Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019) và 30 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2019).
Thứ Hai 23/12/2019 14:32:16
Chiều ngày 20/12/2017, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức lễ mít tinh kỉ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019) và 30 năm ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2019). Tham dự buổi lễ có TS.Nguyễn Anh Quang – Phó Giám đốc bệnh viện; BSCKII.Lê Hoàng Tú – Phó Giám đốc bệnh viện – Chủ tịch Hội cựu chiến binh; Đồng chí Bùi Tiến Công -  Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Bệnh viện; Đồng chí Nguyễn Ngọc Trung – Chủ tịch công đoàn Bệnh viện cùng các Đồng chí hội viên trong Hội cựu chiến binh Bệnh viện. Mở đầu buổi lễ là các tiết mục văn nghệ mang lại không khí hào hùng, khơi dậy lòng yêu nước yêu dân tộc và trân quý những cống hiến bằng cả mồ hôi, máu và nước mắt của cha anh để chúng ta được sống trong hòa bình như ngày hôm nay. Tại buổi lễ, các đồng chí cựu chiến binh, cựu quân nhân, thanh niên xung phong của bệnh viện đã được nghe, cùng nhau ôn lại lịch sử truyền thống 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, 30 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân. Đồng thời, ôn lại những kỷ niệm nơi chiến trường xưa, những gian khổ, chiến đấu, mất mát, hi sinh của người lính “Bộ đội cụ Hồ”, từ đó chia sẻ những xúc cảm sâu sắc về tình yêu nước, tình đồng đội trong thời chiến đã qua. Đồng chí Bùi Tiến Công – Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh Bệnh viện đọc diễn văn kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 30 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân. Từ những câu chuyện, những chia sẻ, lời ca tiếng hát của các đồng chí cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong... đã truyền lửa cho các thế hệ trẻ bệnh viện hiểu rõ, trân quý những hi sinh, mất mát của các thế hệ cha anh đi trước, để lấy đó làm động lực là tấm gương để học tập và noi theo. TS.BS.Nguyễn Anh Quang, Phó Giám đốc bệnh viện phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, TS.Nguyễn Anh Quang - Phó Giám đốc bệnh viện “ bày tỏ lòng biết ơn và tri ân các thế hệ cha ông, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. TS.Nguyễn Anh Quang cũng mong muốn, trong thời gian tới các đồng chí tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng ủy bệnh viện, lãnh đạo đơn vị nơi công tác giao cho, xứng đáng là lực lượng quân y trong công tác chăm sóc và bảo vệ Nhân dân”. Tại buổi lễ, BSCKII.zLê Hoàng Tú – Chủ tịch hội cựu chiến binh Bệnh viện – Phó Giám đốc Bệnh viện đã điểm qua một số hoạt động nổi bật của Hội trong năm 2019 và phương hướng hoạt động của Hội trong năm 2020. Đồng chí Lê Hoàng Tú – Chủ tịch Hội cựu chiến binh bệnh viện phát biểu tại buổi lễ Về phương hướng hoạt động của Hội trong năm 2020, BSCKII. Lê Hoàng Tú – Chủ tịch hội cựu chiến binh Bệnh viện – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2019, năm 2020 tới, Hội Cựu chiến binh bệnh viện tích cực, chủ động tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ chế độ XHCN. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động của Hội hướng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường cho thế hệ trẻ; tổ chức các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" và chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho hội viên”.

Xem Thêm

Tập huấn Phản vệ, sốc phản vệ, dị ứng thuốc tê
Thứ Năm 05/12/2019 13:26:52
Nhằm cập nhật và bồi dưỡng thêm kiến thức cho đội ngũ cán bộ y tế, chiều ngày 03/12/2019,  Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức buổi tập huấn với chuyên đề: " Cập nhật phản vệ, sốc phản vệ và ngộ độc thuốc tê" dưới sự hướng dẫn và chia sẻ của PGS.TS Mai Xuân Hiên, Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Hồi sức Cấp cứu - Học viện quân y. Tại buổi tập huấn các nhân viên y tế được cập nhật các kiến thức mới, diễn biến bệnh, các biểu hiện lâm sàng do ngộ độc thuốc tê và cách xử trí khi có dấu hiệu trên. PGS.TS. Mai Xuân Hiên hướng dẫn, trao đổi chuyên đề: “Cập nhật phản vệ, sốc phản vệ và ngộ độc thuốc tê” Tại buổi tập huấn, PGS.TS. Mai Xuân Hiên đã nêu lên khái niệm: Phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính và nguy kịch nhất có nguy cơ gây tử vong. Phản ứng phản vệ được chia ra 3 mức độ. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có biểu hiện ban đỏ, mày đay, phù quanh mắt, phù mạch. Ở mức độ trung bình thấy khó thở, tím, khò khè, nôn và buồn nôn, chóng mặt, vã mồ hôi, chít hẹp họng miệng, đau bụng. Mức độ nặng, người bệnh tím tái, rối loạn ý thức, ngất, đại tiểu tiện mất tự chủ. Các tác nhân phản vệ thường gặp là kháng sinh, cao su, phản vệ quanh cuộc mổ, thuốc cản quang, ong đốt, thực phẩm,…Đồng thời, giảng viên cũng chỉ rõ cho các học viên các triệu chứng sốc phản vệ được thể hiện qua các cơ quan cơ thể như: da, mắt miệng, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, thần kinh. Trước những biểu hiện khá phức tạp và tính nguy cấp của phản vệ, đòi hỏi nhân viên y tế phải xử trí lâm sàng ngay. Theo đó, PGS.TS Mai Xuân Hiên đã hướng dẫn cách xử trí tức thời đối với điều dưỡng khi gặp phải tình huống bệnh nhân sốc phản vệ, đó là phải loại bỏ dị nguyên, gọi hỗ trợ, tiêm bắp adrenalin, đặt bệnh nhân ở tư thế đầu bằng chân cao, nằm nghiêng, thở oxy, hồi sức dịch. Trong đó, tiêm bắp adrenalin là việc vô cùng cần thiết và quan trọng, liều tiêm, truyền adrenalin và thời gian tiêm cũng được nhấn mạnh trong buổi tập huấn. Trường hợp cần thận trọng khi tiêm adrenalin khi bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, cường giáp, tăng huyết áp, mổ sọ não…Bên cạnh đó, bài giảng cũng đề cập đến phác đồ xử trí đối với các trường hợp nhẹ, nặng và nguy kịch tại khoa hồi sức tích cực. Và điều quan trọng nhất cần lưu ý đó là: Nhân viên y tế được phép tiêm bắp adrenalin cho bệnh nhân sốc phản vệ theo phác đồ khi chưa có bác sỹ. Buổi tập huấn với sự tham dự của các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện đa khoa Hà Đông Phần thứ hai của buổi tập huấn, PGS.TS Mai Xuân Hiên đã hướng dẫn, trao đổi về chủ đề: “Ngộ độc thuốc tê” đến các học viên. Đốc tính toàn thân của thuốc tê sẽ ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, tim mạch. Các yếu tố ảnh hưởng đến độc tính thuốc tê bao gồm: thuốc, vị trí tiêm, yếu tố bệnh nhân như: tuổi, di truyền, bệnh tim, có thai, tương tác thuốc, toan máu, thiếu oxy máu. Nồng độ thuốc tê trong máu phụ thuộc vào: lượng thuốc tê được tiêm, mức hấp thu, vị trí tiêm, mức phân bố ở mô, mức sinh chuyển hóa, mức bài tiết, liên quan bệnh nhân: tuổi, tình trạng tim mạch, chức năng gan. Biểu hiện ngộ độc thuốc tê được biểu hiện trên toàn thân, hệ tim mạch, hệ thần kinh. Biểu hiện lâm sàng của ngộ độc thuốc tê bao gồm: dấu hiệu thần kinh trung ương:  đắng miệng, tê quanh miệng, kích động, co giật, đờ đẫn, hôn mê hoặc ngưng thở. Dấu hiệu tim mạch qua các biểu hiện: rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp tiến triển, ngừng tim. Cách xử trí đầu tiên là ngừng tiêm thuốc tê, sau đó truyền lipid 20%, kiểm soát đường thở bằng thở oxy 100%, đặt nội khí quản thở máy. Ngoài ra, bài giảng cũng hướng dẫn cấp cứu ngừng tim do ngộ độc thuốc tê, sau đó tiếp tục theo dõi 4-6 giờ nếu có biến cố tim mạch, hoặc ít nhất 2 giờ nếu có biến cố thần kinh trung ương. Phát biểu kết thúc lớp tập huấn, BSCKII. Lê Hoàng Tú, Phó Giám đốc bệnh viện đánh giá cao và ghi nhận tầm quan trọng, ý nghĩa của buổi tập huấn, giúp các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế kịp thời ứng phó với các tình huống bệnh nhân phản vệ, sốc phản vệ, ngộ độc thuốc tê, đảm bảo an toàn người bệnh.

Xem Thêm

Giao lưu sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân COPD, HPQ
Thứ Sáu 29/11/2019 11:23:12
Nhằm tạo điều kiện để các bệnh nhân gặp gỡ, trao đổi cũng như khích lệ tinh thần lạc quan trong quá trình chữa bệnh tại Bệnh viện. Ngày 27/11/2019, bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức buổi giao lưu sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân COPD, HPQ. Tham gia buổi sinh hoạt có PGS.TS.Chu Thị Hạnh -  Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, Cán bộ Y tế Khoa khám bệnh và hơn 100 Hội viên câu lạc bộ bệnh nhân COPD, HPQ. Mở đầu buổi sinh hoạt PGS.TS.Chu Thị Hạnh chia sẻ về Đợt cấp HEN, Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT): Là tình trạng nặng lên đột ngột của bệnh, khó thở tăng lên. Cơn khó thở cấp, thở rít. Ho khạc đờm nhiều hơn, đờm chuyển màu, đờm mủ. Đòi hỏi phải thay đổi điều trị và nguyên nhân gây đợt cấp là do nhiễm trùng: vi khuẩn, vi rus; Không tuân thủ điều trị; Dùng thuốc an thần; Vỡ các bóng kén khí phổi gây tràn khí màng phổi; Tràn dịch màng phổi; Suy tim đợt mất bù; 1/3 số đợt cấp không rõ nguyên nhân. Do đó, đợt cấp càng nhiều thì nguy cơ tử vong càng tăng và đợt cấp làm chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm sút. Tiếp đến PGS.TS.Chu Thị Hạnh trình bày về Chiến lược dự phòng đợt cấp HEN, BPTNMT: Các biện pháp phòng ngừa đợt cấp không dùng thuốc (can thiệp liên tục), Tiêm vắc xin phòng cúm và phòng phế cầu, các biện pháp dùng thuốc (can thiệp liên tục), Điều trị tốt các bệnh lý kèm theo. Thứ nhất: Bỏ thuốc lá – ưu tiên hàng đầu: Bỏ hút thuốc lá là điều quan trọng không chỉ trong việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn trong việc ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh. Bỏ thuốc lá mang lại lợi ích cho chức năng phổi. Thứ hai: Tiêm vắc xin: Phòng nhiễm khuẩn hô hấp là biện pháp quan trọng. Có thể đạt được bằng tiêm phòng cúm một lần / năm và tiêm phòng loại nhiễm khuẩn hô hấp phổ biến nhất (pneumococcal vaccination) / mỗi 5 năm (cho bệnh nhân ≥ 65 tuổi; bệnh nhân < 65 tuổi nhưng FEV1< 40%). Sử dụng các sản phẩm tăng đề kháng của cơ thể (Bronchovaxom…). Ngoài ra tiêm phòng cúm có thể giảm chi phí do các đợt cấp và nằm viện và tiêm phòng phế cầu có thể mang lại ích lợi cho cả người bệnh và nhân viên y tế, tiêm phòng phế cầu có hiệu quả ở người bệnh lớn tuổi, bệnh nặng và có nhiều đợt cấp. Thứ ba: Phục hồi chức năng hô hấp thích hợp cho tất cả các bệnh nhân HEN và BPTNMT. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của Phục hồi chức năng hô hấp: Mang lại sự cải thiện lớn và có ý nghĩa lâm sàng của sự khó thở và mệt mỏi. Nâng cao ý thức của người bệnh trong việc kiểm soát tình trạng bệnh của mình. Đem lại sự cải thiện vừa phải khả năng gắng sức. Phục hồi chức năng một phần quan trọng trong quản lý hen và BPTNMT. Tiếp theo là các bài tập nâng cao chức năng hô hấp. Cuối cùng  PGS.TS.Chu Thị Hạnh cũng đưa ra kết luận: Đợt cấp là biến cố bất lợi xảy ra trong quá trình tiến triển của bệnh hen và BPTNMT. Hậu quả của đợt cấp dẫn đến làm suy giảm chức năng hô hấp, giảm chất lượng cuộc sống, nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, nguy cơ tử vong cao. Dự phòng đợt cấp bao gồm loại bỏ yếu tố nguy cơ, tập phục hồi chức năng hô hấp và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn. Kỹ năng sử dụng đúng các dụng cụ cung cấp thuốc hết sức quan trọng trong dự phòng đợt cấp. PGS.TS.Chu Thị Hạnh chia sẻ chuyên đề về Chiến lược dự phòng đợt cấp HEN, Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính Kết thúc buổi sinh hoạt toàn thể hội viên rất phấn khởi vì được giải đáp các thắc mắc trong quá trình điều trị cũng như học hỏi thêm các biện pháp tập luyện nhằm có một hệ hô hấp khỏe mạnh. Buổi sinh hoạt mang lại tinh thần lạc quan chiến đấu với bệnh tật, học viên luôn mong có thêm thật nhiều buổi sinh hoạt bổ ích cho người bệnh như câu lạc bộ COPD,HPQ. Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ COPD,HPQ.

Xem Thêm

Chuyển giao kĩ thuật mới trong sinh thiết vú và điều trị u tuyến giáp lần đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông
Thứ Tư 27/11/2019 09:57:26
Ngày 24/11/2019, các bác sĩ Bệnh viện trung ương quân đội 108 đã thực hiện chuyển giao 2 kỹ thuật tại khoa Ngoại thần kinh – lồng ngực, bệnh viện đa khoa Hà Đông. Đó là kỹ thuật sinh thiết vú có hỗ trợ thiết bị hút chân không VABB và kĩ thuật đốt sóng cao tần điều trị u tuyến giáp. Kỹ thuật sinh thiết vú có hỗ trợ thiết bị hút chân không VABB là kỹ thuật không cần phẫu thuật giúp điều trị dứt điểm u vú lành tính (bướu sợi tuyến vú, nang vú, áp xe…). Kỹ thuật này được sử dụng để sinh thiết một khối u nghi ngờ ở vú. Để sinh thiết khối u, thay vì phải mổ hở, các bác sĩ sẽ dùng lực hút chân không bằng kim của máy VABB để cắt và hút mẫu mô ra rồi gửi đi xét nghiệm tế bào học. Sinh thiết này được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, nhũ ảnh hay MRI. Bên cạnh đó, sinh thiết vú có hỗ trợ thiết bị hút chân không VABB còn được sử dụng để lấy toàn bộ những khối u lành tính như bướu sợi tuyến, bướu nhú, viêm vú có kích thước lớn đến 8cm. Như vậy người bệnh sẽ tránh được một cuộc mổ hở, không bị sẹo. Điều này đặc biệt có lợi khi người bệnh có nhiều khối u ở vú. Các trường hợp được áp dụng là bệnh nhân u vú lành tính và u vú tổn thương nhỏ nghi ngờ ác tính. Kĩ thuật này mang lại nhiều ưu điểm như: dễ thực hiện, xâm lấn tối thiểu, không sẹo, không cần điều trị nội trú, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, kết quả rất tốt và tỉ lệ biến chứng thấp. Các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh – lồng ngực thực hiện sinh thiết vú Kĩ thuật thứ hai được thực hiện chuyển giao lần này là đốt sóng cao tần (RFA). Đây là phương pháp mới, hiện đại nhất hiện nay trong điều trị u tuyến giáp lành tính. Phương pháp này sử dụng sóng cao tần để hủy các khối u dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số cao. Nhiệt do ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số cao sẽ làm khô mô xung quanh dẫn đến làm mất nước trong tế bào và hoại tử đông khối u, từ đó làm giảm thể tích bướu giáp. Phương pháp này có nhiều ưu điểm: độ an toàn cao do không phải rạch da xâm lấn, không cần gây mê nên quá trình theo dõi và tái khám tương đối đơn giản, thời gian thực hiện và nằm lại theo dõi tương đối nhanh giúp tiết kiệm thời gian, quá trình đốt được thực hiện qua một đầu kim rất nhỏ, do đó hoàn toàn không để lại sẹo.   Kĩ thuật điều trị u tuyến giáp bằng sóng cao tần RFA Với tinh thần tập trung chuyên môn, trách nhiệm cao trong công việc và tất cả vì người bệnh, các bác sĩ bệnh viện trung ương quân đội 108 và các bác sĩ bệnh viện đa khoa Hà Đông đã chuyển giao thành công hai kĩ thuật mới trong sinh thiết vú và điều trị u tuyến giáp, phục vụ điều trị bệnh nhân mắc bệnh về u vú và tuyến giáp, nâng cao trình độ chuyên môn, chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của nhân dân.

Xem Thêm

Kiểm tra, đánh giá chất lượng Bệnh viện tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông năm 2019
Thứ Sáu 15/11/2019 14:13:58
         Ngày 13/11/2019, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế do TS. Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - Trưởng đoàn, PGS.TS Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn - Phó trưởng đoàn, ThS. Trần Liên Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn - Phó trưởng đoàn, cùng các thành viên đã đến phúc tra kết quả tự kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2019 tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông.                   Tại buổi kiểm tra, Đ/c Nguyễn Thu Hằng - Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện báo cáo tóm tắt các hoạt động xây dựng chất lượng bệnh viện năm 2019. Trong năm 2019, Bệnh viện đã thực hiện các hoạt động cải tiến chất lượng thông qua việc xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng, triển khai và giám sát thực hiện, xây dựng bộ chỉ số chất lượng bệnh viện, có các chỉ số lồng ghép liên quan đến người bệnh HIV/AIDS, triển khai thực hiện bộ tiêu chí chất lượng đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật, rà soát lại hệ thống báo cáo sự cố và triển khai thông tư 43 của bộ y tế về việc ban hành hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, triển khai các hoạt động 5s, bệnh viện xanh sạch đẹp và giảm thiểu chất thải nhựa tại các khoa, phòng. Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh thay đổi phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế, khảo sát sự hài lòng của người bệnh về dịch vụ khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tạo cơ sở vật chất, xây dựng các gói dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn bệnh viện tự chủ. Sau phần báo cáo của Đ/c Nguyễn Thu Hằng - Trưởng phòng Quản lý chất lượng, đoàn phúc tra đã làm việc trực tiếp với những cá nhân, khoa, phòng của Bệnh viện đa khoa Hà Đông để tiến hành đánh giá việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, đồng thời đánh giá thực trạng chất lượng hoạt động theo 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện. Sau khi làm việc khẩn trương, tích cực, trên tinh thần công tâm, khách quan, chiều cùng ngày đoàn đã họp, thảo luận và tổng kết các kết quả kiểm tra. ThS. Trần Liên Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn - Phó trưởng đoàn, thay mặt đoàn, đã đánh giá cao kết quả hoạt động năm 2019 của bệnh viện đa khoa Hà Đông, điều này được thể hiện đồng bộ trên các mặt hoạt động như các tiến bộ khoa học công nghệ, công tác Chỉ đạo tuyến, đào tạo-nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế ngày càng đẩy mạnh hiệu quả, đời sống cán bộ viên chức được cải thiện, thái độ ứng xử hướng tới sự hài lòng của người bệnh có sự thay đổi đáng kể. Bên cạnh đó, cũng có các ý kiến góp ý của đoàn, có đề xuất với lãnh đạo khoa, phòng, bệnh viện có giải pháp, đưa vào khắc phục ngay trong thời gian tới. Bệnh viện cũng cần quan tâm hơn đến cơ sở vật chất, các biển báo chỉ dẫn người bệnh, sắp xếp các khoa phòng, buồng bệnh hợp lý và khoa học hơn,… ThS. Trần Liên Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn - Phó trưởng đoàn đi thăm quan, đánh giá chất lượng Bệnh viện Các thành viên đoàn phúc tra đưa ra ý kiến đánh giá chất lượng bệnh viện Đ/c Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Đông phát biểu tại buổi kiểm tra              Phát biểu tại buổi kiểm tra, Đ/c Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh sự cần thiết của chủ trương kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh của lãnh đạo Bộ Y tế, coi đây là cơ hội để bệnh viện tự rà soát, xem xét, đánh giá thực trạng cũng như có giải pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời,  đồng thời gửi lời cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của các thành viên trong đoàn giúp xây dựng bệnh viện đa khoa Hà Đông ngày càng phát triển. Bên cạnh đó Đ/c tiếp thu các ý kiến đóng góp và cam kết với các đồng chí trong đoàn phúc tra sẽ tiếp tục đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế, khắc phục các khó khăn, tồn tại theo kiến nghị của đoàn phúc tra để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Xem Thêm

Cứu sống bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nhờ phương pháp lọc máu liên tục tĩnh mạch
Thứ Năm 14/11/2019 10:38:56
Tuần qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận và điều trị thành công một ca bệnh nghiêm trọng bằng phương pháp lọc máu liên tục tĩnh mạch. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn P. (37 tuổi, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng sốc, trụy mạch, huyết áp tụt, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, ý thức lơ mơ. Theo người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử uống rượu nhiều năm, xơ gan 3 năm nay, khoảng 2 ngày gần đây thấy mệt mỏi nhiều, chán ăn, mất ngủ, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, nôn ra dịch nâu đỏ, tiểu ít. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm máu, Xquang tim phổi, siêu âm ổ bụng, siêu âm đánh giá đường kính tĩnh mạch chủ dưới,.. các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn đường vào tiêu hóa biến chứng suy đa tạng (suy gan, thận, trụy tim mạch), có toan chuyển hóa nặng. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tử vong, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành bù dịch, cấy máu, sử dụng kháng sinh liều cao và thuốc vận mạch, đặc biệt là áp dụng phương pháp lọc máu liên tục tĩnh mạch – tĩnh mạch, nhằm loại bỏ ra khỏi máu hầu hết các chất độc nội sinh và ngoại sinh, cân bằng dịch và điện giải một cách liên tục, đồng thời ít ảnh hưởng đến huyết động. Quá trình lọc máu được diễn ra liên tục trong 23 giờ dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ về các chỉ số mạch, huyết áp, nhiệt độ, theo dõi sát đề phòng tình trạng đông, chảy máu trên lâm sàng. Sau khi được áp dụng phương pháp lọc máu và điều trị tích cực, sau 3 ngày, bệnh nhân đã có những chuyển biến tốt, cắt được thuốc vận mạch, thoát khỏi tình trạng sốc, thấy tỉnh táo, tiếp xúc tốt, cảm giác dễ chịu hơn và tự ăn uống được. Hình ảnh bệnh nhân đang trong quá trình lọc máu liên tục Theo BSCKII. Đoàn Bình Tĩnh, trưởng khoa Hồi sức tích cực & chống độc, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân chia sẻ về phương pháp lọc máu liên tục tĩnh mạch: “Đây là phương pháp điều trị tiên tiến và hiện đại trong hồi sức cấp cứu, được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, phương pháp lọc máu này đã cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, đặc biệt là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Sau lọc máu, nguy cơ tử vong cũng như các chỉ số tổn thương giảm rõ rệt. Đặc biệt các yếu tố gây viêm giảm nhiều sau khi lọc máu nên các cơ quan thương tổn nhanh chóng phục hồi” BSCKI. Nguyễn Sơn Nam, khoa Hồi sức tích cực & chống độc thăm khám cho bệnh nhân Nguyễn Văn P. trước khi ra viện Bên cạnh đó, những bệnh nhân được lọc máu sớm có tỷ lệ sống cao hơn những trường hợp muộn. Các số liệu tổng kết cho thấy, kỹ thuật lọc máu liên tục giúp cứu sống thêm 20-50% số bệnh nhân nặng, giảm thời gian thở máy, giảm thời gian nằm viện, tỷ lệ biến chứng do thở máy và nằm lâu giảm, nhờ đó chi phí điều trị cũng giảm đáng kể.  

Xem Thêm

Tập huấn Huyết học: Ứng dụng Kết quả xét nghiệm điện di huyết sắc tố trong chẩn đoán Thalassemia
Thứ Tư 06/11/2019 09:42:53
Thalassemia - Bệnh thiếu máu tan máu di truyền , gây ảnh hưởng đến giống nòi, đến đời sống của bệnh nhân và của cả cộng đồng. Điện di huyết sắc tố là kỹ thuật sử dụng trong sàng lọc và chẩn đoán bệnh Thalassemia và bệnh huyết sắc tố. Chiều ngày 29/10/2019, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã tổ chức buổi tập huấn Huyết học với chuyên đề: “Ứng dụng kết quả xét nghiệm Điện di huyết sắc tố trong chẩn đoán Thalassemia”. Mở đầu buổi tập huấn, ThS.BS. Hoàng Thị Thu Thủy, Trung tâm Huyết học - Truyền máu, bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ chuyên đề: “Phân tích kết quả Điện di huyết sắc tố”. Thalassemia là bệnh thiếu máu tan máu di truyền gây ra do giảm hoặc mất hẳn sự tổng hợp của chuỗi globin. Hiện nay có khoảng 7% dân số thế giới mang gen. Ở Việt nam có khoảng 12 triệu người mang gen, khoảng 8000 trẻ bị bệnh mỗi năm, chi phí điều trị cho bệnh thalassemia lớn. Có hai loại là anpha (α) thalassemia và beta (β) thalassemia. Cả α thalassemia và β thalassemia đều biểu hiện triệu chứng lâm sàng ở các thể nặng, trung gian, nhẹ. Trường hợp mắc α thalassemia thể nặng nhất có các biểu hiện phù thai, vàng da, thiếu máu, gan to, rau to, mủn, có thể chết trước hoặc ngay sau đẻ, β thalassemia thể nặng nhất biểu hiện thiếu máu nặng, vàng da, lách to. thalassemia. ThS.BS. Hoàng Thị Thu Thủy, Trung tâm huyết học - Truyền máu, bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ chuyên đề: “Phân tích kết quả điện di huyết sắc tố” Tiếp theo đó, ThS.BS. Hoàng Thị Thu Thủy đã giới thiệu về các phương pháp Điện di huyết sắc tố. Có nhiều phương pháp điện di như: điện di trên gel, phương pháp sắc kí lỏng cao áp, điện di mao quản. Xét nghiệm Điện di huyết sắc tố là một xét nghiệm máu, được thực hiện để tìm xem trong máu có sự hiện diện của những Hemoglobin bất thường hay không và nồng độ của chúng là bao nhiêu. Phương pháp Điện di là phương pháp dùng dòng điện một chiều làm di chuyển các phân tử mang điện, dựa vào đó định tính hoặc định lượng các thành phần. ThS.BS. Hoàng Thị Thu Thủy đã phân tích kết quả xét nghiệm Điện di huyết sắc tố thông qua 7 ca bệnh cụ thể với các chỉ số điện di huyết sắc tố của từng ca bệnh để làm ví dụ minh họa cho bài giảng của mình.  Điện di huyết sắc tố được chỉ định trong các trường hợp sau: Người có dự định kết hôn với nhau và mắc một số bệnh lý huyết sắc tố thực hiện xét nghiệm này giúp tầm soát khả năng di truyền lại cho con để có quyết định thích hợp khi mang thai; Chẩn đoán những trường hợp thiếu máu tan máu không giải thích được; Thiếu máu hồng cầu nhỏ không liên quan đến giảm sắt, các bệnh lý mạn tính hoặc ngộ độc chì; Lam máu thấy đặc điểm hồng cầu bất thường; Tiểu sử gia đình có người bệnh huyết sắc tố, có người lành mang gen bệnh thalassemia;  Kết quả sàng lọc trước sinh dương tính.       ThS.BS. Hoàng Thị Thu Thủy cũng đã phân tích 7 ca bệnh với các chỉ số điện di huyết sắc tố của từng ca bệnh để làm ví dụ minh họa cho bài giảng của mình. Ngoài ra, một thông tin cần lưu ý đó là, với nền y học tiên tiến hiện đại ngày nay,  một phương pháp sàng lọc gen làm giảm nguy cơ di truyền bệnh Thalassemia  cho các thế hệ sau đó là phương pháp tiền làm tổ, giúp các cặp vợ chồng mang gen Thalassemia lựa chọn được phôi khỏe mạnh, để sinh ra đứa con khỏe mạnh. BSCKII. Nguyễn Thị Hương Liên, trưởng khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện đa khoa Hà Đông với chuyên đề: “Kết quả xét nghiệm điện di huyết sắc tố”. Tiếp sau đó là phần chia sẻ của BSCKII. Nguyễn Thị Hương Liên, trưởng khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện đa khoa Hà Đông với chuyên đề: “Kết quả xét nghiệm điện di huyết sắc tố”. Tại bệnh viện đa khoa Hà Đông, xét nghiệm Điện di huyết sắc tố được thực hiện trên máy Minicap flex piercing. Theo thống kê của khoa Huyết học truyền máu số ca điện di huyết sắc tố thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông từ ngày 24/9 đến 25/10/2019 là 24 ca. Tỷ lệ các khoa sử dụng xét nghiệm nhiều là đơn nguyên Ung bướu & HHLS, và khoa Nhi, tiếp đến là các khoa Nội tổng hợp, Sản, Nội. Bên cạnh đó, bài giảng cũng chỉ ra giới hạn bình thường hemoglobin qua các độ tuổi và nêu hình ảnh về một số hình thái bất thường của hồng cầu trong phân tích tế bào máu, hình ảnh và kết quả xét nghiệm Điện di huyết sắc tố tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Kết thúc phần trình bày 2 chuyên đề của ThS.BS. Hoàng Thị Thu Thủy và  BSCKII. Nguyễn Thị Hương Liên là phần thảo luận. Các ý kiến đưa ra đóng góp và các ý kiến thắc mắc của các bác sĩ, kĩ thuật viên đều được giải đáp. Buổi tập huấn Huyết học: Ứng dụng Kết quả xét nghiệm điện di huyết sắc tố trong chẩn đoán Thalassemia giúp các học viên cập nhật rất nhiều kiến thức bổ ích, đặc biệt trong chẩn đoán bệnh Thalassemia và sàng lọc gen di truyền Thalassemia, nắm rõ một số chỉ định xét nghiệm điện di huyết sắc tố. Thông qua đó áp dụng vào thực tiễn lâm sàng, phát hiện chính xác các loại huyết sắc tố bất thường, góp phần không nhỏ cho công tác chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh.

Xem Thêm

Tập huấn về quy định công tác điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh tại bệnh viện
Thứ Bảy 02/11/2019 11:07:50
Nhằm nâng cao vai trò của điều dưỡng trong thời kỳ đổi mới, đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã tổ chức tập huấn điều dưỡng với chuyên đề: “Quy định về công tác điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh tại bệnh viện” với sự hướng dẫn, trao đổi của Cử nhân Nguyễn Thị Minh Tâm, Chủ tịch hội điều dưỡng Hà Nội – Thư ký hội điều dưỡng Việt Nam. Buổi tập huấn với nội dung: Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên, chức năng nhiệm vụ của điều dưỡng trưởng, chăm sóc người bệnh toàn diện theo thông tư 07/2011/TT-BYT, công tác quản lý và lãnh đạo điều dưỡng. Cử nhân Nguyễn Thị Minh Tâm, Chủ tịch hội điều dưỡng Hà Nội – Thư ký hội điều dưỡng Việt Nam trao đổi tại buổi tập huấn Mở đầu buổi tập huấn, Cử nhân Nguyễn Thị Minh Tâm, Chủ tịch hội điều dưỡng Hà Nội – Thư ký hội điều dưỡng Việt Nam đã nhấn mạnh để các điều dưỡng viên hiểu được tầm quan trọng của việc phải thay đổi tư duy, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng người bệnh. Như chúng ta đã biết, bệnh viện là nơi có nhiều áp lực: đặc điểm đối tượng phục vụ của ngành y là người bệnh, họ lo lắng, dễ bị tổn thương, khép mình và dễ bức xúc, gia đình người bệnh thì căng thẳng, dễ phản ứng quá mức. bên cạnh đó thì nhân viên y tế của chúng ta lại trong tình trạng quá tải, nhiều áp lực, mệt mỏi, khó kiềm chế cảm xúc. Đồng thời, người bệnh và nhân viên y tế lại gặp những trở ngại về giao tiếp tại bệnh viện, nhân viên y tế thiếu kĩ năng giao tiếp ứng xử. Để khắc phục điều này, bộ trưởng bộ Y tế đã ban hành QĐ 2151/QĐ-BYT về kế hoạch triển khai thực hiện đổi mới phong cách , thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh gồm có 4 chương, 13 nhiệm vụ cụ thể, 4 phụ lục. Trong đó có mười nội dung đổi mới thiết yếu như: đổi mới tư duy về người bệnh, về chất lượng cơ sở y tế, về phong cách phục vụ chuyên nghiệp, đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ, thiết lập mối quan hệ điều dưỡng, người bệnh, cán bộ y tế chủ động nói lời cảm ơn người bệnh, xưng hô với người bệnh thân thiện & tôn trọng, thấu hiểu đau đớn và khó khăn của người bệnh, cán bộ y tế kiểm soát tâm lý bản thân, cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời cho người bệnh. Cử nhân Nguyễn Thị Minh Tâm đã đưa ra kết luận: Đổi mới phong cách, thái độ là cơ hội để cán bộ y tế tạo hình ảnh mới về nghề nghiệp, và để làm được điều này cần sự vào cuộc của mọi cá nhân và cả hệ thống. Nội dung thứ 2 được đề cập tại buổi tập huấn là Hệ thống quản lý điều dưỡng Việt Nam, giúp các điều dưỡng nắm bắt về quá trình hình thành hệ thống quản lý điều dưỡng, sơ đồ hệ thống quản lý điều dưỡng Việt Nam, nhiệm vụ của điều dưỡng trưởng khoa, điều dưỡng trưởng của bệnh viện. Bên cạnh đó, những giải pháp tăng cường thực hiện Thông tư số 07/2011/TT-BYT hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc bệnh nhân giúp các điều dưỡng hiểu hơn về các quan điểm và nguyên tắc chăm sóc người bệnh, những nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc người bệnh, trách nhiệm triển khai thực hiện của các cá nhân liên quan và vai trò của điều dưỡng trưởng khoa. Kết thúc phần trình bày của mình, CN Nguyễn Thị Minh Tâm đã đưa ra các bài tập tình huống, thảo luận nhóm, lồng ghép trong nội dung bài học, giúp các học viên đưa ra những suy nghĩ và ý kiến của mình cùng trao đổi với nhau.   Phát biểu kết thúc buổi tập huấn, BSCKII. Lê Hoàng Tú, Phó giám đốc bệnh viện nhấn mạnh tầm quan trọng của điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện, đặc biệt là trong thời đại mới. Thông qua buổi tập huấn, các điều dưỡng sẽ nhận thức rõ hơn vai trò của mình trong thời đại mới cũng như hiểu được trách nhiệm của mình trong công tác chăm sóc, điều trị và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Xem Thêm

DANH MỤC TIN
Tìm Kiếm
69vn188bet