viêm gan cấp và không rõ nguyên nhân ở trẻ em trên toàn cầu đã tăng lên 621 trường hợp từ 34 quốc gia. Độ tuổi nhiễm viêm gan bí ẩn Đối tượng phổ biến mắchiện nay là trẻ em trong độ tuổi từ 1 tháng đến 16 tuổi không có bệnh kèm theo, hầu hết là dưới 10 tuổi và nhiều nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Đa số trẻ em mắc bệnh này trước đó đều khỏe mạnh.Một số trường hợp đã từng mắc Covid-19 hoặc nhiễm adenovirus trước đó.Hiện nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác căn nguyên bệnh viêm gan bí ẩn, tuy nhiên, giả thuyết hàng đầu là adenovirus (loại virus chứa DNA chuỗi kép, đường kính của virus từ 70-80nm, không có vỏ bọc bên ngoài). Adenovirus là loại virus rất phổ biến ở người, đặc biệt là trẻ em. Gần như mọi đứa trẻ đều bị nhiễm adenovirus ít nhất 1 lần trước 10 tuổi, thường gây cảm lạnh thông thường với các triệu chứng giống như cúm, hoặc gây bệnh đường tiêu hóa như viêm dạ dày ruột cấp tính.. Trong đó, adenovirus type 41 chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa, là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm dạ dày – ruột cấp tính ở trẻ em, điển hình là tiêu chảy, nôn ói và sốt, thường kèm theo các triệu chứng hô hấp. Virus Adeno được coi là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây tiêu chảy trong các nghiên cứu về trẻ em nhập viện tại các nước phát triển, sau Rotavirus. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ viêm gan đều xét nghiệm dương tính adenovirus.Virus có thể gây viêm gan, song nó không phải nguyên nhân phổ biến nhất.“Việc adenovirus gây viêm gan không mới.Trước đây đã từng có những trường hợp nhiễm virus này ở trẻ suy giảm miễn dịch.Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ mắc cao hơn, gặp cả ở những trẻ khỏe mạnh”, các chuyên gia y tế hàng đầu cho hay. Cơ quan an toàn y tế Anh (UKHSA) cho biết bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn có thể là chủng adenovirus đột biến mới, hoặc bệnh nhân nhiễm adenovirus kết hợp với một số yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn đồng nhiễm loại virus khác, sau đó tiến triển thành viêm gan. Đến nay, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em có liên quan gì tới Covid-19 và vắc xin Covid-19 hay không?Hiện, không có bằng chứng cho thấy vắc xin Covid-19 liên quan gì đến sự gia tăng đột biến các ca viêm gan. Ở Anh, nơi tập trung nhiều ca viêm gan nhất, không có trường hợp nào trong số này được tiêm vắc xin Covid-19, bởi trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chưa hề được tiêm phòng vắc xin Covid-19. Triệu chứng của bệnh viêm gan bí ẩn Triệu chứng phổ biến nhất là triệu chứng về tiêu hóa, bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, sốt, nước tiểu sẫm màu hay phân nhạt màu. Triệu chứng đặc trưng nhất cần cảnh giác là vàng da hay vàng mắt. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy trẻ cũng có nồng độ men gan cao bất thường, dấu hiệu của tình trạng viêm, tổn thương gan. Cần nhận biết sớm các triệu chứng của viêm gan bao gồm: Sốt Mệt mỏi; Ăn mất ngon; Buồn nôn; Nôn mửa; Đau bụng; Nước tiểu đậm; Phân bạc màu; Đau khớp; Vàng da; Tăng nồng độ men gan (aspartate transaminase (AST) hoặc alanine aminotransaminase (ALT) trên 500 IU/L). Do adenovirus vừa lây theo đường hô hấp, đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp nên việc tuân thủ các biện pháp vệ sinh thông thường lây nhiễm theo đường hô hấp như đeo khẩu trang, không tụ tập, giữ khoảng cách là quan trọng. Phác đồ điều trị bệnh viêm gan lạ ở trẻ em hiện nay Hiện nay, vẫn chưa có phác đồ và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm gan lạ ở trẻ. Điều trị viêm gan do adenovirus gây ra chủ yếu vẫn là các biện pháp điều trị hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng phương pháp chẩn đoán và điều trị tốt ở trẻ có tình trạng viêm gan nặng là ghép gan để qua cơn nguy kịch. Những trường hợp nặng không được ghép gan đều tử vong. Vì vậy, việc phát hiện sớm triệu chứng rất có giá trị để can thiệp, điều trị cho trẻ. Nguồn tài liệu tham khảo: https://edition.cnn.com/2022/05/20/health/hepatitis-children-cases-rise/index.html https://vnvc.vn/viem-gan-bi-an/ https://www.cdc.gov/ncird/investigation/hepatitis-unknown-cause/overview-what-to-know.html https://www.who.int/emergencies/disease-outbreak-news/item/2022-DON376

Xem Thêm

Bệnh tay chân miệng – những dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh cha mẹ cần biết
Thứ Tư 25/05/2022 09:24:15
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, phần lớn thường diễn biến không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt, trẻ đột ngột tiến triển nặng và gặp phải biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, các bậc phụ huynh không nên chủ quan mà cần áp dụng các biện pháp để phòng tránh. Theo Bộ Y tế, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã ghi nhận 5.545 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 ca tử vong tại Bình Thuận. Tình hình bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng, bùng phát mạnh thời gian gần đây. Theo thống kê đến giữa tháng 5/2022 đã có 30 bệnh nhi được chẩn đoán chân tay miệng đang điều trị Khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện đa khoa Hà Đông, tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước. Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, phần lớn thường diễn biến không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt, trẻ đột ngột tiến triển nặng và gặp phải biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, các bậc phụ huynh không nên chủ quan mà cần áp dụng các biện pháp để phòng tránh. Theo Bộ Y tế, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã ghi nhận 5.545 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 ca tử vong tại Bình Thuận. Tình hình bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng, bùng phát mạnh thời gian gần đây. Theo thống kê đến giữa tháng 5/2022 đã có 30 bệnh nhi được chẩn đoán chân tay miệng đang điều trị Khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện đa khoa Hà Đông, tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước. Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Ở vùng khí hậu nhiệt đới bệnh thường xuất hiện vào mùa hè và đầu thu. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc tay chân miệng tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Thời điểm này đang là những tháng cao điểm của dịch bệnh, do ảnh hưởng từ dịch Covid – 19 làm đẩy lùi thời gian đến trường của học sinh. Các em tập trung đông trở lại học tập sau thời gian dài nghỉ dịch trong điều kiện vệ sinh lớp học chưa đảm bảo là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát, lây lan”, Bác sĩ Trần Kim Anh – Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết. Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước hoặc phân của người nhiễm bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Do đó, những trẻ học lớp mầm non, mẫu giáo có nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn vì trong quá trình học tập, vui chơi, trẻ có thể bị lây chéo qua đường miệng do chơi cùng các đồ chơi và thói quen ngậm đồ chơi vào miệng. Do mức độ lưu hành rộng của các virus ruột, phụ nữ có thai cũng có thể nhiễm bệnh. Nhiễm virus đường ruột trong thai kỳ thường gây nên bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên nếu thai phụ nhiễm bệnh trong một thời gian ngắn trước khi sinh có thể truyền virus cho trẻ sơ sinh. Đa số trẻ này chỉ biểu hiện nhẹ nhưng nếu bệnh xuất hiện trong hai tuần đầu sau sinh thường có nguy cơ rối loạn chức năng gan, phổi, não, tỷ lệ tử vong cao. Anh cho biết: Thời gian ủ bệnh tay chân miệng trong khoảng 3 – 7 ngày, không triệu chứng. Dấu hiệu đặc trưng nhận biết bệnh tay chân miệng ở giai đoạn khởi phát là sốt nhẹ 37,5 – 38 độ C, đi ngoài phân lỏng hoặc nát 1-3 lần/ngày, trẻ quấy khóc, biếng ăn, kém linh hoạt, đau họng. Giai đoạn toàn phát, trẻ có biểu hiện loét miệng, niêm mạc má, lợi, lưỡi xuất hiện chấm đỏ hình thành các phỏng nước, phát ban dạng phỏng nước trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, sốt nhẹ, nôn. Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.  Bệnh tay chân miệng có một thể lâm sàng gọi là tối cấp diễn tiến rất nhanh với các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong vòng 24-48 giờ. Bệnh tay chân miệng được phân thành 4 cấp độ bệnh từ nhẹ đến nặng lần lượt là I, II, III,IV. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ nhẹ nhất (độ I) với dấu hiệu chỉ loét miệng và tổn thương da có thể điều trị tại nhà, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và hạ sốt cao bằng Paracetamol liều 10 mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ, cho trẻ nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh kích thích. Khi trẻ sốt cao trên 39 độ, thở nhanh, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh thì phụ huynh cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị. Những sai lầm thường gặp của cha mẹ khi điều trị tay chân miệng tại nhà cho trẻ? Về vấn đề này, bác sĩ cho biết: “Khai thác tiền sử trường hợp bệnh nhi nhập viện tay chân miệng tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, trước khi bé nhập viện bị sốt nhẹ 3 ngày đầu tiên khoảng 37,8 độ, bố mẹ đã cho các bé dùng kháng sinh, hạ sốt, chống nôn. Việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh tay chân miệng do virus gây ra là không đúng vì kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra. Trường hợp các bé mắc tay chân miệng mà kết quả xét nghiệm có viêm nhiễm do vi khuẩn thì bác sĩ mới cân nhắc kê kháng sinh điều trị. Vì vậy, thay vì tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, ngay khi các bé khi có dấu hiệu bệnh tay chân miệng, cha mẹ nên đưa bé đến khám tại cơ sở y tế để xác định mức độ diễn biến của bệnh, nghe tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp từ bác sĩ chuyên khoa. Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng mà chỉ điều trị triệu chứng và đề phòng các biến chứng nặng của bệnh. Do vậy, vấn đề vệ sinh là biện pháp phòng ngừa tốt nhất giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ trước dịch bệnh và hạn chế dịch bệnh lây lan. Cụ thể: Người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt), trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ… Đồng thời hướng dẫn trẻ thực hiện rửa tay đúng cách hàng ngày. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa. Thực hiện ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi. Cách ly trẻ bệnh tại nhà; Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh... Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có thể điều trị tại nhà theo phác đồ của Bác sĩ. Bệnh thường tự khỏi sau 5 – 7 ngày mà không gây ra nhiều nguy hiểm cho trẻ. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, bệnh tay chân miệng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng khác. Vì vậy, bố mẹ cần đưa trẻ thăm khám càng sớm càng tốt khi có các dấu hiệu bất thường.

Xem Thêm

Những lưu ý khi chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp
Thứ Sáu 20/05/2022 09:25:44
Đặc điểm của bệnh nhân tăng huyết áp là tiến triển kéo dài và ngày càng nặng dần nếu không được điều trị và chăm sóc tốt. Bệnh để lại di chứng rất nặng và có thể tử vong do những biến chứng của bệnh hoặc do tai biến điều trị. Vì thế bệnh nhân tăng huyết áp và gia đình cần phải biết các nguyên nhân, các yếu tố thuận lợi làm tăng huyết áp cũng như cách phát hiện các biến chứng tăng huyết áp, cách phòng, điều trị và theo dõi bệnh nhân tăng huyết áp.  Về chăm sóc cơ bản Nên để bệnh nhân nghỉ ngơi, tránh gắng sức, căng thẳng, thức đêm. Nên tập thể dục nhẹ, đi bộ thư giãn, bơi lội. Ăn uống đủ năng lượng, nhiều sinh tố và hạn chế muối dưới 5g muối, hạn chế mỡ, các chất béo động vật, kiêng rượu, thuốc lá, chè đặc, nên ăn nhiều hoa quả tươi. Vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, vệ sinh răng miệng và da để tránh các ổ nhiễm khuẩn, phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng để có hướng điều trị cho bệnh nhân . Ngoài ra nên tránh các yếu tố kích thích cho người bệnh. Bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân và gia đình về tình trạng bệnh tật. Hướng dẫn bệnh nhân cách tự theo dõi các tác dụng phụ của thuốc. Đồng thời nhân viên y tế theo dõi các vấn đề sau: -Dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở. -Tình trạng tổn thương mắt, thận và tim mạch.Các biến chứng của tăng huyết áp.-Tình trạng sử dụng thuốc và các biến chứng do thuốc gây ra, đặc biệt chú ý các thuốc có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng hay các thuốc hạ huyết áp mạnh. -Một số xét nghiệm như: bilan lipid máu, công thức máu, ure và creatinin máu điện tim, siêu âm tim và chụp X quang tim phổi, soi đáy mắt…  Giáo dục sức khoẻ  Giáo dục cho bệnh nhân và gia đình về các nguyên nhân, các yếu tố thuận lợi làm tăng huyết áp Dự phòng cấp I: đối với những người chưa bị tăng huyết áp cần lưu ý vấn đề sinh hoạt hàng ngày nhất là các thói quen có hại sức khỏe phải khám định kỳ để phát hiện tăng huyết áp hay các bệnh liên quan. Trong đối tượng này chú ý đến những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao cho dù những lần đầu chưa phát hiện tăng huyết áp nhưng cần trao đổi tuyên truyền để phối hợp dự phòng cùng nhân viên y tế tuyến trước. Dự phòng cấp II: đối với người đã tăng huyết áp, cần phải chặt chẽ hơn nữa trong chế độ ăn uống, nghỉ ngơi theo dõi huyết áp đều đặn và có kế hoạch điều trị ngoại trú để theo dõi tiến triển, tác dụng phụ của thuốc. Cần chú ý yếu tố kinh tế trong điều trị vì đây là một liệu trình lâu dài, tốn kém. Có 6 cách phòng bệnh ngay từ đầu: Tránh béo phì. Tăng hoạt động thể lực. Thay đổi lượng muối trong chế độ ăn (< 2,4g/ngày tương đương với khoảng 6g muối ăn natri clorid). Thay đổi lượng rượu bia đối với những người uống quá nhiều. ủy ban quốc gia Hoa Kỳ về phòng chống tăng huyết áp JNC-VI khuyên mỗi ngày chỉ nên uống không quá 1 ounce đối với nam và 1/2 ounce đối với nữ (1 ounce khoảng 29,6 ml rượu whisky). Bỏ hút thuốc lá. Theo dõi huyết áp. Bệnh nhân thay đổi lối sống: Giảm cân nếu quá cân. Hạn chế uống rượu: trong mỗi ngày uống không quá 30 ml ethanol, tương đương 720 ml bia, 300 ml rượu vang, 60 ml whisky đối với nam giới, nữ giới và người nhẹ cân uống bằng một nửa nam giới. Tăng hoạt động thể lực: 30-40 phút hàng ngày. Giảm lượng muối ăn vào. Duy trì đủ chế độ kali qua chế độ ăn ư Duy trì calci và magnesi cần thiết. Ngừng hút thuốc lá. Giảm ăn các chất béo và mỡ bão hòa.

Xem Thêm

Hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai
Thứ Hai 16/05/2022 14:51:08
Cao huyết áp khi mang thai là tình trạng phổ biến với tỷ lệ gặp ở 10% phụ nữ mang thai lần đầu và 8% ở mọi lần mang thai. Sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp cho phụ nữ có thai là biện pháp giúp trị bệnh hữu hiệu. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc, thai phụ cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ vì một số loại thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ khó lường cho cả mẹ và con. Các hình thái cao huyết áp thai kỳ gồm: Cao huyết áp mạn tính: Cao huyết áp xảy ra trước khi có thai nhưng chỉ được phát hiện khi khám thai định kỳ; Tiền sản giật: Cao huyết áp được phát hiện lần đầu sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ với các biểu hiện phù, protein niệu. Tình trạng này có thể đe dọa tới tính mạng của cả mẹ và con nếu không được điều trị kịp thời do tiền sản giật chuyển sang cơn sản giật: thai phụ chuyển sang hôn mê do nhiễm độc máu tiến triển, gây biến chứng ở não (đau đầu, co giật), ở mắt (mờ mắt), ở gan (đau vùng bụng),... và dễ dẫn đến tử vong; Cao huyết áp đơn thuần: Phát hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ nhưng không có biểu hiện của tiền sản giật. Tình trạng này cũng thường không cần phải điều trị vì huyết áp của phụ nữ mang thai sẽ trở về trạng thái bình thường sau khi sinh con. Dưới đây là bảng tổng hợp các loại thuốc được ưu tiên lựa chọn trong điều trị cao huyết áp cho phụ nữ mang thai vì các thành phần của chúng đều an toàn, không gây tác dụng phụ cho thai phụ và thai nhi: Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp cho phụ nữ mang thai: Lựa chọn thuốc hạ áp cần phải an toàn cho thai phụ và thai phi, đường sử dụng thuốc tùy thuộc vào thời gian dự sinh và không gây ảnh hưởng tới tưới máu tử cung - nhau thai; Nhận biết tăng huyết áp càng sớm càng tốt để đưa ra các biện pháp phòng ngừa, điều trị thích hợp ngay từ giai đoạn sớm, bệnh còn nhẹ; Thai phụ bị tăng huyết áp nên đi khám định kỳ, đặc biệt là lúc chuyển sang giai đoạn khác của thai kỳ để bác sĩ có sự điều chỉnh loại thuốc phù hợp nếu cần thiết; Trong trường hợp bất đắc dĩ phải dùng một loại thuốc chưa phù hợp, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ để đưa ra lựa chọn phù hợp. Lúc này, cần có sự theo dõi cẩn thận và thông báo cho bệnh nhân để phối hợp một cách tốt nhất Bài viết được sự hỗ trợ về chuyên môn của Ds Lê Thị Thái Lan, Ds Nguyễn Thị Châm – Tổ Dược lâm sàng, thông tin thuốc

Xem Thêm

DANH MỤC TIN